xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xóa “điểm đen” trong đầu người tham gia giao thông!

HOÀNG LUÂN

Muốn ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông phải thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ, triệt để, lâu dài và tận gốc, không nên làm kiểu phong trào, như phát động tháng này tháng nọ, hết đợt rồi thôi

imgLý do đầy rẫy, trách nhiệm ầu ơ!

imgNỗi đau khôn nguôi

imgĐêm kinh hoàng ở phòng cấp cứu

Trên đây là ý kiến của bạn đọc (BĐ) Nguyễn Kim Toàn (34 Đào Duy Từ- Đà Nẵng) gởi đến Báo NLĐ hiến kế ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT). Sau khi đăng loạt bài "Thảm họa tai nạn giao thông: cách nào ngăn chặn" và kêu gọi BĐ hiến kế đưa ra những giải pháp khả thi (từ ngày 18-7), đến nay Báo NLĐ đã nhận được hàng trăm lượt thư góp ý.

Tăng mức xử phạt

Đa số ý kiến BĐ đều cho rằng nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT đều xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông. BĐ Bích Phượng (or.girl@yahoo.com.vn) khẳng định: “Tôi thấy đa phần nguyên nhân gây TNGT là do người điều khiển phương tiện giao thông quá ẩu”. BĐ Quốc Thanh (Lý Thường Kiệt, Tân Bình- TPHCM) còn liệt kê hàng loạt kiểu thiếu ý thức của người đi đường rất dễ dẫn đến TNGT: đua xe, lạng lách, điều khiển phương tiện khi say xỉn, phóng nhanh, vượt ẩu...

Thấy được nguyên nhân hàng đầu gây TNGT là do “điểm đen” trong đầu người tham gia giao thông, BĐ đã đồng loạt đề nghị nên tăng mức xử phạt người vi phạm luật lệ giao thông. BĐ Quốc Duy (quocduy80@yahoo.com) nhận xét: “Bấm lỗ bằng lái, giam xe, phạt ít tiền... chỉ là giải pháp phần ngọn”. BĐ Hoàng Mai (gobi@yahoo.com) mạnh mẽ: “Tại sao không tử hình những người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm luật, làm chết người?”...

Giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông cũng là một cách xóa “điểm đen” trong đầu người điều khiển phương tiện. “Học sinh phải được giáo dục về an toàn giao thông ngay trong trường học. Khi lớn lên học lấy bằng lái xe, cần học kỹ hơn phần đạo đức người lái xe” (thinhtoan15@yahoo.com.vn).

Nhiều BĐ còn quy trách nhiệm cho giới chủ xe. BĐ dailamtours@hcm.vnn.vn thẳng thắn: “Cần phải nghiêm cấm hoặc có cách chế tài chủ xe, chủ doanh nghiệp khoán định mức cho các tài xế. Việc này dẫn đến tài xế sẽ chạy nhanh, chạy ẩu để rước thêm khách, cho kịp giờ... rất dễ gây TNGT”.

Hạ tầng giao thông bất cập

Một nguyên nhân gây TNGT cũng không kém phần quan trọng, theo nhiều BĐ, là hạ tầng giao thông còn bất cập, thiếu an toàn. “Đường xấu, hẹp, xuống cấp nhanh mà chậm sửa chữa, xe cộ quá nhiều... thì TNGT xảy ra là chuyện tất yếu” (quocduy80@yahoo.com).

BĐ Phan Hùng Dương (smal_bear2002@yahoo.com) gởi đến một bài viết rất công phu, trong đó dẫn nguyên lý chuyển động Brown để tìm ra các nguyên nhân gây TNGT và cách ngăn chặn. BĐ này đưa ra 3 nhóm giải pháp: Giảm số lượng phương tiện đồng thời tham gia giao thông; quy định tốc độ di chuyển của các phương tiện hợp lý và kiểm soát được; tác động vào tính chất chuyển động của các loại phương tiện giao thông...

Theo BĐ Trọng Nghĩa (Ninh Kiều - Cần Thơ), các biển báo giao thông hiện nay vừa nhỏ vừa đặt ở vị trí khó nhìn, nên thay bằng các biển báo cỡ chữ lớn bắc ngang qua đường trên cao, ban đêm có đèn soi... BĐ Đặng Xuân Tấn (93 Thanh Long, Thanh Bình- Đà Nẵng) nêu: “Phải xây dựng đường cao tốc trên cao bên trên các quốc lộ bằng mọi giá, ưu tiên làm trước tại những điểm đen giao thông; kiên quyết di dời đường sắt ra khỏi khu vực dân cư, hay di dời dân cư khỏi khu vực đường sắt...”.

Lực lượng chức năng phải sạch, mạnh

Nhiều BĐ cho rằng một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng dẫn đến TNGT là từ chính lực lượng chức năng.

