Miệt rừng Cà Mau gồm các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình nổi tiếng xưa nay vì nhiều cá đồng, nhất là vào mùa khô, ruộng đồng khô cạn nên các loài cá đồng tìm về những cái đìa (ao) để trú ngụ. Tháng giáp Tết là thời điểm người dân quê thu hoạch đìa, không khí vui tươi như trẩy hội.
Chụp đìa bắt được nhiều cá hơn
Nếu trước kia người ta bắt cá trong đìa bằng cách tát hết nước hoặc tác cạn để kéo lưới, mò, nôm… thì ngày nay người ta sáng chế ra cách chụp đìa rất hiệu quả và thú vị, vừa đỡ tốn thời gian vừa không mất nhiều công sức lại bắt được nhiều cá.
Chụp đìa rất đơn giản, trước tiên người ta dọn sạch cỏ rác trên mặt nước, rồi dùng một tấm lưới rộng hơn miệng đìa bao phủ toàn bộ mặt nước, sau đó từ từ hạ tấm lưới xuống cách đáy ao khoảng 0,5m, rồi dùng những cây tre nhỏ hay cây sậy, bẻ gập đôi lại và ghim viền lưới vào thành đìa. Sau khi ghim viền lưới vào thành đìa xong, toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới.
Thu hoạch cá đồng bằng cách chụp đìa khá dễ dàng
Do đặc tính loài cá là cứ vài phút phải ngoi lên mặt nước để thở, nên khi cá thấy ngộp sẽ men theo thành đìa, tìm chỗ hở để chui lên lấy oxy. Thời gian này người dân ngồi trên bờ uống trà, trò chuyện, khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, cá chui hết lên trên, nằm gọn trên mặt lưới, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn để không cho cá chui ngược trở xuống. Tiếp đến là kéo hai viền lưới lên ghim lại trên bờ đìa, rồi kéo lưới gom cá về một đầu đìa dùng vợt hoặc rỗ to để xúc cá lên.
Cá lóc chụp đìa nướng trui tại chỗ thì ngon tuyệt
Chụp đìa bắt được toàn cá sống, nhiều đìa mỗi lần chụp có hàng tấn cá nên người dân phải neo cá lại trong lưới để chờ thương lái đến thu mua hoặc thuê người xẻ cá làm khô, làm mắm ngay tại chỗ để dành ăn Tết và bán dần. Mắm và khô cá đồng thịt thơm ngon đặc trưng.
Đủ loại cá đồng nằm gọn trong lưới
Đặc biệt là cá bổi to bằng bàn tay chỉ riêng vùng Cà Mau mới có, đem phơi khô làm mồi nhấm rượu rất tuyệt. Người Cà Mau có một cách bảo quản cá khô rất độc đáo là đem ủ trong bồ lúa. Nhiều tháng sau đem khô ra nướng vẫn không bị ẩm mốc mà lại rất thơm.
Phân loại, kích cỡ để bán hoặc làm khô
Người dân U Minh kể rằng, thời bác Ba Phi cũng tát đìa như các nơi khác, lúc đó cá rất nhiều, đìa lại lớn, trai tráng trong xóm ra công tát mất mấy ngày trời nước đìa mới cạn. Mấy năm đầu, bác Ba Phi phải đan lưới vải để lùa đám rùa sang một góc đìa trước khi nước tát gần cạn. Thấy vậy, ông Tư Thoại, hàng xóm của bác Ba Phi nghĩ ra cách dùng lưới chụp đìa vừa đỡ tốn công tát vừa bắt được cá sạch trơn không dính một chút bùn.
Đủ loại cá đồng nằm gọn trong lưới
Từ đó, bà con trong xóm không gọi Tư Thoại nữa mà gọi là Tư Lưới để nhớ về người tạo ra giàn lưới chụp đìa cho xứ sở này. Kể từ đó, miệt bán đảo Cà Mau đã dùng lưới chụp đìa để thu hoạch cá đồng, không chỉ ở đìa mà còn chụp các kinh mương, kinh xáng ở giữa rừng U Minh…
Dùng rỗ xúc cá lên một cách tự nhiên
Cá nhiều hay ít nhờ... thầy đìa
Không rõ chuyện thực hư thế nào, song ở U Minh từ lâu đã có những người chuyên làm nghề chụp đìa để sống. Nó gắn liền với giai thoại những ông thầy đìa có biệt tài đoán cá trong ao bách phát bách trúng như những nhà ngoài cảm. Những thầy đìa Năm Điệt, Sáu Quang, Mười Thăng… chỉ cần nhìn mặt nước, tăm cá, áp tai lên thành đìa hoặc thò chân xuống nước… là đoán trúng phóc trong ao có bao nhiêu cá.
Cá bổi là sản phẩm tiêu biểu của mùa chụp đìa
Thậm chí họ còn có khả năng đoán hướng di cư của cá để chỉ chỗ cho người ta đào ao đón luồng cá. Thầy đìa Mười Thăng ở xã Khánh Bình Tây Bắc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Khoảng chục năm về trước cá còn rất nhiều nên nghề đìa làm ăn khá lắm.
Phân loại, kích cỡ để bán hoặc làm khô
Hồi ấy, mùa giáp Tết là các thầy đìa bận rộn nhất, vừa đi mua đìa, vừa được người ta thuê đi xem đìa… Bây giờ chụp đìa vẫn còn nhưng đã kém vui hơn nhiều vì không còn cảnh thầy đìa thi thố tài năng đoán cá và người dân ngày nay chỉ thuê người bắt cá lên cân bán chứ không còn bán nguyên ao chưa khai thác như trước đây nữa”.
Không khí bắt cá rất vui vẻ
Giờ đây nông dân làm lúa vụ 3, phân thuốc quá nhiều cộng với phần con người bắt cá vô tội vạ nên lượng cá đồng ngày càng ít. Nghề đìa giờ đã bị mai một và chụp đìa chỉ còn xuất hiện ở một vài nơi trong tận vùng sâu của rừng U Minh.
Bình luận (0)