Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT: Đủ quy định xử phạt
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tại khoản 12 và 13 của điều 8 nghiêm cấm một số hành vi như: bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, bấm còi hơi; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất an toàn giao thông, trật tự công cộng.
Bên cạnh đó, theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ, tại điểm i khoản 1 điều 5, quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên ô tô và các loại xe tương tự có hành vi “bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau”; đồng thời, người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy vi phạm hành vi này bị xử phạt từ 80.000 đồng đến 1 triệu đồng (điểm d khoản 2 điều 6). Như vậy, các quy định của pháp luật điều chỉnh đối với người tham gia giao thông sử dụng còi, thiết bị âm thanh không đúng quy định khi tham gia giao thông đã bảo đảm điều kiện để xử lý.
Vụ An toàn Giao thông (ATGT)kiến nghị Ủy ban ATGT quốc gia có ý kiến với Bộ Công an tăng cường xử lý hành vi vi phạm này; Bộ GTVT có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu khi kiểm định phải xử lý nghiêm đối với các phương tiện lắp thêm còi hơi hoặc âm lượng của còi lớn hơn mức cho phép.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam: Không cấp giấy đăng kiểm cho xe gắn còi khủng
Cơ quan đăng kiểm không có quyền thu hồi còi hay bất cứ vật dụng gì của xe đi đăng kiểm vì đó là tài sản của chủ xe. Cán bộ đăng kiểm chỉ kiểm tra và kết luận đạt hoặc không đạt. Khi kiểm tra mà còi không đạt tiêu chuẩn âm thanh theo quy định thì cán bộ đăng kiểm đánh giá xe không đạt và không cấp giấy đăng kiểm để lưu hành.
Khi xe lưu thông trên đường thì các lực lượng thanh tra, kiểm soát giao thông sẽ thực hiện việc kiểm soát và xử lý đối với phương tiện cố tình lắp thêm hoặc đổi còi có âm thanh lớn hơn so với còi nguyên bản của xe đã được đăng kiểm. Nhiều nước đã cấm sử dụng còi một cách liên tục hoặc gây ồn ào quá mức trong thành phố. Ví dụ, tại New York - Mỹ có thể bị phạt 350 USD vì vi phạm này. Một số nước khác quy định không được sử dụng còi hơi trong thành phố trừ trường hợp nguy hiểm.
Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP HCM: Có thể xử lý hình sự
Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng còi hơi khi lưu thông trong khu dân cư và có chế tài xử lý vi phạm hành chính về trật tự giao thông nhưng không chỉ giới hạn trong phạm vi này nếu hậu quả của việc sử dụng còi hơi là nghiêm trọng. Nếu xác định nguyên nhân bấm còi hơi gây ra việc lạc tay lái để xảy ra tai nạn đến mức nghiêm trọng như chết người hoặc thương tích nặng, từ 31% trở lên, thì hoàn toàn có thể xử lý hành vi này theo luật hình sự ở tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” tại điều 99 hay tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vi phạm quy tắc hành chính” tại điều 109 Bộ Luật Hình sự.
Đáng tiếc, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Luật Giao thông đường bộ lại không quy định xử lý tổ chức, cá nhân lắp đặt các thiết bị còi khủng. Vì vậy, phần “cung” hoàn toàn bỏ ngỏ. Đây phần nào cũng là nguồn cơn tiếp tay cho sự vi phạm của người sử dụng. Rất cần thiết phải có chế tài để ngăn chặn việc lắp đặt các thiết bị trái quy định pháp luật.
Lực lượng chức năng ít quan tâm
Ông Nguyễn Lâm, chủ dịch vụ ô tô Hạnh Lâm (quận 1, TP HCM), cho biết hằng ngày, khi các tài xế của ông chở khách trên đường luôn chứng kiến các loại xe từ ô tô chở khách cho đến ô tô chở hàng lắp còi hơi, bóp còi inh ỏi trên các tuyến đường. “Luật bất thành văn, khi nghe tiếng còi này thì tài xế vội vã né tránh vào lề đường, nếu không rất dễ xảy ra va quệt, thậm chí là tai nạn do các xe trên cố vượt. Lực lượng CSGT không lạ gì với những xe lắp còi hơi và hậu quả của nó nhưng không hiểu sao rất ít xe bị phạt” - ông Lâm nói.
Bình luận (0)