Con người sống trong xã hội hằng ngày, hằng giờ đều phải tham gia vào hoạt động giao thông, là chủ thể giao thông. Nếu cứ giữ những thói quen tai hại, một sơ suất hay bất chấp quy tắc, dù rất nhỏ, thì bất kỳ ai cũng đều có thể gây tai nạn, ùn tắc, kẹt xe.
Sai thành đúng, chuyện bình thường thành lạ lẫm
Ra đường, đôi khi chúng ta bắt gặp những hình ảnh đẹp trong giao thông như: giờ cao điểm hay khi ùn tắc không ít người vẫn kiên nhẫn chờ đợi đến lượt di chuyển, không lấn tới, bấm còi inh ỏi, chạy xe lên vỉa hè; ôtô nhường đường cho xe máy, người đi bộ qua trước; người trẻ nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho phụ nữ có con nhỏ, người già... Ngẫm kỹ đó là những việc bình thường nhưng lại khiến chúng ta ngỡ ngàng. Dường như trong cuộc sống hiện nay, có những cái sai trở thành bình thường, nhiều cái sai lại trở thành đúng, riết rồi cái đúng nhiều khi cảm thấy sai, chuyện bình thường lại khiến chúng ta lạ lẫm...
Giờ cao điểm, có khi chỉ một đoạn ngắn có đến gần chục chiếc xe buýt lưu thông, nhiều xe máy, ôtô chen lấn gây ùn tắc. Tài xế xe buýt bấm còi inh ỏi, bất chấp điều này có thể làm nhiều người luống cuống, mất thăng bằng, loạng choạng tay lái, va quệt với xe đi cùng chiều.
Lưu thông trên các tuyến đường ở khu vực trung tâm TP HCM, chắc nhiều người cũng rất bức xúc khi làn đường dành cho xe máy bị ôtô chèn lấn, chiếm chỗ để đậu dừng, lắm lúc người đi xe máy phải mạo hiểm chen giữa các ôtô để thoát ra; tài xế ôtô bấm còi inh ỏi, lưu thông sai làn đường, xe máy phía sau bị cản đầu và ùn lại nên gây kẹt xe cục bộ. Hay mùa mưa xuất hiện những vũng nước, nhiều người lái ôtô chạy qua không giảm tốc độ làm nước bẩn văng tung tóe lên người đi xe máy, đi bộ.
Nhiều người chạy xe ngược chiều trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn ngay dốc cầu vượt Linh Xuân, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP HCM) để đi tắt cắt ngang vào KCN Linh Trung thay vì chạy đến ngã tư cách đó khoảng 100 m để bảo đảm an toànẢnh: Hoàng Thái Hùng
Tạo thói quen ra đường biết nhường nhịn
Ai đã từng du lịch đến Thái Lan chắc cũng đều thấy ở đây dù đường đông xe, không có cảnh sát giao thông nhưng các phương tiện vẫn lưu thông rất trật tự. Hàng dài ôtô nối đuôi nhau di chuyển rất chậm dù bên cạnh là làn đường dành cho xe máy đang trống, tuyệt đối không có chiếc ôtô nào lấn làn hay bấm còi.
Có không ít ý kiến đổ lỗi văn hóa giao thông xuống cấp do cơ sở hạ tầng đường sá yếu kém, e rằng là không có cơ sở. Thành phố ở các nước như Lào và Myanmar, cơ sở hạ tầng giao thông có nơi tệ hơn TP HCM nhưng người đi đường tuân thủ luật giao thông và biết nhường nhịn.
Ước tính hiện nay TP HCM có hơn 8,2 triệu phương tiện, trong đó có hơn 780.000 ôtô và 7,5 triệu xe máy. Giờ cao điểm có đông xe lưu thông trên đường, chiếm phần lớn diện tích mặt đường. Chỉ một vài ôtô lấn tuyến, dừng đậu trái phép, lưu thông sai làn đường cũng có thể xảy ra ùn tắc, kẹt xe kéo dài, mất thời gian, gây mệt mỏi cho nhiều người.
Trong một thành phố có đông phương tiện, nhiều người tham gia giao thông, không có cơ quan chức năng nào đủ người để đi khắp nơi, xử lý từng trường hợp cụ thể.
Mọi hành vi trong tham gia giao thông dù nhỏ nhặt cũng sẽ là bước đệm cho hành động mai sau: tốt, xấu, hay, dở... Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan nhà nước và thực thi công vụ (xử phạt nghiêm minh, nâng cấp hạ tầng giao thông), mỗi người ra đường cần tập thói quen tuân thủ luật giao thông, biết nhường nhịn nhau. Chỉ cần làm được như thế sẽ góp phần giảm kẹt xe, tai nạn giao thông, xây dựng đời sống văn minh đô thị, đem lại thuận lợi, an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh.
Ngăn chặn từ thói xấu nhỏ
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng kế hoạch Năm an toàn giao thông 2022 với chủ đề: "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Hàng loạt mục tiêu được đặt ra: nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; giảm tai nạn giao thông từ 5%-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương...
Những mục tiêu lý tưởng ấy chỉ có thể thành hiện thực khi mỗi người dân ý thức sâu sắc về hiểm họa tai nạn giao thông tiềm ẩn đằng sau những thói quen xấu, ứng xử tiêu cực, hành vi phản cảm.
Đó là hình ảnh tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại. Đó là tình trạng cự cãi, bạo lực mỗi khi xảy ra va chạm giao thông. Đó là nạn bấm còi bừa bãi, inh ỏi để thị uy và gây sự chú ý quá mức. Đó còn là hành vi đỗ xe tùy tiện của một số bác tài khi đậu xe trước cổng nhà, chắn lối vào cửa hàng...
Mỗi hành vi tưởng chừng rất nhỏ ấy cũng có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác hoặc tạo nên những mâu thuẫn, xô xát, hủy hoại tài sản... để lại hậu quả nghiêm trọng, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Nhiễm thói xấu thì rất dễ nhưng để rèn một thói quen tốt lại nhọc công vô cùng nhưng không phải không thể thực hiện. Nếu mỗi người ý thức hơn, văn minh hơn khi điều khiển phương tiện thì chắc chắn giao thông của chúng ta sẽ cải thiện dần trong tương lai gần!
Nguyễn Ngọc
Bình luận (0)