Từ tháng 6-2011, khoảng 1.800 tiểu thương ở chợ trung tâm TP Bạc Liêu phải dời về chợ tạm Trần Huỳnh (phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) trong thời gian chờ xây chợ Bạc Liêu mới. Thế nhưng, nhà đầu tư xây chợ tạm là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Minh Thắng Bạc Liêu (Công ty Minh Thắng) đã bắt chẹt tiểu thương khiến họ không còn đường kinh doanh.
Bỏ chợ đi làm thuê
Đầu tháng 9-2011, chợ Bạc Liêu được khởi công nhưng 2 năm sau mới xây dựng. Trong khoảng thời gian chờ đợi, tiểu thương buôn bán tại chợ tạm Trần Huỳnh phải chịu cảnh ế ẩm vì vị trí không thuận lợi. Trong khi đó, nhà đầu tư xây chợ tạm là Công ty Minh Thắng yêu cầu tiểu thương phải đóng tiền thuê sạp rất cao để sớm thu hồi vốn.
Bà Phan Ngọc Trân (ngụ phường 2, TP Bạc Liêu) trước đây là chủ sạp rau củ quả lớn tại chợ Bạc Liêu với sức bán khoảng 1 tấn/ngày, nay phải bưng mâm bánh đi bán dạo để kiếm từng đồng tiền lẻ. Bà Trân kể: “Tôi cũng như bao tiểu thương khác chấp hành dời ra chợ tạm để chờ chợ mới xây dựng trong vòng 2 năm. Không ngờ chợ tạm thu phí cắt cổ, cao gấp chục lần chợ cũ nhưng mỗi ngày, sạp của tôi bán không được 2 kg rau, củ. Cầm cự được 17 tháng, hết vốn, vợ chồng tôi bỏ lên TP HCM làm mướn một thời gian rồi quay về đây bán bánh và chạy xe ôm kiếm sống”.
Vì quá khó khăn, lúc đầu đến bán ở chợ tạm có gần 2.000 tiểu thương nhưng nay chỉ còn khoảng 400. Phần lớn tiểu thương bám trụ không nổi nên ra bán lặt vặt ở lề đường hoặc đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Nhà đầu tư mặc sức thu tiền
Theo thiết kế ban đầu, chợ Bạc Liêu có quy mô 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 4 tầng lầu, bảo đảm đủ chỗ buôn bán cho 5.000 tiểu thương. Sau 3 lần thay đổi thiết kế, cuối cùng chợ chỉ còn 1 trệt, 1 lầu với khoảng 1.000 sạp. Khi di dời tiểu thương, chính quyền địa phương và nhà đầu tư cam kết đến ngày 30-6-2013 (thời gian dự kiến chợ mới hoàn thành) là hết thời hạn tiểu thương phải đóng tiền thuê sạp ở chợ tạm. Thế nhưng, Công ty Minh Thắng vẫn tiếp tục thu tiền thuê sạp cho đến nay.
Lý giải cho sự bất hợp lý này, văn bản số 5028/UBND-KT ngày 6-12-2013 của chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng do ngân sách TP Bạc Liêu khó khăn nên chính quyền để Công ty Minh Thắng xây dựng chợ tạm Trần Huỳnh (kinh phí trên 34 tỉ đồng). Thay vào đó, UBND tỉnh cho công ty này khai thác chợ tạm đến 5 năm để bù đắp chi phí đầu tư xây dựng. Với chủ trương này, tiểu thương phải è cổ gánh phí cho Công ty Minh Thắng trong khi thời gian xây chợ mới Bạc Liêu kéo dài. Ngoài ra, công ty này còn yêu cầu một số tiểu thương ký hợp đồng ghi nhớ thuê sạp trong chợ mới với giá 700 triệu đồng (20 năm) và thanh toán hết số tiền này trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Thắng, giải thích: “Việc ký hợp đồng ghi nhớ thuê sạp mà tiểu thương phản ánh chỉ là đặt cọc, nhiều nhất là 30 triệu đồng. Khi nào giá thuê sạp được cơ quan chức năng thông qua, công ty mới ký hợp đồng chính thức với tiểu thương”. Tuy nhiên, một số tiểu thương cho biết Công ty Minh Thắng đã thu tiền cọc của nhiều người lên đến cả trăm triệu đồng.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu, đây chỉ mới là cách tính của Công ty Minh Thắng. “Các ban, ngành đang thẩm định, cân nhắc sao cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và tiểu thương. Cho tới nay, chính quyền chưa có văn bản pháp lý nào buộc tiểu thương nộp tiền thuê sạp” - bà Vân khẳng định.
Không kham nổi giá thuê sạp
Hàng trăm tiểu thương ở chợ Bạc Liêu lo lắng nếu giá thuê sạp của chợ mới từ 500 đến 700 triệu đồng thì họ sẽ không kham nổi. Họ đã đồng loạt gửi đơn kêu cứu đến UBND tỉnh Bạc Liêu, UBND TP Bạc Liêu đề nghị được đối thoại nhưng chưa được chấp nhận.
“Tôi lo ngại rằng những người có tiền sẽ được ưu tiên đặt chỗ trước. Đến khi chợ mới hoàn thành sẽ không còn chỗ cho những tiểu thương vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi do xây dựng chợ chậm tiến độ” - bà Trần Thị Ngọc Hà, một tiểu thương, bức xúc.
Bình luận (0)