Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết theo Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 6-1-1997, khu đất tại số 2 Lê Thái Tổ có chức năng là đất công trình công cộng thương mại, dịch vụ; chỉ tiêu mật độ xây dựng công trình không quá 80% và chiều cao công trình không quá 16 m. Hiện trạng khu đất do Công ty Địa chính Hà Nội lập vào tháng 2-2004 đã thể hiện vị trí khu đất là dãy nhà cấp 4 một tầng mái tôn và một số ki-ốt. Đến năm 2009, UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình xây dựng tại số 2 Lê Thái Tổ với chỉ tiêu diện tích xây dựng công trình 191,05 m2, mật độ xây dựng 79%, chiều cao công trình 4 tầng nổi và 1 tầng hầm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện xây dựng đã vấp phải ý kiến phản đối của người dân (Báo Người Lao Động từng phản ánh). Chính vì thế, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tạm dừng thi công xây dựng và giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch kiến trúc, báo TP xem xét quyết định.
Đến tháng 4-2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ của công trình xây dựng số 2 Lê Thái Tổ với diện tích xây dựng khoảng 157 m2; mật độ xây dựng không vượt quá 64,8%...
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Lâm Quốc Hùng, khẳng định vị trí khu đất xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm nằm trong vùng phụ cận của quận Hoàn Kiếm, không nằm trong phạm vi khoanh vùng di tích hồ Hoàn Kiếm. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đánh giá: “Phương án này tôi thấy là hợp lý rồi. Chỉ lưu ý là đừng để kinh doanh mà phải để nó là một công trình công cộng”.
Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc xây dựng các khối nhà quanh hồ Gươm đều là vấn đề hệ trọng, không chỉ hợp lý với cảnh quan mà còn phải hợp lòng người dân. Hồ Gươm đang ngày càng bị thu hẹp không gian công cộng, trong khi những cảnh quan văn hóa ngày càng nghèo nàn. Thế nên, việc thu hẹp không gian ở khu vực này cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. “Không có gì tốt bằng việc công khai chuyện xây dựng ở đây để xem tác động đến cảnh quan thế nào. Hà Nội cũng cần đưa việc này ra bàn thảo xung quanh việc nên lấy không gian ấy là một biểu trưng văn hóa hơn hay để làm một tòa nhà thì tốt hơn” - nhà sử học Dương Trung Quốc nói. Một hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ: Không nên có thêm một công trình xây dựng nhà tại khu vực này mà nên sử dụng khu đất đó để làm không gian công cộng.
Bình luận (0)