Vừa rồi, sau khi đọc bài báo viết về nhóm học sinh THCS ở Gia Lai rủ nhau đi xăm hình bị nhà trường phát hiện yêu cầu làm kiểm điểm và bắt đi xóa, tôi đã kể lại cho cả nhà nghe. Bất ngờ, con tôi nói: “Có sao đâu mẹ, cô giáo cũng xăm hình mà, như cô con đó”. Tôi giật mình. Con trẻ thường học theo và nghe lời thầy cô còn hơn cả cha mẹ. Vậy thì, tôi phải nói sao cho con hiểu đúng vấn đề này đây? Quả thật không dễ.
Thật ra, tập tục xăm mình làm đẹp từ xa xưa đã có nhưng gần đây rất được giới trẻ ưa chuộng. Vẫn biết không thể đánh giá nhân cách của một người qua vẻ bề ngoài hoặc qua hình xăm. Hơn nữa, chọn xăm mình cũng là sở thích, quyền tự do của mỗi cá nhân. Dù là vậy nhưng trong thực tế, xã hội vẫn còn có cái nhìn khắt khe, ác cảm, thậm chí dị ứng với những người có hình xăm, nhất là phụ nữ. Thậm chí, các nước phương Tây khá cởi mở về vấn đề xăm mình nhưng dường như nó cũng là rào cản sự nghiệp đối với không ít người.
Ở môi trường giáo dục lại càng đặc biệt bởi đây là nơi lấy đạo đức, lễ nghĩa, nghi thức làm trọng. Dù bất cứ thời đại nào, thì hình thức, tác phong, cách ăn mặc, cách cư xử… của thầy cô ít nhiều đều ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của học sinh. Vì vậy, thiết nghĩ, một khi đã chọn ngành sư phạm, xin các thầy cô hãy cố gắng chỉn chu, mẫu mực ở trên bục giảng lẫn ngoài đời. Xin hãy là một hình mẫu đẹp trong mắt học sinh. Đừng nhân danh cái tôi, quyền tự do cá nhân thỏa sức làm những gì mình muốn. Việc cô giáo xăm mình dù không ảnh hưởng đến việc truyền đạt kiến thức cho học sinh nhưng cô có nghĩ học sinh sẽ “noi theo” trong khi việc này có thể gây ra những tác hại nguy hiểm về mặt sức khỏe, không khéo để lại di chứng, nhất là với trẻ em?
Bình luận (0)