Mới đây, bạn đọc Nguyễn Thị Nga (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) gọi đến đường dây nóng của Báo Người Lao Động trút nỗi bực tức của mình chỉ vì… không tìm ra được điểm vá xe đạp. “Cả tuần nay, xe đạp của tôi bị thủng bánh nhưng tôi đến đâu vá cũng bị từ chối” - chị Nga nói.
Tìm không ra chỗ sửa
Câu chuyện của chị Nga tưởng nhỏ nhưng đang thật sự là chuyện lớn của phát triển giao thông đô thị. Phải chăng đang có xu hướng “tẩy chay” xe đạp, loại phương tiện giao thông mà chính quyền TP HCM khuyến khích người dân sử dụng?
Anh Nguyễn Văn Đông (ngụ quận 3, TP HCM) cũng từng dở khóc dở cười vì xe đạp bị thủng bánh. Trong khi chở bao gạo 50 kg ra sạp ở chợ Tân Chánh Hiệp (đường Tô Ký, quận 12) cho mẹ bán, không may xe đạp của anh bị cán đinh, bánh xẹp lép. “Suốt đoạn đường dài 2 km từ cầu vượt Quang Trung đến chợ Tân Chánh Hiệp, tôi vào 5 điểm sửa xe dọc đường thì tất cả đều không nhận vá, đành phải dắt bộ, đến được chợ thì người mệt lả và chợ sắp tan” - anh Đông kể.
Từ phản ánh của bạn đọc, chúng tôi cũng đã thử một vòng tìm nơi sửa xe đạp nhưng quả thật quá khó khăn. Ở nội thành, dọc các tuyến đường từ chợ Bến Thành đi về hướng vòng xoay Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), rồi xuống Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương (quận 5)… có hàng trăm điểm sửa xe máy nhưng hầu như họ không nhận sửa xe đạp. Nhiều chủ tiệm nói thẳng: “Sửa được mấy đồng đâu, mất công!”.
Ở khu vực vùng ven, đi một quãng 10 km từ đường Bà Hom (huyện Bình Chánh) đến đường Phan Anh rồi rẽ sang đường Hòa Bình 9 (quận 11)… cũng không có lấy một điểm sửa xe đạp. Thật ra, trên các tuyến đường, rải rác vẫn có các điểm sửa xe, vá xe nhưng khi thấy người đi xe đạp tìm đến, người sửa xe thường từ chối hoặc nại lý do không có đồ nghề để “đuổi khách”.
Thiếu nơi gửi
Hiện nay, ngoài siêu thị Co.opmart, chợ và một vài điểm giữ xe công cộng, gần như việc tìm bãi để gửi xe đạp đối với người dân rất khó khăn. Đặc biệt, nếu vào nhà hàng, khách sạn hay trung tâm thương mại để được cho gửi xe đạp thì càng không thể.
Chị Trần Thị Thủy (ngụ quận 10) cùng nhóm bạn rủ nhau cuối tuần đến xem ca nhạc tại Sân khấu 126 (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3). Tuy nhiên, cả nhóm bực mình bỏ về chỉ vì bãi xe không nhận giữ xe đạp. Chị Thủy phân trần: “Nhiều lần vào bãi xe ở Hội trường Thống Nhất hay vào khách sạn New World, một số nhà hàng… tôi cũng bị từ chối như thế. Họ nhìn tôi từ đầu đến chân và nhìn chiếc xe đạp đời cũ rồi lắc đầu. Có thể vì đi xe đạp mà tôi bị xem như… con nhà nghèo”.
Bà Nguyễn Thị Trúc - ở quận Bình Thạnh, vừa mua căn nhà 3 tầng lầu ở quận 7 - có thừa tiền để mua xe hơi nhưng gần 20 chục năm nay, bà chỉ thích đi xe đạp, xem như cách tận dụng thời gian để tập thể dục. Ấy vậy mà bà cũng thường “quê độ” vì bị phân biệt đối xử. Mới đây, bà vào một nhà hàng sang trọng ở gần Nhà hát TP dự tiệc do một doanh nghiệp mời nhưng bãi xe của nhà hàng không có chỗ cho xe đạp, buộc bà phải đi lòng vòng tìm những điểm giữ xe khác. Mất gần 15 phút, vẫn không có chỗ nào chịu giữ, bà đành bỏ tiệc, về nhà. “Cuộc sống ngày càng phát triển, người ta càng quên đi giá trị của chiếc xe đạp. Cứ kiểu thế này, bóng dáng chiếc xe đạp ở đường phố Sài Gòn sẽ ngày càng thưa dần” - bà Trúc bày tỏ.
Khó khuyến khích người dân dùng xe đạp
Tại các nước phát triển, xe đạp đang trở thành phương tiện giao thông được khuyến khích sử dụng nhằm giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo trong quý III/2014, 5 địa phương gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ phải triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng xe đạp, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng với tâm lý “bài” xe đạp và quá thiếu các dịch vụ hỗ trợ như hiện nay, rất khó để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.
Bình luận (0)