BĐ Hà Huy Chương (huychuong1968@yahoo.com) nhận định: “CSGT mà tiêu cực thì cánh tài xế lờn mặt, càng coi thường luật lệ giao thông”. BĐ ntdung@gmail.com bức xúc: “Tôi thấy ở nhiều giao lộ có 2-3 CSGT nhưng vẫn làm ngơ cho nhiều người vi phạm luật lệ giao thông. Xe khách chạy trên Quốc lộ 1A từ Bắc chí Nam qua bao nhiêu trạm CSGT vẫn vô tư phóng nhanh vượt ẩu, nhồi nhét khách. Khi ai vi phạm bị phát hiện cũng chỉ mất chút ít tiền là xong”. BĐ Nguyễn Trung Quốc (chinanewell@yahoo.com.vn) chỉ rõ: “Cần xem lại việc sát hạch cấp giấy phép lái xe, nhất là xe cơ giới. Theo tôi biết, không ít bằng lái mà tài xế có được không phải do học hành thi cử nghiêm túc, mà đều bỏ tiền mua. Còn ở không ít trạm đăng kiểm, chỉ cần chung chi là xe không đạt yêu cầu cũng được cấp giấy chứng nhận lưu hành”...

Còn nhiều, rất nhiều ý kiến xác đáng của BĐ mà trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi không thể nêu ra hết được. Xin cảm ơn và ghi nhận những ý kiến tâm huyết của BĐ. Chắc hẳn khi gởi đến Báo NLĐ, BĐ cũng có cùng hy vọng như chúng tôi: Hiến kế để cơ quan chức năng tìm ra một giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn TNGT- thảm họa vốn gây thương vong không thua gì chiến tranh này.

 

Để tai nạn giao thông không còn là hiểm họa

Hiện nay, một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm chính là tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng. Chúng ta đã có nhiều biện pháp để giảm thiểu tình trạng này nhưng đến nay, xem ra vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Một trong những nguyên nhân chính của hầu hết các vụ tai nạn này là do người điều khiển đã cho phương tiện chạy vượt quá quy định cho phép. Sự vô trách nhiệm, coi thường mạng sống không những của chính mình mà của cả người khác đã trở thành một nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông. Đối tượng gây ra tai nạn không những là người không am hiểu về luật mà cả những lái xe lâu năm vẫn vi phạm và đã phải trả giá có khi bằng cả mạng sống của chính mình.

Để giảm được tai nạn giao thông, theo tôi, trước hết cần phải làm các việc sau:

- Cần có những biện pháp giáo dục, xử lý đúng đắn, kịp thời đối với những người không chấp hành luật lệ, coi thường tính mạng của người khác như đua xe, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ; đặc biệt là trong tầng lớp thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh và một số người làm nghề tự do trên đường phố.

- Như chúng ta đã biết, mặt bằng đường sá hiện nay dường như ngày càng bị thu hẹp, xuống cấp trong khi lưu lượng xe và người tham gia lưu thông ngày một tăng. Thiết nghĩ, Nhà nước cần phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu thêm, có những chính sách cụ thể, rõ ràng trong việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng kịp thời tình hình giao thông ngày càng phức tạp như hiện nay.

- Nhà nước cần có giải pháp nhằm hạn chế lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm, xây dựng hệ thống cầu vượt, đường hầm... và quan tâm hơn nữa đến vấn đề giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận chuyển–giao thông vận tải cũng cần giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với các lái xe của mình, phải triệt để thi hành luật giao thông đường bộ nhất là đối với các doanh nghiệp có lượng xe lớn ra vào các tỉnh. Cảnh sát giao thông cần xử lý mạnh tay các trường hợp xe chở khách vượt quá số lượng, xe tải không đủ tiêu chuẩn vẫn lưu thông trên đường.

- Một điều quan trọng cũng là điều kiện đầu tiên để hạn chế tai nạn giao thông: Người dân chúng ta vẫn có thói quen hễ ra khỏi nhà là leo ngay lên xe gắn máy, bất kể đi gần hay xa, chính điều này đã góp phần tăng lượng xe đáng kể tham gia lưu thông trên đường dễ gây ra tai nạn. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu và áp dụng các biện pháp về kinh tế để giảm việc tăng thêm lượng xe gắn máy mới, vận động toàn dân thực hiện các quy định an toàn trong giao thông, thực hiện việc đội mũ bảo hiểm đối với người lưu thông trên đường bất cứ ở đâu, ai không tuân thủ thì cần phạt nặng như các nước phát triển đã từng làm.

Nguyễn Sinh (TPHCM)

 

TNGT chung qui vẫn là do tài xế

Đã nhiều lần tôi chứng kiến tai nạn giao thông trên đường, mỗi lần như thế tôi cảm thấy mình như chùn lại và không còn tự tin trên suốt đoạn đường.

Một lần tôi đi xe từ miền Tây lên TP, đang ngủ thì bổng giật mình bởi một cảm giác lắc lư và tiếng hú của gió, do ngồi cạnh bên tài xế nên tôi nhìn thấy kim đồng hồ đang chỉ xe chạy với vận tốc trên 130 km/g. Tôi phát hoảng bởi nhìn bên ngoài chỉ thấy những vệt cây nối liền nhau chứ không tài nào nhìn rõ và xác định đâu là cây, đâu là nhà.

Cũng may mắn cho tôi chuyến xe ấy “về đích” an toàn. Thực tế cho thấy tai nạn giao thông xuất phát từ nhiều hướng khác nhau nhưng chung qui vẫn là do tài xế.

Chúng ta không thể biện minh là đường nhỏ thì dễ gây tai nạn, thực tế cho thấy đường càng lớn thì tai nạn càng nghiêm trọng hơn bởi theo chủ quan của mọi người đường lớn thì cứ vô tư nhấn ga và khi tai nạn ập đến thì chỉ có một con đường duy nhất là ..chết.

