Thời gian gần đây, người dân mà đa số là học sinh (HS), sinh viên sử dụng xe đạp điện (XĐĐ) khi tham gia giao thông khá phổ biến, cũng đã có những vụ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện này. Nhiều ý kiến cho rằng cần siết chặt quản lý, trong đó giới hạn độ tuổi và bắt buộc có giấy phép lái xe (GPLX) đối với người điều khiển XĐĐ nhưng cũng có không ít người không đồng tình.
Nhiều học sinh đi xe đạp điện
Tại TP HCM, ghi nhận giờ tan trường của Trường THPT Tây Thạnh (phường 15, quận Tân Phú), ngoài các HS được cha mẹ đưa đón và đi xe buýt, số HS khác chạy XĐĐ khá nhiều. Tại khu vực này hầu hết không có trường hợp chạy nhanh, vượt ẩu hoặc dàn thành hàng ngang trên đường. Em N.T.M, HS lớp 10 Trường THPT Tây Thạnh, cho biết đã sử dụng XĐĐ từ khoảng 2 năm nay. "Ba mẹ em là công nhân trong Khu Công nghiệp Tân Bình, thường xuyên tăng ca nên khó đưa đón em đi học mỗi ngày. Sau khi có XĐĐ, việc điều khiển cũng tương tự như đi xe đạp bình thường nên em có thể tự mình đến trường" - M. chia sẻ.
Tương tự, tại Trường THPT Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), HS đến trường bằng XĐĐ cũng khá phổ biến. Trên đường Hiệp Bình sau giờ tan trường, hầu hết HS điều khiển XĐĐ đều chạy với tốc độ chậm, có em còn tự giác đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, có tình trạng một số HS chạy XĐĐ dàn thành hàng ngang trên đường, vừa đi vừa trò chuyện.
Theo ghi nhận, HS sử dụng XĐĐ tập trung nhiều ở khu vực vùng ven TP HCM, với các tuyến đường có lưu lượng phương tiện ít. Do nhu cầu tăng cao nên những khu vực này có khá nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh XĐĐ. Khảo sát tại một số cửa hàng ở quận Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân…, đa số kinh doanh XĐĐ thuộc các thương hiệu như Pega, Yamaha, Sufat… Chủ một cửa hàng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) cho biết do giá thấp, nhiều chủng loại và sử dụng XĐĐ không cần bằng lái cũng như đăng ký, thủ tục mua bán rất đơn giản nên lượng khách tới mua XĐĐ ngày càng nhiều. Trên nhiều website bán XĐĐ, các loại xe cũng rất đa dạng với đủ loại hình quảng cáo về mẫu mã, thời trang hợp lứa tuổi HS.
Đối tượng sử dụng xe đạp điện hiện nay chủ yếu là học sinh cấp 2, 3
Phải quản chặt đầu ra
Theo Thông tư 39/2013/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật XĐĐ có hiệu lực từ năm 2014, quy định vận tốc thiết kế tối đa của XĐĐ là 25 km/giờ và khối lượng không lớn hơn 40 kg. Theo quy chuẩn này, các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật đều áp dụng với tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kiểm tra, thử nghiệm, quản lý và chứng nhận. Vì vậy, XĐĐ không cần quản lý như xe máy với yêu cầu bắt buộc là phải có GPLX.
Thế nhưng, khảo sát ở nhiều website, không ít dòng XĐĐ được quảng cáo tốc độ tối đa có thể lên tới 35-40 km/giờ. Một số cửa hàng kinh doanh XĐĐ cũng thừa nhận nhiều loại có tốc độ cao hơn 25 km/giờ nhằm thu hút khách, trong khi đó, người điều khiển phương tiện này đa số là HS cấp 2, cấp 3.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), nơi có nhiều HS sử dụng XĐĐ, việc nâng vận tốc XĐĐ lên đến 40-50 km/giờ thì XĐĐ cũng như xe máy trong khi các điều kiện bảo đảm an toàn của loại xe này chỉ tương ứng với khung thiết kế ban đầu là 25 km/giờ nên rất nguy hiểm. Về việc cần quy định người điều khiển XĐĐ phải có GPLX, thầy Phú cho rằng phải mở một cuộc khảo sát lấy ý kiến từ phụ huynh, HS - đối tượng chính sử dụng và bị tác động nhiều nhất.
Theo thầy Phú, quy định trên nếu áp dụng, đồng nghĩa những người dưới 18 tuổi không được điều khiển loại phương tiện này do chưa đủ tuổi thi bằng lái. "XĐĐ khi sản xuất đã quy định tốc độ không quá 25 km/giờ, vì vậy việc cần thiết là nên siết chặt đầu ra ở các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bán ra thị trường, bảo đảm phải đúng theo quy định. Còn nếu yêu cầu bắt buộc người điều khiển XĐĐ phải có GPLX thì trước nhu cầu hiện nay, có thể phải "đẻ" thêm một loại giấy phép mới cho người sử dụng, làm tăng bộ máy quản lý và cũng dễ phát sinh tiêu cực" - thầy Phú nhận định.
Chị Lê Xuân Hạ (ngụ quận Bình Thạnh) cũng cho rằng quan trọng là phải siết chặt đầu ra của các dòng XĐĐ, xử lý nghiêm tình trạng tự nâng tốc độ chứ không phải yêu cầu phải có GPLX khi điều khiển XĐĐ. "Tuy nhiên, trước khi cho con em sử dụng XĐĐ, phụ huynh nên trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn giao thông (ATGT) cho các em. Thực tế hầu hết phụ huynh khi mua XĐĐ cho con, em chỉ hướng dẫn các thao tác cơ bản, còn kiến thức về ATGT, xử lý tình huống thì ít nói tới. Lứa tuổi vị thành niên thường hiếu động, dễ có tình trạng lạng lách, đánh võng trên đường. Cần có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và thực hành để HS có thêm kiến thức khi đi đường" - chị Xuân Hạ góp ý.
25 km/giờ không cần GPLX
Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP HCM, nói với tốc độ quy định tối đa 25 km/giờ cho XĐĐ, cơ quan quản lý đã tính toán đến nhiều yếu tố bảo đảm an toàn cho người sử dụng và không cần phải có GPLX. Vì vậy, việc cần làm là phải kiểm soát chặt đầu ra của các loại xe theo đúng quy định này, còn trường hợp XĐĐ có tốc độ cao hơn thì mới cần bổ sung GPLX.
Bình luận (0)