Nhìn "núi chai nhựa" được móc lên từ cống ở ngã tư Trương Định- Võ Văn Tần (quận 3, TP HCM) ai cũng lắc đầu ngao ngán. Không thể tưởng tượng được một lượng chai nhựa "khổng lồ" như vậy được nhiều người vô tư vứt xuống đường và trôi vào miệng cống.
Đừng tự giết mình
Sau mỗi cơn mưa lớn, khi hàng ngàn người mắc kẹt giữa những con đường ngập nước, ai cũng than trời. Thế nhưng không ai nghĩ rằng hành động vứt rác bừa bãi, để rác ở miệng hố ga đã góp phần làm cho TP nhếch nhác và là một trong những nguyên nhân gây ngập nặng.
Chai nhựa được móc lên từ cống ở ngã tư Võ Văn Tần - Trương Định (quận 3)
Sau mỗi lần mưa lớn, mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh kèm theo bình luận khó chịu về đường xá ngập nước, xe chết máy phải dắt bộ. Thay vì bỏ thời gian lên mạng ca thán, chẳng mấy ai tìm hiểu xem nguyên nhân từ đâu, để tìm biện pháp khắc phục tận gốc. Chỉ đến khi mới đây, nhìn từ núi rác được móc từ cống lên mọi người mới vỡ lẽ.
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài viết: "Kinh hãi những thứ được móc ra từ lòng cống ở Sài Gòn", báo đã nhận được hàng trăm lượt bình luận bức xúc và hơn 5.200 lượt chia sẻ trên facebook.
Bạn đọc Quốc bình luận: "Cống chính là thùng rác cho nhiều người thiếu ý thức. Ý thức của một số người quá tệ , mang túi rác ra miệng cống để nên mưa gió đẩy rác trôi xuống cống rồi thì làm sao mà không ngập cho được"
Dầu mỡ từ các quán ăn thải ra, vón cục ở cống
"Phải nói là ý thức cư dân rất kém, không chỉ ngoại thành mà cả trong nội thành. Ở ngoại thành, nông thôn thì sông rạch chính là thùng rác, còn nội thành là những miệng cống hố ga. Nhiều hộ buôn bán cứ quét rác là tấp xuống miệng cống, kiểu như cho khuất mắt không thấy rác tức là sạch. Đường phố ngập thì cứ kêu ca, đổ lỗi cho công ty cấp thoát nước không chịu làm gì"- bạn đọc Phương Nguyễn bày tỏ.
Thương cho công việc những công nhân vệ sinh cống, bạn đọc Midnight bức xúc: "Người dân nên ý thức, mưa thì than ngập, buôn bán ăn uống thì xả rác bừa bãi, không có những người công nhân dọn rác thì làm sao đường xá sạch đẹp được. Cám ơn những người công nhân dọn dẹp đường phố, nên phạt thật nặng những người buôn bán xả rác bừa bãi".
Làm sao giảm rác ở hố ga?
Bạn đọc Halley hiến kế: "Một cách để hạn chế bớt túi nilon mà các nước châu Âu áp dụng là khi đi siêu thị hay chợ, người mua tự mang túi của mình để đựng. Người bán hàng sẽ không cung cấp túi, nếu muốn thì phải mua, còn rác thải thì phân loại. Thiết nghĩ nên tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người dân không xả rác bừa bãi, nhất là ngay miệng cống".
Bức xúc trước việc nhiều người ngang nhiên ném rác vào miệng hố ga, bạn đọc Nguyễn chia sẻ một hình ảnh mắt thấy tai nghe: "Tôi chứng kiến nhiều kẻ vô ý thức đến nỗi chở con mà tới ngay miệng cống là cầm cái túi đựng ly nước vứt thẳng vào miệng cống trước mặt con mình".
Công nhân vệ sinh vô cùng vất vả khi móc rác từ cống
Vậy để rác không "lọt" qua miệng cống thì cần phải làm gì? Bạn đọc Đức Nguyễn nhận định: "Người dân vô ý thức bảo vệ cái chung, cộng thêm sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý không làm vỉ sắt che chắn cẩn thận thì 100 tỉ USD nữa cũng không chống được ngập".
Trước khi người dân tự ý thức việc để rác đúng nơi, nhà nước cần phạt thật nặng những người vứt rác bừa bãi, quan điểm này được đông đảo bạn đọc ủng hộ. Bạn đọc Cù Trọng Xoáy nói: "Yêu cầu lãnh đạo TP HCM có cơ chế xử phạt thật nặng với các hành vi gây ảnh hưởng môi trường đô thị. Có chuyện nhỏ xíu như phát tờ rơi mà cả gần 20 năm nay hành vi phát nhận tờ rơi rồi xả thẳng xuống đường chẳng thấy cơ quan nào xử lý".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Mạnh Cường nêu ý kiến: "Không thể chỉ tạo ra ý thức bằng việc tuyên truyền được. Với tình trạng ý thức kém phổ biến hiện nay, phải xử phạt thật nhiều, phạt nặng và thật mạnh tay. Không quản lý xã hội nghiêm ắt sẽ tạo ra cả một xã hội hỗn độn, con người xấu xí".
"Cần phạt nặng ngay người nào vứt rác xuống đường và nơi công cộng. Chính quyền cần lắp đặt nhiều thùng rác dọc lề đường và ngã tư. Vì nhiều khi muốn vứt rác vô thùng rác mà tôi đi cả đoạn đường mấy trăm mét cũng không tìm thấy thùng rác nào cả"- bạn đọc Thiên Hà đề xuất.
Ăn mặc lịch sự mà xả rác thì rất khó coi
Đề nghị cơ quan chính quyền vào cuộc xử lý thích đáng các hộ gia đình, các cá nhân không tuân thủ những quy định chung về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó thường xuyên thông tin, đăng tải đúng địa chỉ, đúng cá nhân đã vi phạm. Kết hợp với việc nêu gương những tập thể, cá nhân tốt việc giữ gìn vệ sinh công cộng. Thật sự các anh chị em công nhân vệ sinh rất cơ cực và vất vả. Không thể chấp nhận những hộ gia đình giàu sang, những quán ăn lịch sự, những người ăn mặc đẹp lại vức rác bừa bãi không một chút ý thức, không hiểu hết những hành vi về nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường chung thì rất khó coi. Họ đã có văn minh, xanh, sạch đẹp, an toàn trong nhà họ mà họ không biết họ đang ở đâu, ở như thế nào và làm để xứng đáng hơn.
(Tâm thư của một bạn đọc gửi đến Báo Người Lao Động)
Bình luận (0)