xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xăng E5 ế ẩm, ethanol bí đầu ra

Phương Anh

Triển khai xây dựng các nhà máy sản xuất ethanol dùng để pha chế xăng E5 với tổng vốn đầu tư lên đến 270 triệu USD nhưng sản phẩm này không bán được vì xăng E5 ít ai sử dụng

img
Sau khi khai trương rầm rộ, các điểm bán xăng E5 ngày càng ế ẩm, phải đóng cửa vì người tiêu dùng không sử dụng. Ảnh: TTXVN
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol tại Bình Phước, Phú Thọ và Dung Quất - Quảng Ngãi với tổng công suất 300.000 m3/năm theo đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11-2007. Tuy nhiên, do những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay, quyết định về việc ban hành lộ trình bắt buộc áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống vẫn đang trong giai đoạn được Bộ Công Thương soạn thảo.

Không bán được thì xuất khẩu

Trong dự thảo, Bộ Công Thương đề nghị bắt buộc sử dụng xăng sinh học E5 (pha trộn giữa 95% xăng thường và 5% ethanol) cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 tỉnh, TP: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 1-12-2013 và trên cả nước từ tháng 6-2015. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, hiện cả nước có 13 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu và đến tháng 4 năm nay, 5 nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất thiết kế 490 triệu lít/năm, cung cấp đủ số lượng xăng dầu thay thế cho toàn bộ phương tiện trong cả nước.

Tại cuộc họp cho ý kiến xây dựng dự thảo quyết định về việc ban hành lộ trình bắt buộc áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì ngày 15-5, một số bộ, ngành liên quan đã bày tỏ băn khoăn về giá thành sản phẩm, về vùng nguyên liệu đáp ứng cho các nhà máy, công tác chuẩn bị cho việc chuyển đổi hệ thống cơ sở hạ tầng để đáp ứng sử dụng xăng E5…

Những băn khoăn này là có cơ sở vì hiện nay, các nhà máy ethanol đã đi vào sản xuất nhưng mới chỉ có 2 doanh nghiệp tự nguyện tham gia và được cấp  phép pha chế, bán xăng E5 là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Dầu khí TPHCM (Saigon Petro). Trong đó, PV Oil là đơn vị trực thuộc PVN, được giao chủ lực trong sản xuất, tiêu thụ xăng E5. Thế nhưng năm 2011, PV Oil chỉ bán được gần 20.000 m3 xăng E5. Dự báo đến năm 2013, sản lượng tiêu thụ xăng E5 cũng chỉ đạt khoảng 100.000 m3, bằng 1/3 công suất thiết kế. 

Trong khi đó, Saigon Petro cho biết sau nhiều nỗ lực, công ty này cũng chỉ bán được xăng E5 tại 4 cửa hàng ở TPHCM với sản lượng không đáng kể. Đặc biệt, từ khi có thông tin nghi ngờ xăng pha tạp chất là một trong những nguyên nhân gây cháy xe vào cuối năm 2011, sản lượng tiêu thụ xăng E5 của công ty sụt giảm tới 40%. 3/4 đại lý đang muốn phá hợp đồng vì xăng E5 đang là nguyên nhân khiến họ mất doanh thu. “Hợp đồng ký thời hạn một năm nhưng nếu họ quyết tâm ngừng thì chúng tôi cũng đành chịu” - một đại diện Saigon Petro nói. Trước tình trạng này, PVN phải xuất khẩu ethanol để bảo đảm đầu ra cho các nhà máy. 

Lo ngại lãng phí

Sự gia nhập thị trường của xăng E5 cũng khá chật vật. Xăng này lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào tháng 9-2008 nhưng lập tức vấp phải sự phản đối của một số tổ chức vì e ngại chưa có quy chuẩn. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã tạm đình chỉ bán xăng E5 để chờ có đủ thời gian thử nghiệm, ban hành tiêu chuẩn chất lượng. Tháng 8-2010, xăng E5 một lần nữa được bán ra thị trường khi đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn.

Ở cả hai lần thử nghiệm, người tiêu dùng đều không mặn mà với xăng E5 dù sản phẩm này được công bố là rẻ và sạch hơn so với xăng A92. Nguyên nhân chính là do xăng E5 không rẻ hơn nhiều so với xăng A92, hệ thống phân phối quá mỏng và lại mang tính chất thử nghiệm.

Đầu năm 2011, PVN đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ về việc sớm ban hành lộ trình bắt buộc sử dung nhiên liệu xăng sinh học trên toàn quốc. Trong đó, bộ đề nghị tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu phải tham gia hệ thống phân phối, nhất là Petrolimex, nhằm tăng mạnh các điểm bán xăng E5, tạo sự thuận lợi cho người sử dụng.

Tuy nhiên, trước “giờ G” - thời điểm bắt buộc sử dụng xăng E5 trên cả nước, các doanh nghiệp chỉ được khuyến khích tham gia sản xuất, cung cấp xăng E5 chứ không có cơ chế bắt buộc. Saigon Petro đã thừa nhận “thất bại vì sản lượng bán hàng quá thấp”. Petrolimex cũng chưa quyết định tham gia vì thị trường xăng E5 vẫn chưa rõ ràng.

Phát triển ngành công nghiệp sản xuất ethanol không những giải quyết được vấn đề môi trường mà còn cải thiện được tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, tạo công ăn việc làm cho nông dân tại các vùng nhiên liệu… Tuy nhiên, nếu không có quy hoạch hợp lý, nhà máy sản xuất ethanol dư thừa công suất, trong khi kéo dài tình trạng không tăng được số lượng phương tiện sử dụng nhiên liệu này thì sẽ gây lãng phí.

Nghiên cứu 10 năm, chưa thấy thị trường

Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, trong “cơn sốt nhiên liệu ethanol” trên toàn thế giới, hàng chục năm nay, Petrolimex đã thành lập một bộ phận nghiên cứu khả năng sản xuất, tiêu thụ xăng E5 nhưng đến nay vẫn thấy chưa đủ điều kiện tham gia. Độ hút nước của xăng E5 rất cao so với nhiên liệu khác, nếu tiêu thụ chậm sẽ xảy ra khả năng nhũ hóa, sử dụng không an toàn cho động cơ và không bán được.

“Petrolimex chỉ tham gia khi có dự báo tin cậy về khả năng tiêu thụ. Vì khi người dân không sử dụng, chắc chắn không có thị trường và khi đó, nếu doanh nghiệp tham gia sẽ chỉ có thiệt hại về kinh tế” - ông Năm khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo