Vừa qua, Báo Người Lao Động tiếp nhận đơn khiếu nại của Công ty TNHH Lịch xuân Phương Nam (Công ty Phương Nam, quận 1, TP HCM) về việc Công ty CP Truyền thông Khang (quận Tân Bình, TP HCM) tự ý sử dụng nhiều bức tranh của họ mà không xin phép.
Chế tranh lịch từ... internet
Theo trình bày của đại diện Công ty Phương Nam, tháng 12-2014, công ty phát hiện mẫu lịch bàn của một đơn vị in hình những bức tranh của họ mà không xin phép.
“Để thực hiện lịch bloc 2015, Công ty Phương Nam đã đặt hàng một nhóm họa sĩ vẽ những bức tranh về phong cảnh Việt Nam. Quy trình thực hiện rất công phu và công ty đã trả thù lao rất cao cho nhóm họa sĩ này. Công ty chưa đăng ký quyền sở hữu các bức tranh ấy. Thế nhưng, đơn vị sở hữu mẫu lịch bàn nêu trên đã không xin phép công ty, tự ý phát hành mà không trả tiền bản quyền cho công ty. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý vụ việc” - vị đại diện này bức xúc.
Làm việc với chúng tôi, đơn vị sở hữu mẫu lịch bàn nêu trên cho biết vì muốn có lịch bàn để tặng nhân viên nên họ đã liên hệ Công ty CP Truyền thông Khang thiết kế hình ảnh, sau đó chuyển file để chọn. Sau khi thống nhất mẫu mã, đơn vị đã ký hợp đồng mua bán mẫu với Công ty CP Truyền thông Khang.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Truyền thông Khang cho rằng nhân viên thiết kế đồ họa của công ty đã vẽ 7 bức tranh, những bức còn lại lấy trên internet. Sau khi lấy trên mạng, họa sĩ của công ty đã vẽ lại, sau đó cung cấp sản phẩm cho khách hàng lựa chọn.
“Những bức tranh in trên lịch mà công ty bán cho khách hàng là sản phẩm của công ty chứ không phải của Phương Nam” - đại diện Công ty CP Truyền thông Khang nhấn mạnh.
Xác định quyền sở hữu
Luật sư Hoàng Trung Kiên, Công ty Luật Hợp danh CIS (TP HCM), phân tích: Công ty Phương Nam đặt hàng cho họa sĩ thiết kế bộ lịch bloc 2015 tranh phong cảnh Việt Nam và đã trả thù lao. Như vậy, giữa các bên đã tồn tại giao kết về việc thiết kế. Do đó, căn cứ khoản 2 điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009, Công ty Phương Nam là chủ sở hữu của những bức tranh phong cảnh trên bộ lịch bloc 2015.
Theo luật sư Kiên, Công ty Phương Nam có thể kiện Công ty CP Truyền thông Khang ra tòa yêu cầu chấm dứt sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khi kiện, Phương Nam cần phải chứng minh: Thời điểm hình thành các tác phẩm; tác phẩm của Công ty CP Truyền thông Khang ra đời sau tác phẩm của Công ty Phương Nam nhưng lại giống toàn bộ hoặc phần lớn các yếu tố cơ bản tạo nên tác phẩm; thiệt hại của Công ty Phương Nam do hành vi vi phạm bản quyền gây nên...
Luật sư Kiên cho rằng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, người dùng có thể nhấp chuột là có những hình ảnh mà mình thích. Thế nhưng, việc sử dụng những hình ảnh lấy từ trên mạng có thể bị chủ sở hữu kiện đòi bồi thường. “Văn phòng của tôi từng đại diện ủy quyền kiện đòi bồi thường một đơn vị sử dụng hình ảnh “chùa”, lấy trên mạng với mức bồi thường gần 200 triệu đồng” - ông dẫn chứng.
Những tranh chấp kiểu như trên rất phổ biến trong cuộc sống. Theo luật sư Kiên, để hạn chế, các đơn vị cần lưu ý: Thỏa thuận rõ ràng, cụ thể với bên thiết kế về việc các tác phẩm sẽ thuộc độc quyền của bên giao thiết kế; đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền. Tuy việc đăng ký không ảnh hưởng đến vấn đề xác lập quyền tác giả vì quyền tác giả được bảo hộ tự động, không cần phải đăng ký nhưng giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ là bằng chứng quan trọng.
Bồi thường rất nặng
Công nghệ số và mạng tương tác toàn cầu dẫn đến việc tiếp cận, sao chép, sử dụng tác phẩm dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu phát hiện, chủ sở hữu hoàn toàn có quyền khởi kiện người sử dụng tác phẩm ra tòa, yêu cầu chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng tác phẩm và buộc phải bồi thường thiệt hại - bao gồm tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khoản lợi nhuận mà bên kia đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bình luận (0)