Theo tôi, có 5 nguyên nhân gây ra TNGT:

1- Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn thấp kém đó là lí do tại sao tai nạn giao thông lại cứ xảy ra ngày càng nhiều. Mấy năm gần đây kinh tế phát triển mạnh nên nhu cầu xe sử dụng giao thông đường bộ ngày càng phát triển mạnh. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ sử dụng con đường, cây cầu của mấy chục năm trước thì làm sao đảm bảo an toàn.

2- Việc thi lấy giấy phép lái xe vẫn còn quá dễ dàng, những hiện tượng bằng lái giả, mua bán bằng vẫn len lỏi trong qui trình khép kín và tiêu cực. Và bất ngờ hơn khi có những trường hợp loại xe không thuộc vào hạng bằng lái nhưng vẫn cứ vô tư lái.

3- Lâu nay chúng ta cứ xem nhẹ rằng đường nhỏ hẹp và đông đúc nên việc thắt dây an tòan không cần thiết, nhưng nhiều vụ tai nạn chết do thiếu dây an toàn sờ sờ trước mắt mà chúng ta vẫn làm ngơ. Đâu chỉ dây an toàn mà ngay cả nón bảo hiểm là cái an toàn, tiện ích và bảo vệ lợi ích cho sức khỏe vậy mà chúng ta chỉ vì một chút ích kỷ, sợ bị ràng buộc thân thể mà đùa giỡn với tử thần.

4- Ai cũng biết đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, bởi kinh tế là phần quan trọng của kinh doanh. Nhưng khuyến khích trong vận tải hành khách để tài xế phóng nhanh vượt ẩu và bán rẻ sinh mạng khách hàng là điều khó chấp nhận.

5- Đạo đức, lối sống của người tài xế là nhân tố quyết định một chuyến đi an tòan vậy mà chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Các bác tài vẫn còn đó thói quen “một mình một ngựa” trên suốt cả chặng đường kéo dài cả ngày trong khi qui định 1 tài xế chỉ được chạy 4 giờ.

Không thiếu những trường hợp tài xế say xỉn, thiếu ngủ, phóng nhanh vượt ẩu và tai nạn do những trường hợp như vậy là chiếm đại đa số, thế nhưng khi xử phạt chúng ta quá nương tay nên các bác tài vẫn “chứng nào tật nấy” đem sinh mạng khách hàng “bán rẻ” cho hung thần.

Đặng Nguyễn (ngaangel1@yahoo.com)

 

Tại sao tai nạn giao thông không giảm?

Ai cũng dễ dàng nhận thấy mỗi khi ra đường là ý thức tham gia giao thông của người dân chúng ta rất thấp: từ người đi bộ, đi xe gắn máy đến lái xe ô tô; từ nam, phụ đến lão, ấu.

Ý thức thấp là do xuất phát điểm của chúng ta mới thoát ra khỏi lối suy nghĩ theo kiểu đường làng, đường ta ta cứ đi. Ý thức ấy không thể có được ngay trong một sớm một chiều mà phải qua quá trình giáo dục, tuyên truyền, xử phạt ....

Tuy nhiên, trước khi trách người dân tham gia giao thông về ý thức kém ấy, chúng ta hãy xem lại ý thức của những người cầm cân nảy mực trên đường.

Ý thức người dân làm sao cao lên được khi mỗi lần phạm lỗi chỉ cần năm, ba chục ngàn cho cảnh sát là xong; khi hàng ngày trên đường thấy cảnh tiêu cực của cảnh sát giao thông công khai suốt từ Bắc đến Nam; khi ai nghiêm chỉnh chấp hành thì luôn bị thiệt thòi.

Tất cả những việc này đã và đang góp phần làm cho người dân coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, làm cho thế hệ trẻ, các cháu học sinh bị hoang mang khi những gì được học trên ghế nhà trường lại khác xa những gì chúng thấy trên đường đến lớp.

Do vậy theo tôi để giảm TNGT, việc củng cố lại tổ chức, nâng cao ý thức của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông là việc làm cấp thiết hiện nay.

Quốc Thịnh (TPHCM)

 

Bắn tốc độ: Con dao hai lưỡi!

Vừa qua, tôi có việc đi xe khách “chất lượng cao” từ TPHCM đến Vũng Tàu và bị một phen kinh hồn. Đoạn từ TPHCM ra siêu thị Big C Đồng Nai, đường quá nhiều xe nên xe tôi phải chạy chậm, tài xế luôn miệng ca cẩm. Đoạn từ siêu thị đến khu vực nhà máy Vedan, không chỉ xe tôi đi mà đồng loạt các xe trên đường bỗng dưng “bò” như rùa. Tài xế càng tỏ ra nóng nảy. Tôi hỏi ra mới biết mấy anh CSGT đứng bắn tốc độ nên xe không dám chạy nhanh. Thế nhưng, vừa qua khỏi khu vực nhà máy Vedan, khi không còn CSGT bắn tốc độ, các xe đua nhau phóng bạt mạng. Hành khách trên xe run rẩy phản đối, nhưng tài xế cứ phớt lờ, bảo “phải đua vì trễ giờ quá rồi”...

Hoàng Lê (358 Lý Thường Kiệt, P.9, Q.Tân Bình - TPHCM)

 

Bỏ thói quen lưu thông xấu

Tôi để ý thói quen lưu thông của nhiều người dân và nhận thấy rất nhiều thói quen xấu. Chẳng hạn: chuyển hướng phương tiện mà không quan sát xem có chướng ngại hay không; khi ùn tắc hay kẹt xe thì cứ thấy khoảng trống nào trên đường là cho phương tiện đi vào, đến khi không nhúc nhích được mới thôi; gắn kính chiếu hậu cho có để khỏi bị CSGT phạt, thường bé xíu như bàn tay em bé; đi bộ băng qua đường tùy tiện... Như vậy, phải làm sao để giáo dục mọi người từ bỏ những thói quen xấu này.

Thêm nữa, trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi tuyên truyền về ý thức chấp hành luật lệ giao thông thường chỉ nói về phần luật. Đương nhiên, những người có giấy phép lái xe phải biết những luật này. Chúng ta nên có các chương trình hướng dẫn cách xử lý những tình huống được xem là nguy hiểm, có thể gây TNGT.

huuvietle@gmail.com

 

Bộ Trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng:

Kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm giao thông cao hơn

Trao đổi với báo chí bên hành lang phiên họp QH sáng 30-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã nêu một loạt giải pháp sẽ được ngành GTVT thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng TNGT đang gia tăng. Theo ông, sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông, nhất là trong trường học và cộng đồng dân cư. Giải quyết ngay kết cấu hạ tầng an toàn giao thông, như xóa những “điểm đen”, xử lý việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và bảo vệ hành lang an toàn giao thông quốc gia. Tăng cường biện pháp xử lý, cưỡng chế các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông. Quản lý và kiểm định phương tiện giao thông; quản lý về chất lượng giao thông như đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, nhất là bằng D và bằng E. Củng cố lại quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải và hợp tác xã vận tải. Bắt buộc người tham gia giao thông trên xe gắn máy đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường quốc lộ...

Cũng theo ông Dũng, hiện nay quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm giao thông chưa đủ sức răn đe, chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ sửa lại Nghị định 152 về xử phạt hành chính đối với vi phạm giao thông, theo hướng tăng mức xử phạt lên cao hơn nữa.

H. Nhi ghi

 

Nạn nhân của sự bất cẩn

Tôi xin dẫn một bài viết của một du học sinh VN tại Úc về TNGT trên blog. Du học sinh này bức xúc chuyện rất nhiều người vô tội trở thành nạn nhân của sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm, coi thường mạng sống người khác của những người cùng tham gia giao thông, nên đã dịch một bài thơ từ tiếng Anh: “Con đi dự một bữa tiệc mẹ à. Và con nhớ những lời mẹ dặn. Rằng chớ có đụng vào bia rượu. Nên thay vào đó con đã uống soda... Cuộc vui cuối cùng cũng hết cao trào. Mọi người lái xe về lũ lượt... Khi con vừa mới rẽ ra, một chiếc xe khác không nhìn thấy, húc con mạnh như trời đánh giữa đường. Con nằm trên vỉa hè. Nghe cảnh sát nói, anh chàng kia say rượu... Con nằm đây dần xa cõi đời. Sao tai họa lại giáng xuống con hả mẹ?... Con chỉ muốn nói một điều. Rằng con không uống một chút rượu nào. Chỉ có những người khác uống. Nhưng người phải chết lại là con... Điều cuối cùng con muốn hỏi, trước khi con vĩnh viễn lìa đời: Con không uống một chút rượu bia nào. Tại sao con phải là người ra đi mãi mãi?”

Lưu Thị Vân Yên (304/91 Hồ Văn Huê, Q.P - TPHCM)

 

Ám ảnh quốc lộ - những cung đường bé tẹo

Đọc bài Lý do đầy rẫy, trách nhiệm ầu ơ mới thấy sợ trước những cung đường tử thần. Lâu nay, cứ xảy ra tai nạn giao thông, người ta vội vàng kết ngay mọi tội trạng và qui trách nhiệm cho tài xế phóng nhanh vượt ẩu, say rượu, ngủ gật,...

Có bao giờ chúng ta xét về ngọai cảnh để có cái nhìn bao quát và đúng nhất để tìm biện pháp khắc phục. Tôi từng đi qua nhiều tỉnh thành miền Tây và miền Đông để rồi rút ra một kết luận, đường hẹp quá.

Mỗi chuyến về miền Tây là mỗi lần tôi cảm thấy sợ, quốc lộ 1A và quốc lộ 80 là những cung đường bé tẹo, thậm chí còn thua cả những con đường nhỏ bé ở TP, hai xe tải muốn qua mặt nhau phải có một chiếc dừng lại nhường đường. Đó là những đoạn đường thẳng mà xe còn không qua lọt thì làm sao trên một cung đường cong xe không vướng nhau cho được.

Tôi không hiểu vì sao đường quốc lộ, mạch máu giao thông quan trọng của cả nước mà lại được đầu tư kém như vậy? Chúng ta phải biết rằng những con đường huyết mạch bao giờ cũng quan trọng, phải được đầu tư mạnh để đảm bảo thông suốt và hạn chế cũng như rút ngắn thời gian đi lại của người dân.

