Bất hợp lý này ai cũng thấy và ai cũng hiểu chính là do thương lái ép giá để kiếm lãi thật nhiều trên hạt lúa của nông dân. Sống trên vựa lúa lớn nhất nước nhưng nông dân ĐBSCL vẫn mãi nghèo.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch vụ hè thu 2013 Ảnh: THỐT NỐT
Kế hoạch thu mua hàng triệu tấn lúa tạm trữ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nghe rất phấn khởi nhưng cứ đến vụ gặt thì tổ chức này lại "than" hết kho dự trữ rồi thu mua hạn chế. Thu hoạch nhiều nhưng không có chỗ bán, lại phải vướng bao nhiêu khoản nợ đã vay, nông dân đành chấp nhận bán rẻ. Ngược lại, khi hết mùa, VFA lại thu mua ồ ạt, nâng giá… Lúc này nông dân làm gì còn lúa để bán! Chỉ những đầu nậu có kho dự trữ, thu mua giá rẻ từ chính vụ mới có nhiều lúa để bán cho VFA.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo xem xét phương án tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu năm 2013 nhằm ổn định giá thu mua cho nông dân. Bộ Tài chính cũng đã công bố giá thành bình quân sản xuất lúa vụ này ở khu vực ĐBSCL là 4.142 đồng/kg, quy ra giá lúa định hướng là 5.383 đồng/kg.
Theo quy định, các doanh nghiệp phải bảo đảm mua lúa gạo của nông dân với giá mà họ có lãi ít nhất 30%. Thế nhưng, VFA và UBND các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa thống nhất được phương thức mua lúa tạm trữ, Bộ NN-PTNT cũng không can thiệp được gì. Sự thật phũ phàng hơn khi lãnh đạo VFA vừa tuyên bố trên một tờ báo tại TP HCM: Chất lượng lúa vụ hè thu năm nay thấp, nếu nông dân không bán thì chỉ để cho... vịt ăn!
Bao nhiêu lời hứa từ các cơ quan chức năng rằng nông dân phải sống được với nghề, phải làm giàu được từ mảnh ruộng của mình chưa bao giờ trở thành hiện thực. Ở một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người làm ra hạt gạo vẫn đói khổ là điều khó có thể chấp nhận. Càng bất nhẫn hơn khi những doanh nghiệp kinh doanh lại được tạo đủ điều kiện thuận lợi và lãi hàng ngàn tỉ đồng trên những hạt lúa đẫm mồ hôi của nông dân.
Bình luận (0)