xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xe đạp hồi sinh

Bài và ảnh: LÊ HIỀN HẬU

Vài năm nay, hình ảnh những chiếc xe đạp từng là phương tiện đi lại phổ biến một thời xuất hiện trở lại ngày càng nhiều trên đường phố Hà Nội

Không cần chờ đề án thí điểm xe đạp công cộng cho thuê ở khu vực trung tâm (5 thành phố trực thuộc trung ương đang xây dựng, Báo Người Lao Động ngày 8-2 đã phản ánh), rất đông người dân Hà Nội dần trở lại với thói quen dùng phương tiện này hằng ngày.

Năng động, hữu ích

Tờ mờ sáng, ven hồ Gươm, hồ Tây, nhất là các tuyến đường đẹp và có nhiều cây xanh như Hoàng Hoa Thám, Thanh Niên, Phan Đình Phùng, Lạc Long Quân, quanh Lăng Bác…, từng nhóm đủ cả già trẻ, trai gái cùng nhau đạp xe, nói cười vui vẻ. Theo người dân Hà Nội, việc đạp xe dạo phố, đi làm mới quay lại vài năm nay.

Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh chiếc xe đạp thời bao cấp, ngày nay, phương tiện này không chỉ dành cho người nghèo. Nhiều người khá giả cũng đi những chiếc Giant, Trek, Canonndale… đủ kiểu dáng với giá lên đến hàng chục triệu đồng/chiếc.

 

Ông Nguyễn Kim Thắng bên những chiếc xe đạp của thành viên CLB Hà Nội Xưa và Nay
Ông Nguyễn Kim Thắng bên những chiếc xe đạp của thành viên CLB Hà Nội Xưa và Nay

 

Cửa hàng bán xe đạp một thời vắng bóng nay dễ dàng bắt gặp hàng chục điểm với đủ chủng loại dọc các phố Huế, hồ Tây, Lạc Long Quân. Việc hãng sản xuất xe đạp nổi tiếng Peugeot quyết định quay lại thị trường Việt Nam mới đây cho thấy xu hướng đi xe đạp đã thật sự đang trở thành nhu cầu của nhiều người.

Chị Nguyễn Thị Hương (27 tuổi, ngụ quận Hoàn Kiếm) cho biết sáng nào chị cũng đạp xe tập thể dục, chỉ trừ lúc mưa. “Hoạt động này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn đặc biệt hữu ích cho việc giảm cân” - chị khoe. Ông Vũ Ngọc Trân (57 tuổi, quận Thanh Xuân) sáng nào cũng cùng vợ đạp xe khoảng 7 km quanh hồ Tây. “Vợ chồng vừa trò chuyện hâm nóng tình cảm vừa ngắm nghía phố phường Hà Nội” - ông vui vẻ.

Theo anh Nguyễn Văn Hải (25 tuổi, quận Ba Đình), những chiếc xe đạp thể thao thế hệ mới rất hợp với giới trẻ, nhất là những bạn ưa thích môn thể thao mạnh, mạo hiểm, tạo nên một phong cách rất năng động, trẻ trung, lại tốt cho sức khỏe. “Nhà gần cơ quan nên khi không có việc gì quá cần kíp thì tôi chẳng bao giờ dùng xe máy cả” - anh Hải khẳng định.

Cổ kim khoe dáng

Giới chơi xe đạp cho biết khắp 63 tỉnh, thành hiện đều có các CLB, hội nhóm, diễn đàn quy tụ nhiều người cùng sở thích về phương tiện này. Nổi danh nhất là 2 diễn đàn xedap.org và xedap.vn với hàng trăm bài viết, trao đổi, tư vấn được đăng mỗi ngày, vừa giúp các thành viên hoàn thiện kỹ năng chơi xe vừa khuyến khích các chuyến đi mang tính khám phá và chinh phục.

Bên cạnh những sản phẩm hiện đại, phố phường Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều loại xe đạp cổ từng một thời gắn bó với người Việt Nam. Ông Nguyễn Kim Thắng, Chủ nhiệm CLB Xe đạp Hà Nội Xưa và Nay, cho biết ban đầu, CLB chỉ có một nhóm người cùng sở thích chơi xe đạp cổ nhưng đến nay, số thành viên đã lên đến gần 100 người. “Xe đạp cổ hấp dẫn ở sự mềm mại. Người Hà Nội trước đây thường chọn chiếc Peugeot làm phương tiện đi lại. Khi di chuyển trên đường, cả người và xe đều toát lên sự thư thái, uyển chuyển, bình lặng, không vội vã - đúng chất người Hà Nội” - ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, xe đạp cổ ở Việt Nam phần lớn được người Pháp sản xuất với rất nhiều loại: Marila, Follis, Aviac, Joang Phoenix, Sterling, Mercier, Peugeot… Đây là những loại có chất lượng rất cao, thiết kế khá đặc biệt với nhiều chi tiết “độc”. Nhiều chiếc hiện còn giữ cả biển đăng ký rất độc đáo.