Không ít lần báo chí phản ánh những cung đường nhỏ hẹp này đã gây nên nhiều phiền toái cho người dân, chỉ một tai nạn nhỏ thôi cũng đủ để kẹt xe vài giờ và mức độ thiệt hại kinh tế cũng là điều đáng nói. Vậy mà bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn cứ ì ạch trên những cung đường quá cổ trong khi xã hội ngày càng hiện đại, phương tiên giao thông ngày càng phổ biến và đông đúc.

Thiết nghĩ, cùng với việc kêu gọi người dân nâng cao ý thức giao thông thì những người làm quản lý hãy đảm bảo cơ sở hạ tầng và tăng cường kiểm tra để thấy gian nan của người điều khiển giao thông.

Trường Sanh (huonglaukg@yahoo.com)

 

Kiểm tra, phạt nặng lái xe uống rượu, bia

TNGT có nhiều nguyên nhân. Ở các TP lớn như Hà Nội và TPHCM, phương tiện lưu thông dày đặc, đồng thời các quán bia, rượu cũng đầy rẫy. Như Báo NLĐ đã thông tin, ma men là thủ phạm số 1 của TNGT, theo tôi nên nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn của những người điều khiển phương tiện giao thông. Nếu có biện pháp kiểm tra và phạt nặng những người lái xe có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng cho phép, chắc chắn sẽ hạn chế một phần TNGT.

Để giảm TNGT cần nhiều biện pháp đồng bộ, không nên mỗi thời điểm lại đưa ra một cách đơn lẻ, như buộc xe gắn máy phải có gương chiếu hậu rộ lên kiểm tra một thời, mới đây là việc đội mũ bảo hiểm.

nhanvq@gmail.com

 

Xây dựng khung hình phạt nặng

Theo tôi, để giảm tai nạn giao thông đường bộ cần phải thực hiện ưu tiên các giải pháp sau đây:

Một là, xây dựng đường cao tốc bên trên đường quốc lộ bằng bất cứ giá nào. Xã hội hóa để giảm chi phí. Có thể thực hiện theo nhiều giai đoạn. Ưu tiên những điểm đen giao thông. Hai là, kiên quyết di dời đường sắt ra khỏi khu vực dân cư hoặc di dời dân cư ra khỏi khu vực đường sắt. Và cũng ưu tiên những điểm đen giao thông. Ba là, xây dựng khung phạt nặng nhưng đơn giản, không chủ quan duy ý chí mà có phản biện xã hội và phải được phổ biến kỹ lưỡng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trước khi đưa vào áp dụng. Khung phạt cần tính đến những người không có khả năng đóng phạt thì áp dụng hình thức lao động công ích đối với họ. Bốn là, áp dụng công nghệ tự động vào việc theo dõi hành vi giao thông.

Đặng Xuân Tấn (93 Thanh Long, Thanh Bình, Đà Nẵng)

 

Biển báo giao thông vừa nhỏ, vừa bị che khuất

Tôi rất đồng tình với những đóng góp của các bạn đọc nhưng đa số chỉ nêu lên các lỗi của phía người điều khiển phương tiện giao thông, ở đây tôi muốn góp ý thêm về phía cơ quan chức năng: Các biển báo giao thông vừa nhỏ lại đặt bên đường rất khó thấy, hơn nữa người lái xe không thể vừa lái vừa lăm lăm nhìn vào lề đường để tìm biển báo, rất dễ gây tai nạn.

Đề nghị cho thay bằng các biển báo chữ lớn bắt ngang qua đường trên cao, ban đêm có đèn sáng, tuy có hơi tốn kém nhưng bảo đảm số vụ vi phạm về tốc độ và tai nạn sẽ giảm nhiều.

Trọng Nghĩa

 

Giảm TNGT: Giải pháp phải đồng bộ

Để có thể kiềm chế và tiến tới giảm dần được TNGT đòi hỏi chúng ta phải thực hiện một loạt các công việc khác nhau chứ không chỉ kêu gọi chung chung là người dân hãy ý thức. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Tai nạn giao thông thường xẩy ra là do va chạm giữa các phương tiện tham gia giao thông với nhau, hoặc với vật cản trên đường hay do thiên tai và còn nhiều nguyên nhân khác...

Theo tôi muốn giảm thiểu tai nạn giao thông, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

1. Giảm số lượng phương tiện đồng thời tham gia giao thông. Ở các thành phố lớn của Việt Nam số lượng tham gia của các phương tiện giao thông quá lớn, trên một diện tích mặt đường quá nhỏ. Vì vậy xác suất va chạm của các phương tiện là rất cao.

Nếu tính sơ bộ có 50 chiếc xe máy tham gia giao thông, số người đi trên mỗi xe bình quân 1,5 người thì có 75 người tham gia giao thông, nhưng nếu 75 người này đều đi xe buýt thì chỉ cần 1-2 chiếc là có thể chở đủ. Số lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ giảm đi là 48 phương tiện hay 25 lần. Như vậy đồng nghĩa với việc xác suất va chạm giữa các phương tiên chắc chắn sẽ giảm đi tương ứng.

Như vậy, để giảm tai nạn giao thông, điều đầu tiên phải giảm số lượng các phương tiện đồng thời tham gia giao thông, tức là phải giảm số lượng xe máy tham gia giao thông và tăng số lượng các phương tiện giao thông công cộng.

Phát triển giao thông công cộng phải đi đôi với việc giảm và tiến tới cấm xe máy. Vì nếu không sẽ không có đường để phương tiện giao thông công cộng hoạt động, và sẽ không có ai đầu tư vào lĩnh vực này vì kinh doanh sẽ không hiệu quả.

