Ấp Thạnh Điền, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau những ngày cuối năm, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết Dương lịch, riêng căn phòng trọ của ông Vũ Hồng Xuân (71 tuổi) và 2 đứa cháu ngoại thì vẫn đìu hiu một màu tang tóc. Hơn một tháng trước, người con duy nhất của ông là Vũ Thị Cẩm Hằng (33 tuổi) đã tử vong vì mắc Covid-19 khi đang làm thuê ở tận vùng Tây Á xa xôi, thi thể nằm lại vĩnh viễn nơi xứ người.
Ngồi thất thần bên di ảnh người con gái xấu số đặt trên chiếc bàn mục rệu, ông Xuân nghẹn ngào: "Con tôi chết mà chẳng có tiền để tổ chức đám tang, chỉ làm một mâm cơm đạm bạc và cầu cho vong linh cháu được siêu thoát nơi xứ người. Tội cho 2 đứa cháu nhỏ không thể nhìn thấy mẹ lần cuối".
Ông Xuân đau đớn kể lại bi kịch của gia đình
Gần 3 năm trước, chị Hằng được Công ty CP Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt tuyển chọn đưa sang Ả Rập Saudi làm giúp việc nhà cho một gia đình ở TP Riyadh. Đến tháng 11-2020, chị có biểu hiện mắc Covid-19 nên được chủ nhà đưa tới bệnh viện để thăm khám. Tại đây, chị Hằng bị phát hiện dương tính với Covid-19 nên được cách ly tập trung để điều trị. Mặc dù được đội ngũ y - bác sĩ địa phương tận tình cứu chữa nhưng chị Hằng không qua khỏi và đã tử vong ngày 16-11 vừa qua.
Ông Xuân bảo Hằng là người con hiếu thảo, sống trách nhiệm và biết chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, do không biết ngôn ngữ nước sở tại và cách gửi tiền về Việt Nam nên từ lúc đi xuất khẩu lao động cho đến nay, chưa một lần gửi tiền về cho gia đình. Ông Xuân nhớ lại: "Tôi chỉ biết Hằng đi ở mướn cho một gia đình ở Ả Rập Saudi, mỗi tháng được trả công 9 triệu đồng tiền Việt Nam. Không biết trước khi qua đời, con tôi đã tích lũy được bao nhiêu tiền, nhưng từ đó đến giờ cháu chưa gửi về gia đình đồng nào cả. Cách đây khoảng 6 tháng, cháu có gọi điện về cho tôi nói là tháng 10 âm lịch này sẽ về Việt Nam. Nghe con báo vậy nên tôi và 2 đứa con của nó luôn ngóng trông từng ngày. Đâu ngờ con tôi đã chết ở xứ người trong khi tuổi đời còn quá trẻ. Nỗi đau này làm sao nguôi ngoai được".
3 năm trước, Nhi khóc tiễn mẹ đi xa cũng là lần cuối cùng được nhìn thấy mẹ
Theo lời ông Xuân, Hằng là người con duy nhất của vợ chồng ông nhưng không phải con ruột. Vợ chồng ông sống với nhau không có con vì hiếm muộn và bà bị mắc bệnh hiểm nghèo. Cách đây 30 năm, khi ông bà đi bán ghe hàng bông ở Cần Thơ thì gặp một người phụ nữ ẵm đứa con gái 3 tuổi đến xin ông bà cưu mang đứa bé vì chị ta không có khả năng nuôi con, rồi bỏ đi...
Vợ chồng ông Xuân mang đứa bé về Cà Mau, rồi dành tiền tích cóp mua được mảnh đất ven sông, xây dựng một căn nhà nhỏ. Nhưng ngày tháng hạnh phúc, yên bình của gia đình nhỏ này không kéo dài được lâu vì bệnh của bà ngày một nặng hơn. Ông Xuân phải bán cả căn nhà để chữa trị cho vợ nhưng không khỏi. Bà qua đời từ 10 năm trước.
