Bất chấp khuyến cáo từ chính quyền sở tại về nguy cơ mất trắng khi xây nhà trái phép trên vùng quy hoạch này, người dân vẫn tiếp tục xây dựng nhà bởi tin đồn về việc thôn Câu Hà sẽ được sáp nhập về TP Đà Nẵng trong nay mai.
Một căn nhà được xây trái phép trong vùng quy hoạch Làng ĐH Đà Nẵng ở thôn Câu Hà
“Đại công trường”
Có mặt tại tổ 6 và tổ 7, thôn Câu Hà, xã Điện Ngọc, nơi giáp ranh với địa phận TP Đà Nẵng, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hàng trăm thợ đang hối hả xây dựng những ngôi nhà trái phép ở thôn Câu Hà nhưng không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng nào đến ngăn cản hay xử lý vụ việc. Nơi đây giống như một đại công trường đang xây dựng khu dân cư mới thực thụ. Anh Nguyễn Văn Hải (một thợ hồ) cho biết nhóm 4 người thợ của anh được một người tên Tuấn, ở Đà Nẵng, thuê xây nhà trên khu đất mới mua ở thôn Câu Hà. Còn ông Trần Công H., một người dân địa phương, thì cho rằng: Có người đến hỏi mua đất và đồng ý chỉ qua giấy viết tay nên gia đình ông cứ bán để có tiền sửa sang nhà cửa. Cạnh lô đất anh Hải đang xây dựng cũng có một nhóm thợ đang xây dựng một dãy nhà trọ chừng 10 phòng. Theo lời của các thợ xây, những phòng trọ này cũng là của một người ở Đà Nẵng vào mua đất xây nhà.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngôi nhà đã xây xong đều cửa đóng then cài, không một bóng người ở và đằng trước căn nhà đều treo biển bán nhà hoặc cho thuê. Anh Th., một người dân ở Đà Nẵng, vừa mua căn nhà cấp 4 tại thôn này cho biết đất ở TP Đà Nẵng giá rất cao, gia đình anh không đủ tiền để mua nên đành liều vô đây mua đất xây nhà. “Nghe đâu khu vực này cũng sắp được sáp nhập về Đà Nẵng rồi nên mình đánh liều để đón đầu cơ hội chờ giải tỏa đền bù” - anh Th. tâm sự.
Những người mua đất ở đây chỉ mua bán thỏa thuận qua giấy viết tay chứ không qua công chứng hay xác nhận nào của chính quyền địa phương. Một lô đất với diện tích 100 m2 có giá từ 50 - 60 triệu đồng. Không chỉ có những ngôi nhà được xây mới mà hàng trăm hộ dân ở thôn Câu Hà cũng ào ạt mua gạch, xi măng về đổ trước nhà để cơi nới nhà cửa, xây dựng bờ tường, chuồng heo, hồ cá, cũng với mục đích chờ giải tỏa đền bù.
Quy hoạch treo
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng người dân ào ạt xây dựng nhà trái phép trong vùng quy hoạch Làng ĐH Đà Nẵng, ông Võ Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc, cho biết trong năm 2010, xã đã lập biên bản gần 100 trường hợp xây nhà trái phép và xử phạt 2 triệu đồng/trường hợp. Hơn một tháng trở lại đây, có tin đồn về việc thôn Câu Hà sẽ sáp nhập về Đà Nẵng nên tình trạng mua bán đất qua viết tay ở đây diễn ra rầm rộ và việc xây nhà trái phép cũng ào ạt hơn.
Theo kiểm tra mới nhất của xã Điện Ngọc, đã có hơn 150 trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Trong số này, có trên 120 trường hợp là người ở các địa phương khác đến mua đất qua giấy viết tay của người dân địa phương rồi xây nhà trái phép. Gần 30 trường hợp còn lại là của người dân địa phương có nhu cầu nhà ở thực sự nhưng do nằm trong vùng quy hoạch “treo” quá lâu nên họ làm liều để có chỗ ở.
Ông Lành cũng cho biết Làng ĐH Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với diện tích 300 ha. Trong đó, diện tích đất của Đà Nẵng là 110 ha và đất Quảng Nam là 190 ha (ở các thôn Tứ Hà, Câu Hà và Ngọc Vinh). Tuy nhiên, đến nay vẫn là quy hoạch “treo”. Lãnh đạo xã đã nhiều lần phản ánh vấn đề này lên lãnh đạo cấp huyện và tỉnh nhưng chưa có chuyển biến nào.
Nguy cơ mất trắng
Trước tình trạng xây dựng nhà trái phép, ông Võ Lành cho biết xã không có đủ người, đủ thẩm quyền để giải quyết triệt để tình trạng trên. Xã đã báo cáo với huyện để có biện pháp xử lý tháo dỡ những căn nhà xây dựng trái phép tại khu vực này trong thời gian tới. Tất cả những ngôi nhà xây dựng trái phép trong vùng quy hoạch sẽ bị phá bỏ và người mua đất, xây dựng trái phép trong vùng quy hoạch sẽ bị mất trắng.
Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo huyện Điện Bàn đã đi kiểm tra tình trạng xây dựng trái phép tại khu vực quy hoạch Làng ĐH Đà Nẵng ở xã Điện Ngọc và đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Điện Ngọc để có biện pháp giải quyết rốt ráo việc xây dựng trái phép trong vùng quy hoạch này. |
Bình luận (0)