Có người nói ở Việt Nam không thể hạn chế hay cấm xe máy được vì luật không cho phép và sẽ ảnh hưởng đến lòng dân. Theo tôi là không đúng, vì luật do con người làm ra thì nó có thể sửa đổi. Còn nếu sợ mất lòng dân thì càng buồn cười, vì nếu với tình trạng phát triển số lượng xe máy như hiện nay, vài năm nữa các TP lớn của Việt Nam sẽ không thể đi được nữa, giao thông kém không ai đầu tư, kinh tế đi xuống, lúc đó không biết có còn lòng dân nữa hay không?

Vì vậy giải pháp đầu tiên các TP lớn như Hà Nội, TPHCM phải xây dựng lộ trình giảm và tiến tới cấm hoàn toàn xe máy, còn các TP mới khác phải có ngay những kế hoạch để không xảy ra tình hình quá tải về giao thông do sự phát triển tràn lan không có điểm dừng như HN, TPHCM.

2. Giảm thiểu tai nạn bằng cách tác động vào tốc độ di chuyển. Tốc độ của các phương tiện giao thông được tăng lên thì chi phí của người dân và doanh nghiệp sẽ giảm và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng sẽ nhanh hơn vì vậy không thể dùng phương pháp hạn chế tốc độ như hiện nay đang làm, nhưng tốc độ di chuyển cũng không thể quá cao, cần phải có giới hạn phù hợp. Ví dụ ở một số nước như Malaisia, Singapore 110km/g là giới hạn ở đường cao tốc.

Nếu giải quyết được việc giảm phương tiện tham gia giao thông như nói ở trên thì đặt ra tốc độ di chuyển hợp lý, nhanh hơn của các phương tiện giao thông hoàn toàn ở trong tầm tay.

3. Giảm thiểu tai nạn bằng cách tác động vào tính chất của chuyển động. Có nhiều các khác nhau để một người có thể di chuyển từ điểm A đến B, đi bộ, đi xe máy, xích lô, xe buýt, xe lửa, tàu điện ngầm, ôtô riêng....

Nhưng nếu tất cả các phương tiện này cùng sử dụng chung một mặt bằng diện tích thì sẽ tạo ra sự quá tải dẫn đến xác suất va chạm tăng lên. Các loại hình di chuyển này phải được phân thành nhóm và tách riêng, sau đó hình thành các đường riêng để các loại hình phương tiện này sử dụng, và các loại đường riêng này càng ít có sự giao cắt nhau càng tốt.

Lấy thí dụ tàu điện ngầm chắc chắn khó có thể va chạm với xe máy trừ trường hợp hãn hữu như ở Brazil mới xảy ra có người bị chết vì máy bay đâm phải. Ở các đường cao tốc, quốc lộ tuyệt đối không cho xe máy đi vào đường ôtô, tuyệt đối không để người đi bộ băng ngang đường phải có các cầu vượt.

Ở Singapore người đi bộ muốn băng ngang đường cũng khó vì ở đó người ta thiết kế có các tường rào cao, hào sâu mà người đi bộ sẽ khó có thể đi xuống đường, các giao lộ giữa đường xe lửa và xe hơi, người đi bộ xe đạp càng ít càng tốt.

Phải tách các khu dân cư ra khỏi các đường quốc lộ. Hình thành các tuyến đường riêng cho xe buýt, ôtô ở trong TP mà ở đó phải cấm mọi loại xe phương tiện thô sơ tham gia giao thông.

Nhanh chóng xây dựng các loại hình vận tải hành khách với khối lượng lớn như tàu điện ngầm, đường tàu điện trên cao.

Nhưng tất cả các giải pháp vừa nêu chỉ thực hiện được khi, chính phủ có biện pháp hạn chế xe máy và tiến đến cấm triệt để, việc này đương nhiên sẽ làm trước với xe xích lô, ba gác, xe đạp.

Tại sao tôi nhắc đi nhắc lại việc cấm các loại hình vận chuyển thô sơ, vì những người điều khiển các phương tiện này không phải học qua trường lớp chính qui, nhưng ai cũng có thể đi được, vô hình trung đến 90% là hoàn toàn không nắm rõ luật giao thông. Ở TP đã ít người đi xe máy biết luật giao thông, thì ở nông thôn làng mạc có đường quốc lộ đi qua tình hình chắc còn bi đát hơn.

Xe máy thích dừng chỗ nào là dừng, nên hai bên đường mọc lên các quán sá chỗ bán hàng lấn chiếm lòng lề đường. Hậu quả là đường thì rộng 12m nhưng chỉ sử dụng được cùng lắm là 8m vì không ai dám chạy sát vào vỉa hè.

Pháp luật muốn nghiêm minh thì phải có nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố quan trọng là nếu ai vi phạm thì phải bị trừng trị, tất nhiên là không thể trường trị hết 100% nhưng tỷ lệ đó phải lớn đến ít nhất 70-80% hay cao hơn số vụ vi phạm.

Ở Singapore tại sao mọi người tự giác thực hiện luật, không phải vì họ sinh ra đã tự giác mà vì họ biết rằng nếu phạm luật thì sẽ bị trừng trị rất nặng. Nhưng ở Việt Nam khi đi xe máy thì rất dễ phạm luật giao thông, nhưng bị xử phạt thì rất khó vì không thể có lực lượng nào đủ sức kiểm soát hết hành động của gần 3 triệu chiếc xe máy và các phương tiện thô sơ ở TPHCM.

