UBND TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo "nóng" gửi các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức, chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn. Chủ trương này nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là thực hiện xử lý vi phạm ra sao để thực sự hiệu quả.
Trước đó, tại cuộc họp báo cáo về kết quả bước đầu việc xử lý tiếng ồn trên địa bàn TP HCM ngày 26-4-2021, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã nêu ý kiến: "Xử lý vi phạm tiếng ồn là chuyện quá nhỏ, có gì lớn đâu. Việc nhỏ mà làm không xong thì không nên làm Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường. Việc nhỏ mà làm không xong thì làm sao làm việc lớn được".
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã có 4 quy định pháp luật để xử lý vi phạm tiếng ồn. Nếu quy định này không phù hợp thì linh động áp dụng quy định khác mà dễ áp dụng nhất là Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
"Tôi khẳng định không có gì là khó khăn ở đây mà vấn đề phải biết sử dụng quy định pháp luật nào để xử lý "- ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Nhắc lại để thấy UBND TP HCM rất quyết liệt trong việc xử lý tiếng ồn đô thị. Thế nhưng, đến nay kết quả vẫn còn rất hạn chế. Tiếng ồn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tại cộng đồng dân cư vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến khiến người dân rất bức xúc.
Xóa tình trạng ồn ào đô thị là nỗi mong chờ của người dân
"Chỗ nhà tôi đối diện FPT Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP HCM), người ta bán bông lấn ra vỉa hè và mở loa ầm ĩ "15.000 đồng 2 bó bông" từ sáng đến khuya mà có ai nói gì đâu. Tình trạng này mấy năm nay rồi"; "Ngay lúc đọc tin UBND TP HCM vừa có chỉ đạo "nóng" về xử lý vi phạm tiếng ồn thì nhà hàng xóm đang mở nhạc tưng bừng bằng dàn loa khủng"; "Xin mời ghé qua đường Bùi Viện, quận 1, TP HCM từ 7 giờ tối đến 4-5 giờ sáng. Các quán bar ở đây mở cửa từ hơn tháng trước, bất chấp lệnh tạm dừng của UBND TP, tranh nhau mở nhạc hết công suất nhưng không hề cách âm"...- nhiều bạn đọc phản ánh.
Bạn đọc Nhật Tâm bức xúc: "Không ai cấm cản hát karaoke nếu nó chỉ hoạt động trong phòng kín, đằng này mỗi lần hát là kinh động xóm giềng bởi bày ngay trong phòng khách, âm thanh thì mở hết cỡ mà cửa ra vào thậm chí không buồn đóng lại. Chưa kể là tình trạng rao hàng bằng loa. Đoạn chợ Thạch Đà, quận Gò Vấp mỗi sáng, chiều hàng mấy chục xe ba gác chở rau củ quả đứng chật hai bên đường, dùng loa rao bán hàng cực kỳ ồn ào". Bạn đọc Huỳnh Khương cũng đồng tình: "Tiếng ồn karaoke của nhà hàng xóm chừng nào mới chấm dứt đây? Tôi đã một lần phải bán nhà dọn đi vì chịu không thấu".
"Tôi đề nghị xử lý tiếng ồn bất kể thời gian nào chứ không phải trong khung từ 22 đến 6 giờ sáng hôm sau. Bởi có nhiều người vô ý thức, cho dù là nhà mình nhưng cứ thích là hát karaoke bất kể giờ giấc, hay mở tivi, mở nhạc to ầm ầm. Chịu đựng những tiếng ồn như vậy rất dễ bị stress" - bạn đọc Ngọc Thuần viết.
Bạn đọc Phạm Hoàng Yên nhận xét: "Tôi thấy gần đây cũng có chuyển biến giảm ồn ào sau 22 giờ nhưng ban ngày thì vẫn còn vô tư lắm. Cơ quan chức năng cần phạt nghiêm may ra mới có chuyển biến tích cực".
Một bạn đọc nói thẳng: "Có 2 việc ở TP HCM mà đã ra không biết bao nhiêu chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết, rồi hàng trăm hàng ngàn lượt ra quân, rốt cuộc nạn lấn chiếm lề đường, vỉa hè và tiếng ồn đô thị vẫn chưa xử lý dứt điểm. Để trị nạn tiếng ồn, quan trọng là chính quyền địa phương phải làm quyết liệt, không nể nang. Mong sao lần này sẽ trị dứt điểm được thảm họa tiếng ồn".
Dẹp nạn tiếng ồn đô thị là nỗi mong chờ của người dân bao lâu nay, mong rằng lần này TP HCM sẽ làm triệt để, kể cả việc xử lý người đứng đầu địa phương nếu để tình trạng tiếng ồn xảy ra khi người dân có phản ánh. Có như vậy mới xây dựng được niềm tin của nhân dân đối với pháp luật cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố.
Bình luận (0)