xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây nghĩa trang quốc gia 1.400 tỉ đồng: Phải đo lòng dân thế nào!

Tấn Phong - Phan Anh - Trường Hoàng

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần cân nhắc đối với dự án này vì trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn thì việc xây nghĩa trang với vốn lớn như vậy là không hợp lý

Theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, Nghĩa trang Yên Trung (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm TP khoảng 40 km về phía Tây, diện tích 120 ha (gồm: khu nghĩa trang quốc gia gần 72,3 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan với diện tích 47,7 ha). Đây là nghĩa trang cấp quốc gia, nơi an nghỉ, khu tưởng niệm các lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước sau khi từ trần. Nghĩa trang có đủ các hạng mục từ nhà làm việc, đón tiếp, nhà dịch vụ, khu nghi lễ, khu vực tổ chức nghi lễ, đất an táng, đất cây xanh mặt nước, đất giao thông, bãi đỗ xe và khu đệm cây xanh cảnh quan.

Tránh tham nhũng tâm linh

Quy mô nghĩa trang này là từ 2.200 đến 2.500 ngôi mộ, mỗi mộ có khuôn viên 25-35 m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người. Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng. Trong đó, giai đoạn một xây dựng đường kết nối, khu dịch vụ, nghỉ lễ, khu tưởng niệm và an táng. Các khu còn lại sẽ được đầu tư khi có nhu cầu. Nguồn vốn dự kiến hơn 1.400 tỉ đồng lấy từ ngân sách nhà nước. Dự án cũng xác định khu tái định cư rộng gần 9,4 ha, đáp ứng chỗ ở cho 105 hộ thuộc diện di dời.

Ngày 17-4-2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 546 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND TP Hà Nội và các bộ, ban ngành, cơ quan có liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện lập đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 và trình duyệt.

Tại buổi công bố quy hoạch mới đây, UBND TP Hà Nội đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường TP phối hợp các cơ quan chức năng cắm mốc, công bố cho nhân dân trong khu vực biết. Đồng thời, UBND huyện Thạch Thất xây dựng phương án lộ trình, các bước để giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người dân trong khu vực dự án.

Ngày 6-2, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần xem xét kỹ, cân nhắc đối với dự án này vì trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn thì việc xây dựng một nghĩa trang với vốn lớn như vậy là không hợp lý.

"Khi đầu tư xây dựng nghĩa trang dành cho cán bộ cấp cao sẽ tạo sự phân biệt với người dân là không nên. Nghĩa trang nhân dân thì nhân dân phải xây, trong khi nghĩa trang này đầu tư một số tiền quá lớn" - ông Nhưỡng nhấn mạnh và cho rằng cần lấy ý kiến của nhân dân, xem có đồng tình hay không. "Việc này phải được xem xét tổng thể, không thể manh mún. Nếu không sẽ xảy ra vấn đề tham nhũng tâm linh thì không tốt" - ông Nhưỡng nói và cho biết nhiều lãnh đạo cấp cao tâm sự sau này khi từ trần muốn được an táng ở quê hương để gần người thân, thay vì ở nghĩa trang dành cho cán bộ cấp cao, mà hiện nay là Nghĩa trang Mai Dịch.

Xây nghĩa trang quốc gia 1.400 tỉ đồng: Phải đo lòng dân thế nào! - Ảnh 1.

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị) - nơi hàng ngàn liệt sĩ cùng yên nghỉ Ảnh: HÀ PHONG

Chưa cần thiết

Ông Triệu Vũ, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết tháng 5-1965, khi tròn 75 tuổi, Bác Hồ bắt tay vào viết Di chúc. Người có viết một đoạn Về việc riêng: "Sau khi tôi qua đời chớ tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong cách "hỏa táng" dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn". Sau này, trong bản Di chúc hoàn chỉnh, Bác có sửa lại đôi chút nhưng về cơ bản vẫn muốn sau khi qua đời được hỏa táng, tro xương đựng trong ba hộp và gửi cho nhân dân ba miền. Tuy nhiên, lúc đó đất nước chưa thống nhất, Bộ Chính trị họp, xin ý kiến Bác vào giờ chót để giữ lại thi hài. Nếu đem hỏa táng hay chôn cất thì đồng bào miền Nam sẽ không còn cơ hội thấy Bác. Việc này cũng là làm theo nguyện vọng nhân dân.

"Tôi nghĩ nên khảo sát lấy ý kiến dân vùng đó như thế nào. Từ đó, nghe tiếng nói chung để có quyết định phù hợp. Chứ làm mà không tham khảo ý kiến dân, cụ thể là HĐND ở đấy thì không được. Phải coi ý dân, lòng dân thế nào chứ đừng làm theo ý lãnh đạo, bắt dân phải thế này thế kia thì mất lòng dân lắm. Về lâu về dài sẽ có thêm nhiều cán bộ cao cấp nữa, chẳng lẽ lại cứ lấy đất, lấy tiền dân xây nghĩa trang. Công lao, thành tích đã ghi bằng huân chương, huy chương, bằng khen này nọ, lúc chết nằm xuống thì tốt nhất là làm theo như Bác Hồ dặn "đừng lãng phí đất đai, tiền bạc vào chuyện mồ mả nhiều quá" - ông Vũ nói.

Ông Vũ nêu quan điểm: "Chúng ta nên khuyến khích hỏa táng để tiết kiệm. Còn nhất thiết phải làm nghĩa trang thì nên làm khiêm tốn nhất, một phần mộ diện tích vừa đủ thôi, chứ đừng lãng phí mỗi ngôi có khuôn viên 25-35 m2 ".

Đại tá Đinh Văn Huệ - cán bộ hưu trí, cựu chiến binh quận 10, TP HCM, 70 năm tuổi Đảng - nói: "Tôi từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam nên chứng kiến rất nhiều liệt sĩ ngã xuống vì đất nước. Có những liệt sĩ không tìm được xác, thân nhân của họ đang đi khắp nơi, làm nhiều cách để họ được về đất mẹ. Việc xây dựng nghĩa trang để vinh danh những người đã ngã xuống vì đất nước, vì dân tộc là cần thiết. Nhưng trong lúc đất nước còn nghèo, nợ công cao, nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, nhiều người dân còn khổ, nhất là thân nhân những gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh… đang rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, xã hội để vượt qua khó khăn. Thay vì xây dựng nghĩa trang quy mô lớn, tốn hàng ngàn tỉ đồng, nhà nước nên sử dụng số tiền này để chăm lo thân nhân những người đã ngã xuống, những người đã hy sinh xương máu cho đất nước, những người nghèo khổ… ".

"Tại sao các đơn vị không nghĩ là xây dựng một cây cầu, một bệnh viện, một trường học… cho những người dân ở vùng nghèo khó mà xây dựng nghĩa trang hoành tráng tốn hàng ngàn tỉ đồng. Việc này là lãng phí, không cần thiết" - đại tá Đinh Văn Huệ nhấn mạnh.

Quy định về nơi an táng của cán bộ cấp cao

Nơi an táng của cán bộ cấp cao được quy định chi tiết tại Nghị định 105 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ được tổ chức lễ quốc tang, lễ tang cấp nhà nước, lễ tang cấp cao sẽ được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội); Nghĩa trang TP HCM hoặc hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.

Nghĩa trang Mai Dịch là nơi an táng lãnh đạo cấp cao, khai thác từ năm 1982 đến nay. Hiện nghĩa trang 5,9 ha này đã hết diện tích sử dụng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo