Nơi tôi làm việc là một tòa nhà cao tầng. Giờ cao điểm, thang máy rất đông. Hình ảnh thường thấy nhất là thang máy vừa mở, mọi người cùng lao vào, không cần biết ai đến trước, ai sau. Thậm chí, thang máy quá tải kêu lên, họ cũng làm lơ như không nghe thấy cho đến khi có người “thiếu nhẫn nại” tự nguyện bước ra.
Mới đây, khi tôi xếp hàng tại quầy tính tiền ở siêu thị, một người đàn ông từ đâu chen ngang, không xin phép cũng chẳng thèm để ý đến cái nhìn khó chịu của người đang chờ đến lượt mình. Rất may, nhân viên tính tiền từ chối phục vụ, nhắc nhở anh ta xuống cuối hàng.
Ai cũng muốn được phân mình và nạn nhân là... cánh cửa sắt bị đạp đổ
Câu chuyện chen lấn, mất trật tự ở nơi công cộng của một số đông người Việt có lẽ đã được dư luận “mổ xẻ” nhiều lần nhưng sự thay đổi theo chiều hướng tốt vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Có hàng trăm lý do để người ta cố tình không xếp hàng: sợ trễ giờ, ngại chờ đợi, muốn chiếm lợi thế hơn người khác... Người ta sẵn sàng xô đẩy, đạp lên nhau để tranh giành một miếng sushi miễn phí hay đổi chiếc mũ bảo hiểm cũ lấy đồ mới trong một chương trình ưu đãi; hất ngã người khác để leo lên chiếc xe tham quan khu du lịch khi lượng khách quá đông; chen lấn ở bệnh viện, bến xe, bến tàu, sân bay...
Tất nhiên, không phải tất cả người Việt Nam đều thiếu ý thức xếp hàng. Đáng nói là hành vi không tốt đó được “giúp sức” bởi những người tổ chức khi vẫn tiếp nhận, phục vụ những kẻ chen ngang do muốn giải quyết cho xong việc mình mà thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Lúc này, những người có thói quen xếp hàng đành phải chịu thiệt, một số ít khác chặc lưỡi chọn cách “khôn ngoan” hơn để không bị chèn ép, thua thiệt, mất thời gian. Cứ thế, thói quen xấu ngày càng được dung dưỡng, lấn át cái tốt.
Mọi người hãy tạo thói quen xếp hàng
Đi tìm giải pháp cho việc xếp hàng nơi công cộng thì cũng có vô vàn nhưng chắc chắn không thể chỉ tuyên truyền, kêu gọi ý thức người dân. Muốn người khác xếp hàng, người tổ chức phải tạo điều kiện cho người tham gia được xếp hàng thông qua việc để những tấm biển nhỏ: “Vui lòng xếp hàng...” hoặc đặt những barie tạo thành hàng... Đừng sợ mất khách, mất thời gian khi thẳng thừng từ chối phục vụ những người chen ngang và chỉ làm việc theo thứ tự. Như thế, lâu dần sẽ hình thành thói quen xếp hàng trong người dân.
Bình luận (0)