Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM, hiện có 11,8 km tuyến cống ở các quận, huyện mà đơn vị nhận duy tu đang bị lấn chiếm, 306 hầm ga và 40 cửa xả bị chiếm dụng. Những hành vi này đã ảnh hưởng đến khả năng thoát nước khi mưa và triều cường.
Thoải mái lấn chiếm
Đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) có đến 9 vị trí bị lấn chiếm cống băng cửa xả, có nhà dùng làm chỗ chất củi có nhà xây dựng bên trên. Thậm chí, chốt dân phòng cũng xây dựng trên cống băng cửa xả Nguyễn Khoái. Đường Huỳnh Tấn Phát và Trần Xuân Soạn (quận 7) cũng có nhiều vị trí cống băng cửa xả bị chiếm dụng, đáng chú ý nhất là nhà giữ xe của khu chợ ở ngã 3 Trần Xuân Soạn nằm trên tuyến cống băng cửa xả. Trong khi đó, 2 tuyến đường này thường xuyên bị ngập mỗi đợt triều cường dâng cao khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn.
Khảo sát một số tuyến đường có trong danh sách "đen" về tình trạng lấn chiếm, chúng tôi ghi nhận có không ít căn nhà kiên cố được xây dựng trên cống thoát nước. Điển hình hẻm 252 Cao Thắng (phường 12, quận 10) có 9 căn nhà trên tuyến cống mà nhìn bằng mắt thường không thể nhận biết được; đường Bà Hạt từ Nguyễn Duy Dương đến Nguyễn Lâm (quận 10), hàng loạt căn nhà xây trên tuyến cống; đồng thời, 16 hầm ga cũng bị chiếm dụng; đường Ung Văn Khiêm kéo dài từ nhà số 362 đến đường Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh) cũng có gần chục căn nhà nằm trong diện lấn chiếm cống thoát nước. Rất nhiều chủ nhà khá bất ngờ khi được thông tin dưới nhà có hệ thống thoát nước vì khi mua nhà thì hiện trạng đã như vậy.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP cho biết các hầm ga, tuyến cống thoát nước bị chiếm dụng gây khó khăn cho công tác nạo vét, duy tu. "Nhiều lúc công nhân đến làm việc nhưng chủ nhà đi vắng hoặc không cho vào nhà thì không làm gì được. Chưa kể nhiều trường hợp hố ga bị trám xi măng, công nhân không biết vị trí nào để mở nắp, còn đục khoét thì chủ nhà không cho" - vị này kể.
Một số căn nhà ở đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) xây trên tuyến cống thoát nước
Chỉ mới xử lý một phần
Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP (viết tắt Trung tâm Chống ngập), tính đến ngày 30-10, TP đã xử lý 9 vị trí lấn chiếm cửa xả trên địa bàn các quận 4, 7, 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Nhà Bè; còn 50 vị trí ở các quận 4, 8, 12, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn đang phối hợp xử lý. Các quận, huyện cũng đã xử lý 29 hầm ga, 1,3 km tuyến cống bị lấn chiếm; còn lại 12,7 km cống và 364 hầm ga thuộc 19 quận, huyện đang phối hợp xử lý. Toàn TP có 68 vị trí lấn chiếm sông, kênh rạch nhưng mới xử lý 8 vị trí (trên địa bàn các quận 7, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh và huyện Nhà Bè, Hóc Môn) còn lại 60 điểm khác các ngành tiếp tục phối hợp xử lý.
Một trong những nguyên nhân chưa xử lý được, theo Trung tâm Chống ngập, là do nhiều vị trí phải chờ dự án, như: cửa xả số 44/6 Phạm Văn Chiêu và tuyến rạch Trường Đai nhánh 2 (quận Gò Vấp); hoặc 2 vị trí nhà số 260 Lê Văn Việt (phường Tăng Nhơn Phú B) và số 74A Lã Xuân Oai (phường Tăng Nhơn Phú A) do quận 9 đang có dự án nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường này nên Trung tâm Chống ngập TP đề nghị đưa vào dự án để đồng bộ trong công tác chống ngập hoặc quận 4 có 7 vị trí bị lấn chiếm thuộc dự án xây dựng mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và dự án công viên cây xanh bờ kênh Tẻ... Trung tâm Chống ngập cũng đang nghiên cứu và đề xuất thực hiện dự án cải tạo tuyến rạch Trường Đai nhánh 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Chiêu đến kênh Tham Lương).
Trong thời gian chờ thực hiện dự án, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kịp thời duy tu, nạo vét các vị trí lắng đọng cục bộ nhằm bảo đảm thoát nước cho khu vực.
Huyện Hóc Môn xử lý 4/5 trường hợp lấn chiếm
Huyện Hóc Môn có 5 trường hợp lấn chiếm kênh, rạch, cống, hầm ga và cửa xả nhưng có 4 trường hợp đã khắc phục trả lại hiện trạng gồm: tuyến đường song hành Quốc lộ 22, qua xã Trung Chánh; tuyến đường Nguyễn Ảnh Thủ, vị trí số nhà 2/9 ấp Đông, xã Thới Tam Thôn; tuyến đường Tô Ký, vị trí số nhà 322 ấp Chánh 1, xã Tân Xuân; tuyến đường Trần Văn Mười, vị trí số nhà 48A, 94A Trần Văn Mười. Riêng vị trí trên rạch Trưng Nữ Vương, UBND huyện Hóc Môn cho biết không thể tiến hành cưỡng chế do công trình đã lâu đời, không có biên bản ghi nhận sai phạm, hồ sơ, thời điểm xây dựng không bị xử lý của các cấp.
Bình luận (0)