Tình thần thượng tôn pháp luật đã không được thi hành khi đi ra đường, thì sẽ tạo ra cả một xã hội của những con người không có kỷ luật, vì thế tại sao người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài khó hoà nhập. Một nguyên nhân cơ bản là tinh thần kỷ luật tự giác của người Việt Nam quá kém.

Nói tóm lại để giảm tai nạn giao thông thì biện pháp chính là giảm số lượng phương tiện tham gia giao thông, tạo ra các đường riêng cho các loại hình phương tiện giao thông, trách chồng chéo giao thông phải được tổ chức lại, phạt nặng những hành vi phạm luật.

Phan Hùng Dương, Quận 7-TP Hồ Chí Minh (smal_bear2002@yahoo.com)

 

Xử lý mạnh tay tài xế gây TNGT

Cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh hơn đối với tài xế gây TNGT. Nếu tài xế để xảy ra TNGT chỉ bị truy tố mức án 3, 4 năm tù thì không thể đủ sức răn đe. Chưa kể việc tiêu cực có thể xảy ra: Tài xế đáng tội nhưng chạy chọt sao đó lại không bị xử lý gì, vẫn tiếp tục cầm vô lăng, “cầm” sinh mạng nhiều người. Tại sao không xử lý thật nặng, như dùng hình thức tử hình đối với những tài xế để xảy ra TNGT làm nhiều người chết? Với biện pháp mạnh tay này, tôi tin tình hình TNGT sẽ giảm ngay.

gobi@yahoo.com

 

Cần tăng cường trách nhiệm lực lượng quản lý giao thông

Mỗi ngày hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương, hàng năm số người bị tai nạn giao thông của Việt Nam quá nhiều. Trách nhiệm thuộc về ai nếu không phải là trách nhiệm của ngành giao thông công chính, ngành CSGT.

Ở một số nơi, mỗi ngã tư có hai, ba CSGT đứng điều khiển giao thông nhưng xe gắn máy chạy chở ba, chở bốn người, lạng lách lung tung mà họ không có phản ứng gì cả; xe không có biển số chạy vô tư, vừa chạy xe gắn máy vừa nghe, nói điện thoại di động ...

Xe khách chạy trên đường quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam qua bao nhiêu tỉnh thành làm sao qua được mặt CSGT để có thể nhồi nhét gấp đôi số khách, nếu CSGT thật sự có tinh thần trách nhiệm cao. Xe vua chở đất, nỗi kinh hoàng của nhân dân hàng ngày chạy ào ào phá đường, gây tai họa. Cần kiểm tra lại xem bao nhiêu phần trăm chủ xe là CSGT hoặc có quan hệ mật thiết với CSGT?

Mỗi ngày, mỗi gia đình chúng ta đang lo lắng một lúc nào đó tai họa sẽ ập xuống gia đình mình do tai nạn giao thông.

Nguyen T Dung (ntdung@gmail.com)

 

An toàn giao thông, giải pháp phải đồng bộ

Các cơ quan có chức năng cần làm việc lại với các chủ xe chở hàng, chở khách trong việc quản lý tốc độ chạy của lái xe.

Nói điều này là bởi hiện nay nhiều lái xe tranh thủ chạy nhanh vì được giới chủ trả lương theo số chuyến chạy mỗi ngày và số hành khách của mỗi chuyến, do đó để có thu nhập cao thì lái xe phải chạy được nhiều chuyến nên sẽ chạy với tốc độ cao trong khi đây lại là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới gây TNGT trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đây là nguyên nhân gây ra đến 37.8% số vụ TNGT trên cả nước hiện nay.

Cần tranh thủ ý kiến của giới y học như một giải pháp làm giảm TNGT. Tức là cần đặt hàng giới y học nghiên cứu xem một người lái xe liên tục trong bao lâu thì khả năng tập trung, sự tỉnh táo sẽ giảm xuống dưới mức an toàn, từ đó ngành giao thông sẽ đặt ra các “quãng nghỉ” bắt buộc cho người lái xe đường dài; hoặc qui định số km tối đa mà một tài xế được phép chạy trong vòng 1 ngày với những quãng nghỉ nhất định nào đó. Lâu nay các tuyến xe khách đường dài chỉ dừng chân nghĩ ngơi theo cảm tính mà thôi.

Cần đặt ra các yêu cầu về việc khám sức khỏe thường xuyên cho những người tài xế làm việc trong các doanh nghiệp vận tải đường dài, vì sức khỏe của người tài xế có quan hệ mật thiết với khả năng làm chủ tay lái của họ.

Cần tiếp tục có các giải pháp kỹ thuật cho hạ tầng giao thông chẳng hạn như lắp dải phân cách, tăng cường các “gờ” giảm tốc độ, các biển báo giao thông, đèn phản quang để quản lý tốt được tốt hơn tốc độ xe …

Phải có hình thức chế tài mạnh hơn nữa đối với những người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là những phương tiện vận chuyển hành khách, vì những phương tiện này nếu xảy ra tai nạn thì thiệt hại về người rất lớn. Đồng thời còn phải chế tài mạnh những người sử dụng họ vì đôi khi chính người sử dụng là kẻ gián tiếp gây tai nạn.

