Hành vi xả rác thải ra môi trường không chỉ gây bức xúc cho cộng đồng dân cư quanh khu vực mà còn gây ức chế cho chính quyền địa phương bởi việc xử lý khó triệt để. Nhận định này được nhiều địa phương ở TP HCM đưa ra khi Báo Người Lao Động có bài viết "Xả rác nhiều quá!" (số báo ra ngày 27-5).
Xã, phường: Thiếu lực lượng
Ông Lê Đình Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - cho biết hiện UBND xử lý hành vi xả rác ra môi trường theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể, lực lượng công chức địa chính - môi trường, công chức trật tự đô thị khi tuần tra phát hiện đối tượng xả rác không đúng quy định thì bắt quả tang, lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó mời người vi phạm về xã, nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đối với mức phạt dưới 5 triệu đồng, thẩm quyền ra quyết định là chủ tịch xã, mức phạt trên 5 triệu đồng, xã sẽ chuyển lên huyện để giải quyết.
Cầu Trường Đai (quận Gò Vấp, TP HCM) khi vi phạm
"Lâu nay, công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra đường phố, kênh rạch vẫn được xã duy trì thường xuyên, thậm chí địa phương treo thưởng nóng 500.000 đồng cho người dân bắt quả tang các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hành vi lén lút xả rác ra đường vẫn diễn ra, nhất là trên các tuyến đường vắng, ban đêm hoặc sáng sớm khi người dân đi làm, mang rác theo bỏ xuống đường. Công chức địa chính của xã chỉ có 2 người, tập trung giải quyết chuyên môn đất đai, xây dựng đã quá tải. Do đó, chính quyền rất cần người dân làm tai mắt, hỗ trợ bắt quả tang người vi phạm" - ông Lê Đình Thịnh nói.
Có điểm nóng là ụ rác ngay chân cầu Tham Lương, ông Phan Thanh Hòa - Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, quận Tân Phú - thông tin để giải quyết điểm nóng này, UBND phường đã đặt 1 chốt dân phòng nhưng do lực lượng mỏng nên không hiệu quả. Sắp tới, phường sẽ lắp đặt camera tại điểm nóng này để hỗ trợ phát hiện các trường hợp vi phạm. Ngoài lắp camera, lực lượng công chức địa chính, trật tự đô thị đi tuần tra ban ngày thì ban đêm, phường yêu cầu các lực lượng khác như công an phường, khu phố có quyền bắt quả tang, đưa đối tượng xả rác bậy về phường xử lý.
Có phạt nguội qua camera được không?
Từ năm 2020, UBND TP HCM đã yêu cầu các quận, huyện rà soát, lắp đặt camera, thiết bị ghi hình làm cơ sở xử phạt vi phạm hạnh chính. Ngoài ra, tận dụng thêm nguồn camera từ các hộ gia đình trong khu vực nhằm kịp thời phát hiện vi phạm.
Theo ông Phạm Bảo Toàn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận, hiện vẫn chưa có hướng dẫn về phạt nguội đối với lĩnh vực môi trường. Để tăng cường hiệu quả công tác xử lý hành vi vi phạm môi trường, quận ủy và UBND quận đã tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các phường. UBND quận thường xuyên ra quân dẹp nạn buôn bán hàng rong vì nhóm đối tượng này thường lưu động, nhiều lần camera ghi lại cho thấy hành vi xả rác ra môi trường. Ngoài ra quận lập group Zalo trong đó có lãnh đạo quận ủy và UBND quận để thông tin tình hình vệ sinh môi trường, khu vực nào mất vệ sinh sẽ chuyển cho các phường kiểm tra, xử lý. Phường nào không chuyển biến, lãnh đạo quận sẽ xuống họp để kiểm điểm chấn chỉnh.
Cầu Trường Đai (quận Gò Vấp, TP HCM) sau khi áp dụng các giải pháp xử lý vi phạm
"Vi phạm giao thông có phương tiện, biển số xe, dễ trích xuất tìm chủ sở hữu và phạt nguội. Riêng người xả rác nếu đi xe ba gác, rất khó tìm nơi sinh sống, chưa kể nếu trích xuất được biển số xe phải phối hợp nhiều lực lượng khác mới tìm được người. Công tác này mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao" - ông Phạm Bảo Toàn thông tin thêm.
Tuy hiệu quả phạt nguội qua camera không cao nhưng một cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Gò Vấp cho rằng camera vẫn nên được lắp đặt tại các "điểm nóng" để địa phương giám sát, theo dõi quy luật xả rác, có căn cứ bắt quả tang, xử lý. Qua camera, nhóm đối tượng thường xuyên xả rác được nhận diện, ví dụ là người địa phương, ngoài địa phương, bán hàng rong hay cơ sở sản xuất... Từ đó, có kế hoạch xử lý, tuyên truyền hiệu quả hơn.
Buộc lao động công ích
Ông Lê Đình Quang - Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Gò Vấp - cho biết địa phương này vẫn duy trì cách làm nghiêm khắc nhiều năm nay khi buộc người xả rác bậy phải lao động công ích bên cạnh việc đóng phạt.
Theo đó, phường 13 lập tổ tự quản với 5 thành viên là bảo vệ dân phố vừa hỗ trợ công tác an ninh trật tự vừa tuần tra, chốt chặn những điểm nóng bảo vệ môi trường trên địa bàn. Khi phát hiện hành vi xả rác, tổ tự quản dùng điện thoại ghi hình, sau đó trực tiếp mời người vi phạm về phường, thừa nhận hành vi và lập biên bản. Các trường hợp vi phạm sau khi nhận quyết định xử phạt đều phải dọn sạch ụ rác nơi mình vừa xả rác.
"Nhờ có tổ tự quản, nhiều điểm nóng về rác dưới chân cầu Trường Đai, cầu 59 đã được xóa. Để duy trì, bên cạnh động viên tinh thần, UBND phường đã thưởng nóng 400.000 đồng/trường hợp phát hiện vi phạm cho tổ tự quản. Điều đặc biệt, tiền thưởng nóng do doanh nghiệp, người dân tự nguyện hỗ trợ khi họ thấy đường sá, kênh rạch sạch hơn trước" - ông Lê Đình Quang nói.
Mời tham gia diễn đàn
Mặc dù đã có các quy định xử phạt đối với trường hợp vứt, xả rác không đúng nơi quy định; các phương tiện truyền thông cũng phản ánh rất nhiều nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan, rác thải sinh hoạt xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, tạo hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường.
Giải pháp nào xử lý hành vi xả rác bừa bãi một cách triệt để, hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn và hiến kế. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-5
Bình luận (0)