Sau phóng sự ảnh về nạn xả rác bừa bãi đăng trên Báo Người Lao Động ngày 18-2, một số chuyên gia môi trường, pháp luật đã lên tiếng.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP:
Rác ở đâu mà lắm thế?
Chúng tôi đang thực hiện vớt rác trên 2 tuyến kênh lớn là Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm, khối lượng vớt khoảng 12- 13 tấn/ngày, trong đó 30% là rác thải sinh hoạt. Không có thứ gì mà người ta không vứt xuống kênh. Trên bộ cũng vậy, công nhân vừa quét xong chừng vài phút lại có rác. Tôi đi kiểm tra thường nghe họ than: “Không biết rác đâu ra mà lắm thế?”, trong khi hơn 90% số hộ dân TP đã đóng tiền thu gom rác.
Tôi cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng xả rác bừa bãi hiện nay chính là ý thức của người dân chưa cao. Cha mẹ chở con đi học, con uống xong hộp sữa ném thẳng xuống đường nhưng họ xem là chuyện bình thường, vô tình tạo cho trẻ thói quen xấu. Từng là phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP, tôi biết mỗi năm ngân sách chi không ít cho công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác nơi công cộng… nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
Ngày trước ở khu vực Bình Tân, người dân một số tuyến hẻm đề nghị lắp đặt thùng rác công cộng đầu hẻm để bỏ rác tập trung và người đi đường có nơi bỏ. Thế mà thùng lắp xong, nhiều người vẫn bỏ rác ra ngoài, điểm đặt thùng rác thành bãi rác bất đắc dĩ. Nói như thế để thấy TP có đủ khả năng và cũng mong muốn lắp đầy đủ các thùng rác công cộng nhưng có nhiều nguyên nhân khách quan khiến cho hạ tầng thu gom rác chưa đầy đủ. Cho nên, bên cạnh các giải pháp căn cơ, lâu bền nhất chính là giáo dục ngay từ khi người ta còn nhỏ.
TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TP HCM:
Đừng xem xả rác là… việc nhỏ
Hệ thống các quy định pháp luật của Việt Nam đã đủ điều chỉnh các hành vi xả rác nơi công cộng nhưng lực lượng chức năng quá ít để có thể bắt quả tang, xử phạt. Quan trọng hơn là quan điểm, nhận thức của người làm công tác xử phạt.
Thứ nhất, mức phạt quá thấp khiến cho họ không muốn bỏ thời gian để thực hiện các thủ tục mà một số trường hợp chi phí cho các thủ tục xử phạt còn cao hơn giá trị tiền phạt. Thứ hai, họ xem hành vi xả rác nơi công cộng là “việc nhỏ”: một mẩu thuốc, vài bao ni-lông… không có gì lớn, không ảnh hưởng mấy đến môi trường, mỹ quan đô thị. Cứ thế người sau nhìn người trước để hành xử. Một người thản nhiên vứt rác trước mặt bao nhiêu người là… vô cùng bình thường. Thế nhưng, nhiều vi phạm nhỏ không ngăn chặn sẽ gây ra họa lớn. Năm vừa qua, ngành thoát nước đã rất vất vả để đối phó với tình trạng rác bịt kín các hố ga, một phần nguyên nhân ngập của TP cũng từ đây.
Do vậy, theo tôi, cần chấn chỉnh lại việc xử phạt hành vi xả rác hiện nay, nếu thấy có người bị phạt vì hành vi xả rác công cộng, những người sắp làm điều đó sẽ suy nghĩ lại. Cũng đừng đổ cho người dân nhập cư, nếu người dân địa phương không xả rác thì người nhập cư chắc chắn cũng không dám làm. Chúng ta đến các nước như Singapore, Hồng Kông… nhìn đường phố của họ, ta có dám vứt rác không?
Từ xưa, người dân TP HCM vốn đã có nếp sống văn minh, lịch sự, nếu lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng cũng như truyền thông biết cách khơi gợi lại thì việc chấn chỉnh sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn.
Luật đã quy định cụ thể
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng, tùy từng hành vi, mức độ vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1 tỉ đồng. Mức phạt tiền áp dụng với tổ chức vi phạm gấp 2 lần mức phạt áp dụng với cá nhân.
Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1-7-2016), tại điều 235 cũng quy định chi tiết về tội gây ô nhiễm môi trường. Nếu cá nhân có hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy trái quy định pháp luật, tùy mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 7 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tùy mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng…
Như vậy, quy định về các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng đã đủ sức răn đe. Vấn đề là chúng ta áp dụng như thế nào để ngăn chặn được hành vi xả rác bừa bãi, đổ rác thải sai quy định.
T.Hoàng ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động số ra ngày 18-2
Bình luận (0)