Tổ chức một cách nghiêm túc hơn nữa các kỳ thi lấy bằng lái xe từ bốn bánh trở lên để đảm bảo những hung thần không thể ngồi sau vô lăng xe. Thậm chí là phải qui định mức học vấn nhất định cho người muốn có bằng lái xe hạng nặng, bởi học vấn là một trong những tiêu chí đánh giá ý thức của con người.

Phải mạnh tay diệt trừ tệ nạn mãi lộ vì khi bị mãi lộ sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các chủ xe. Khi phải chung chi cho cảnh sát giao thông, họ sẽ buộc tài xế phải chạy nhanh để tranh giành khách, tăng chuyến để bù vào phần tiền phải hối lộ, đẫn tới những tai nạn thương tâm mà chúng ta đã chứng kiến trong thời gian vừa qua.

L.M.Tiến (tinus_tien@yahoo.fr)

 

Nên áp dụng hình phạt thật nặng với tài xế gây tai nạn nghiêm trọng

Trước tình trạng tai nạn xảy ra ngày một nghiêm trọng như hiện nay, tôi thấy chính quyền, nhất là công an phải có biện pháp thật mạnh chứ nếu để xảy ra tai nạn mà cứ truy tố với mức án 3, 4 năm liệu có đủ sức răn đe không? và chưa kể đến tình trạng có tiền mua tiên cũng được từ 3, 4 năm còn vài tháng là ra cầm vô lăng tiếp như hiện nay.

Tại sao không dùng hình phạt nặng nhất đối với những tài xế để xảy ra tai nạn cho từ 2 người chết trở lên, họ không thể nại bất cứ lý do gì để ngụy biện hành vi coi thường sinh mạng người khác như hiện nay.

Với biện pháp mạnh tay, không để tiêu cực xảy ra khi xử lý, chắc chắn tình trạng tai nạn sẽ giảm ngay .

Hoang Mai (gobi@yahoo.com)

 

Tăng tiết học môn đạo đức người lái xe

Nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, coi thường tính mạng của mình và của đồng loại. Bắt đầu từ việc giáo dục học sinh về an toàn giao thông khi tham gia giao thông từ khi còn nhỏ, trường dạy lái xe là nơi vô cùng quan trọng trong giáo dục công dân về việc an toàn khi tham gia giao thông. Thế nhưng, môn đạo đức của người lái xe hiện được dạy một cách rất sơ sài và hình thức, chỉ có một tiết học, sau đó làm bài nộp là xong. Trong khi đó, môn sửa chữa hư hỏng thì có đến 5 tiết học (môn này dù có tăng 20 tiết cũng không ai sửa chữa được gì khi xe hư hỏng cả!). Các trường đào tạo lái xe phải tăng tiết học môn đạo đức người lái xe; ai thi đậu môn này mới cho học tiếp.

Nguyễn Kim Toàn (34 Đào Duy Từ, Đà Nẵng)

 

Xử lý mạnh tay mới mong có kết quả

Thấy báo NLĐ đăng loạt bài điều tra Nguyên nhân gây TNGT, tôi mừng rơn như đánh trúng vào điều tôi muốn góp ý bấy lâu nay. Tôi xin vắn tắt những ý chính và mong quý báo có những tìm hiểu thêm để cho bài báo đánh động được nhiều giới, nhiều cấp.

Người điều khiển phương tiện giao thông nói chung và cánh tài xế xe Ben VUA, xe container, xe BUS, xe khách ... coi mạng người như cỏ rác, coi luật pháp như không ... thì có đáng bị xử để làm gương cho những tài xế khác không.

Bấm lỗ bằng lái, giam xe ... chỉ là những biện pháp giải quyết phần ngọn, phần gốc chính là bản chất, bản tính con người thì giải quyết làm sao. Phải có luật rõ ràng, xử lý mạnh tay .. thì mới mong kết quả, mới mong giải quyết được phần gốc.

Tôi đồng ý với bài điều tra đầu tiên của quý báo. Cơ sở hạ tầng cũng là một vấn nạn. Đường xấu, hẹp, xuống cấp nhanh mà chậm sửa chữa thì tai nạn là chuyện tất yếu. Chưa kể trên những đoạn đường tôi đi làm về tối mỗi ngày, Công ty Chiếu sáng đô thị không biết cố tình hay vô ý cái mở cái tắt liên tiếp đến hết con đường, dãy bên kia cũng thế. Con đường đi mà khoảng tối khoảng sáng, mấy ông đào đường rồi ngâm ... hỏi sao tai nạn không xảy ra.

Đối với người tham gia điều khiển giao thông, theo tôi, nên khó khăn ngay từ đầu. Nghĩa là, thi cấp bằng lái phải thật khó, ai điều khiển phương tiện giao thông mà không có bằng lái thì giam xe thật lâu hoặc có biện pháp chế tài nào đó. Đối với cánh tài xế, thì ngoài việc thi bằng lái phải khó, phải chế tài họ bằng cách xử phạt THẬT NGHIÊM MINH để họ biết thế nào sinh mạng con người quý giá, để họ biết thế nào là nỗi đau của những gia đình mất mát mà nguyên nhân từ họ gây ra, để họ biết gánh nặng xã hội họ tạo ra nhức nhối đến thế nào ...

quocduy80@yahoo.com

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo