Vừa qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM đã trình UBND TP xem xét xóa quy hoạch 3 dự án khu công nghiệp (KCN) gồm: Phước Hiệp (200 ha), Bàu Đưng (175 ha) ở huyện Củ Chi và Xuân Thới Thượng (300 ha) ở huyện Hóc Môn. Báo cáo của sở này dựa trên kiến nghị của UBND huyện Hóc Môn, Củ Chi và Ban Quản lý các KCX-KCN TP.
Dân không biết có dự án
Theo quy hoạch, KCN Bàu Đưng (ở ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) nằm dọc đường Nguyễn Thị Rành, gần dự án Công viên Sài Gòn Safari. Quay lại vị trí các dự án đang nằm trên giấy này, khảo sát nhiều hộ dân, kể cả những hộ có đất bị thu hồi nếu dự án thực hiện, chúng tôi khá bất ngờ với câu trả lời của họ: “Chúng tôi không biết ở đây có dự án KCN nào tên như vậy!”. Đa số những người dân được hỏi đều cho biết chỉ nghe tới dự án Công viên Sài Gòn Safari đang được Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo thực hiện rốt ráo.
Tương tự, chúng tôi đến xã Phước Hiệp, hỏi người dân vị trí của KCN Phước Hiệp cũng không ai biết dự án nằm ở đâu.
Còn tại ấp 1, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), khi chúng tôi hỏi về dự án KCN Xuân Thới Thượng bị “treo” hơn 15 năm nay, ông Trần Quang Thắng (ngụ đường Dương Công Khi) chỉ ra một cánh đồng hoang vắng. “Hơn 15 năm trước, xã có tổ chức họp, thông báo sẽ thực hiện dự án KCN Xuân Thới Thượng trên phần đất của gia đình tôi và hàng trăm hộ dân khác. Vướng quy hoạch, tôi và nhiều người không trồng trọt được gì, bán lớp đất thịt cho các nhà vườn đến thu mua. Từ đó đến nay, khu đất của tôi chỉ trồng cỏ cho bò ăn. Cách đây vài năm, những nhà có đất giáp mặt đường bán cho người ở nơi khác và bắt đầu xây dựng nhà. Đất nhà tôi vẫn thuộc loại đất trồng cây lâu năm nên không thể xây dựng nhà hay mở rộng quy mô chăn nuôi” - ông Thắng bức xúc.
Một kiểu “treo” quyền lợi khác là các con đường dự phóng bị quy hoạch nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện. Đơn cử, đường Hương lộ 2 (quận Bình Tân) quy hoạch mỗi nhà phải vào 10 m nhưng 10 năm qua vẫn chưa làm, còn người dân không được xây dựng nhà cửa ở trên phần đất này. Hay một số dự án khác như mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức)… cũng khiến chủ nhà khó khăn vì không thể xây dựng nhà ở.
Nhà máy sữa Củ Chi (ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM) nằm trong dự án KCN Bàu Đưng
Ảnh: SỸ ĐÔNG
Tổng rà soát, xóa quy hoạch “treo”
UBND huyện Hóc Môn thừa nhận khu vực dự án KCN Xuân Thới Thượng có khoảng 483 hộ dân đang sinh sống, quy hoạch hơn 15 năm nhưng dự án vẫn chưa triển khai nên ảnh hưởng đến cuộc sống và quyền lợi của người dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Hai KCN Phước Hiệp và Bàu Đưng ở huyện Củ Chi cũng có hơn 410 hộ dân sinh sống, khoảng 10 công ty, kho bãi đang hoạt động. Theo UBND huyện Củ Chi, những dự án “treo” khiến người dân bất an do không thể xây dựng, canh tác hay chuyển nhượng.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, cho biết hiện TP có 571 dự án kéo dài thời gian thực hiện, dự án “treo” ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vừa qua, TP đã thu hồi, hủy bỏ về mặt chủ trương tất cả dự án “treo” này; đồng thời, TP sẽ tiếp tục rà soát những dự án quá 12 tháng mà không thực hiện sẽ thu hồi. Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cũng đang rà soát các quy hoạch phân khu. Luật Quy hoạch đô thị quy định công tác rà soát là thực hiện định kỳ, đối với quy hoạch chi tiết 1/2.000 là 5 năm còn quy hoạch chi tiết 1/500 là 3 năm.
“Từ năm 2013, sở đã rà soát 171/290 đồ án đã được phê duyệt, trong đó có 78 đồ án cần phải điều chỉnh tổng thể, 93 khu vực điều chỉnh cục bộ. Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang tổng rà soát các dự án trên toàn TP theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Sau khi rà soát, sở cùng các ban ngành xem xét những quy hoạch thiếu tính khả thi hoặc kéo dài thời gian thực hiện mà gây khó khăn cho đời sống người dân thì sẽ điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch” - ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, những khu vực quy hoạch như công viên cây xanh, làm đường dự phóng… thường bị người dân phản ánh, khiếu nại vì ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ, cần có chính sách công bằng giữa người dân trong khu quy hoạch và khu vực ngoài quy hoạch.
Được xây nhà, mua bán…
Về tương lai 3 dự án KCN (Phước Hiệp, Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng) sau khi bị xóa sổ, ông Nguyễn Thanh Toàn khẳng định người dân có quyền xây nhà, mua bán thế chấp… Khi đã xóa quy hoạch treo, TP sẽ giao các khu vực này lại cho UBND huyện Củ Chi, Hóc Môn để huyện đề xuất đưa vào xã quy hoạch nông thôn mới. Việc quản lý cấp phép xây dựng, tách thửa, sản xuất nông nghiệp… thuộc về các huyện này.
Bình luận (0)