Vì gia cảnh quá khó khăn, mới 13 tuổi đầu Hằng phải bỏ học đi làm công nhật trong một nhà máy chế biến thủy sản để kiếm tiền phụ cha, sau đó lấy chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Khi bé Võ Thị Tuyết Nhi còn chưa biết nói thì chồng của Hằng dứt áo ra đi vì không chịu được cảnh nghèo khó. Hằng gởi con nhỏ cho cha chăm sóc rồi xin trở lại nhà máy thủy sản làm công nhân, lương tháng 4 triệu đồng. Không lâu sau thì Hằng mang thai và sinh bé trai, đặt tên là Vũ Minh Luân. Luân mang họ mẹ vì Hằng không cho ai biết cha của đứa bé là ai.
Điều ông Xuân lo sợ nhất là lỡ ông không còn nữa thì các cháu của ông sẽ dựa vào đâu mà sống
"3 năm trước, thấy Hằng ngồi trầm ngâm tới khuya, tôi hỏi có chuyện gì thì cháu nói: "Mình khổ quá cha ơi, con sẽ đi nước ngoài làm việc để đổi đời. Cha ráng chăm sóc cho hai đứa nhỏ, cho tụi nó ăn học đàng hoàng, con đi chuyến này kiếm một số tiền về để hy vọng đổi đời cha à!". Cháu nói và khóc rưng rức, sáng hôm sau thì cháu đi. Lúc đó, Luân mới có 2 tuổi không biết gì, còn Nhi thì khóc hết nước mắt vì nó biết mẹ đi lâu lắm mới về. Nhưng có ngờ đâu mẹ nó mãi không bao giờ về nữa", ông Xuân kể, nước mắt lưng tròng.
Từ lúc Hằng đi, ông Xuân và 2 người cháu ngoại nương tựa vào nhau mà sống bằng nghề mò cua, bắt ốc. Hôm nào khỏe thì ông bắt đầu công việc từ lúc tờ mờ sáng đến tận chiều mới về. Nhưng ông cũng chỉ kiếm được nhiều lắm từ 60.000 – 70.000 đồng để đắp đổi qua ngày.
Hơn 2 năm trước, ông Xuân bị tai biến nhưng nhờ phát hiện kịp thời nên giữ được mạng sống. Bây giờ, việc đi lại của ông hết sức khó khăn, chân tay yếu ớt, run rẩy nhưng vẫn phải bươn chải bằng mọi cách để nuôi cháu gái học lớp 10 và cháu trai vừa mới vào lớp 1. "Tiền học không được miễn giảm vì tôi không được công nhận hộ nghèo. Mấy hôm trước nhà trường nói sẽ cho thằng Luân nghỉ học nếu không đóng tiền bảo hiểm 400.000 đồng gì đó. Bây giờ, với thân già bệnh tật, tôi không biết mình cầm cự được bao lâu. Nếu một ngày nào đó tôi nhắm mắt xuôi tay thì cháu tôi không biết sẽ nương tựa vào đâu mà sống", ông Xuân buồn bã nói như tuyệt vọng.
Rồi cả 3 ông cháu cứ đau đáu nhìn theo tôi như đang trông chờ vào một điều gì đó. Trong căn phòng trọ tối tăm, vẫn vọng ra đều đều tiếng kinh cầu nghe quặn thắt.
Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết trong thời gian đại dịch Covid-19 chưa được khống chế, Chính phủ Ả Rập Saudi có quy định đối với những trường hợp lao động nước ngoài tử vong do nhiễm bệnh thì trong vòng 72 giờ nếu không hoàn tất các thủ tục pháp lý để đưa thi hài về nước thì chính quyền nước sở tại sẽ xử lý việc chôn cất theo phong tục của địa phương. Thông tin chị Hằng tử vong vì mắc Covid-19 ở Ả Rập Saudi được chính quyền địa phương tiếp nhận và chuyển đến gia đình ông Xuân sau 3 ngày chị này mất. Dù có kịp làm thủ tục pháp lý nhận thi hài thì cũng không có khả năng đưa về vì gia cảnh quá khó khăn. Trước mắt, đơn vị hỗ trợ cho gia đình của chị Hằng 5 triệu đồng để tạm thời ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, phía Công ty Nam Việt cũng phối hợp với chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên gia đình ông Xuân và hỗ trợ 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống khó khăn hiện tại. Đồng thời, cam kết sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi làm việc với chủ nhà thuê chị Hằng làm việc để nhận lại tiền lương, tài sản, tư trang của chị và hoàn tất các thủ tục cuối cùng để đảm bảo quyền và lợi ít hợp pháp của người lao động.
Bình luận (0)