Ngày 14-11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa đã triệu tập hơn 40 tổ chức tín dụng (TCTD) để bàn các biện pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 12 gây ra. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN yêu cầu các NH có kế hoạch giãn nợ, miễn lãi, khoanh nợ cho người dân, doanh nghiệp (DN).
Dư nợ vay hơn 7.600 tỉ đồng
Chi nhánh NHNN Khánh Hòa cho biết tình hình vốn vay ở các TCTD (chưa bao gồm NH Chính sách Xã hội tỉnh Khánh Hòa) lên đến trên 7.550 tỉ đồng. Trong đó, các đối tượng thuộc Nghị định 55 (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn) có trên 5.000 khách hàng thiệt hại, với dư nợ 1.192 tỉ đồng, vốn vay NH ước khoảng 589 tỉ đồng. Các đối tượng ngoài Nghị định 55 có trên 1.100 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ vay 6.364 tỉ đồng, vốn vay NH vẫn chưa thể xác định cụ thể. Ở nhóm này, các DN thiệt hại là rất lớn, với dư nợ lên đến 4.500 tỉ đồng.
Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với Báo Người Lao Động cứu trợ tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: TRẦN TĨNH
Còn theo NH Chính sách Xã hội tỉnh Khánh Hòa, tổng số hộ dân vay vốn từ NH này và thiệt hại là hơn 7.000 hộ, số vốn dư nợ vay trên 107 tỉ đồng. Như vậy, số lượng người dân, DN toàn tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại là trên 13.000 trường hợp, với số tiền dư nợ vay hơn 7.650 tỉ đồng.
NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết bước đầu, các NH thương mại trên địa bàn đã cho vay mới nhằm khôi phục sản xuất cho 94 cá nhân và 1 DN với tổng vốn 43,9 tỉ đồng. Cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 19 cá nhân và 3 DN với tổng dư nợ hơn 222,7 tỉ đồng. Miễn giảm lãi vốn vay, lãi quá hạn cho 21 cá nhân…
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của NHNN đã khảo sát tại cụm công nghiệp Diên Phú và Đắc Lộc (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nơi có 17/19 DN bị thiệt hại nặng như: DNTN Thanh Khuê thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng, Công ty Thuốc lá nguyên liệu Khatoco thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng. Tại thị xã Ninh Hòa, Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin thiệt hại hàng trăm tỉ đồng…
Nên có quy trình gọn
Ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, cho biết trước mắt, yêu cầu các TCTD rà soát những khoản nợ vay của người dân, DN đã được quy định trong cơ chế xử lý nợ bị rủi ro; phối hợp chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ. Khoanh nợ chứ giãn nợ, giảm lãi thì rất khó hỗ trợ dân vì mất hết cơ sở sản xuất thì lấy gì trả.
Đồng tình, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, yêu cầu các TCTD và NH Chính sách Xã hội khẩn trương hướng dẫn người dân hoàn tất hồ sơ, thủ tục cần thiết. Trường hợp thiệt hại nặng, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa tổng hợp cụ thể để trình Chính phủ.
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị các TCTD nhanh chóng hướng dẫn thủ tục cần thiết để hỗ trợ người dân, DN. Quy định chính quyền phải xác nhận thiệt hại nhưng với cả ngàn người ảnh hưởng như vậy thì rất khó để xác định chính xác và rất mất thời gian. Vì thế, đề nghị nên có quy trình gọn để giúp các NH cũng như DN có điều kiện thực hiện kịp thời.
Ông Trần Văn Tần nhấn mạnh: "Cấp thiết nhất là xem xét cơ cấu lại khoản cho vay mới để người dân tiếp tục sản xuất".
Tập đoàn Lộc Trời phối hợp Báo Người Lao Động cứu trợ tại tỉnh Khánh Hòa
Cùng ngày, Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức cứu trợ cho người dân bị thiệt hại nặng do bão số 12 ở tỉnh Khánh Hòa. Tổng số hàng được cứu trợ là 8 tấn gạo và 20 triệu đồng (do Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ) cho 800 gia đình ở các xã Ninh Lộc, Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) và Vạn Long (huyện Vạn Ninh). Xã Ninh Lộc là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với 5 người chết, 37 căn nhà bị sập hoàn toàn mà đa số là hộ nghèo và cận nghèo.
Ngày 15-11, đoàn tiếp tục cứu trợ tại tỉnh Phú Yên trong hành trình cứu trợ cho 5 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế với tổng giá trị tiền và gạo gần 500 triệu đồng.T.TĨNH
Bình luận (0)