Là thành viên CLB Xe đạp Hà Nội Xưa và Nay và là tay chơi có tiếng ở Hà Nội, chủ nhân của gần 200 xe đạp cổ, ông Vũ Thành Công cho biết để có một chiếc xe ưng ý, người chơi rất mất công sưu tầm và phải chăm sóc đến từng chi tiết. Một chiếc đèn hậu nhỏ xíu trên xe đạp cổ giá cũng lên đến bạc triệu. Giá một chiếc yên da do Pháp sản xuất cách đây mấy chục năm cũng có thể bằng cả tháng lương công chức, lại chẳng dễ tìm.

Theo ông Công, những năm 1970-1980, một chiếc Peugeot màu hồng có giá tương đương cả căn nhà mặt phố nên không phải ai cũng có điều kiện sở hữu. Không chỉ có giá trị vật chất, nhiều chiếc xe còn mang cả giá trị tinh thần. Sau khi dùng chiếc nào đó trong bộ sưu tập của mình, ông Công lập tức lau chùi từng li từng tí. “Thậm chí, để những chiếc xe đạp “báu vật” khỏi hoen gỉ, nhiều người còn gắn máy điều hòa cho chạy 24/24 giờ, thậm chí “mắc màn” hay “đắp chăn” để bảo quản” - ông tiết lộ.

Phất lên nhờ ăn theo

Có cầu ắt có cung. Khi những chiếc xe đạp lác đác xuất hiện trở lại trên những con phố Hà Nội, nhiều người đã nhận ra tiềm năng từ việc sửa chữa và kinh doanh loại phương tiện này.

Ông Trần Anh Vũ là một thợ sửa xe đạp từng “rửa tay gác kiếm” nhưng vừa quyết định mở một cửa hàng sửa chữa và khôi phục xe đạp cũ trong con hẻm nhỏ cạnh hồ Tây. Gian nhà rộng vỏn vẹn 40 m2 của ông lúc nào cũng chất đầy các loại xe đạp tên tuổi như Mercier, Peugeot, Helium, Alcyon… cùng nhiều dụng cụ sửa chữa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, chủ doanh nghiệp xe đạp Xtasy tại Hà Nội, cho rằng ngành kinh doanh này đang “phất”. “Từ khi ra mắt năm ngoái, đến nay, mỗi tháng chúng tôi bán được 35-50 chiếc xe đạp” - bà cho biết.

Không những thế, một số cửa hàng cho thuê xe đạp cũng bắt đầu có dịp làm ăn. Vào những ngày nghỉ, lễ Tết, dịch vụ này rất hút khách. Chỉ cần bỏ ra 80.000-100.000 đồng là du khách có thể có trong tay một chiếc xe đạp theo ý muốn và tận hưởng những phút giây thư thái khi vừa được ngắm cảnh phố phường Hà Nội vừa rèn luyện sức khỏe. 

 

Lợi ích thiết thực

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học Việt Nam, cho rằng xe đạp hồi sinh là điều dễ hiểu bởi những lợi ích thiết thực từ việc sử dụng phương tiện này: bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe, tiết kiệm chi phí.

“Xe máy bắt đầu bị đem ra mổ xẻ vì nhiều người đã phải nếm trải những tác hại mà chúng mang lại như ô nhiễm môi trường, tốn kém, ùn tắc và nhất là tai nạn giao thông. Xe đạp cần được khuyến khích hơn nữa trong thời gian tới bởi phù hợp với tiêu chí thân thiện, lành mạnh với môi trường nhưng vẫn chưa thể rộ lên ở thời điểm này vì cơ sở hạ tầng chưa đủ đáp ứng và việc lưu thông cùng xe máy là rất nguy hiểm” - ông Bình băn khoăn.

Trong khi đó, TS Phạm Ngọc Trung, Trưởng Khoa Văn hóa phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng xe đạp chưa bao giờ mất vị trí trong xã hội. “Kể cả khi các gia đình đua nhau dùng xe máy thì họ vẫn mua xe đạp cho con em đi học” - TS Trung nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo