Trong khi cả hệ thống chính trị khẩn trương tiến hành các phương án quyết liệt để khống chế dịch bệnh; người dân động viên, kêu gọi nhau đồng lòng chống dịch thì đâu đó vẫn còn một bộ phận chưa thật sự nhận thức được tầm nguy hiểm của Covid-19, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh.
Xé biên bản, đòi thông "chốt" và hàng tá vi phạm
Cuối tuần qua, mạng xã hội xôn xao đoạn clip một người đàn ông tranh cãi với tổ tuần tra xử lý vi phạm hành chính phục vụ phòng chống dịch Covid-19 ở TP Cần Thơ. Không hài lòng việc tổ tuần tra lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hành vi ra đường không có lý do chính đáng của vợ mình, người này cầm biên bản đến xé ngay nơi tổ công tác đang làm việc.
Lực lượng CSGT Công an TP HCM kiểm tra nhiều phương tiện lưu thông trên địa bàn TP Thủ Đức đêm 26-7. Ảnh: SỸ HƯNG
Bất chấp chỉ thị về giãn cách xã hội, để né lực lượng kiểm tra, một số người dân TP Hà Nội luồn lách vào những nơi không có chốt kiểm soát, chạy bộ, đạp xe từ lúc 3-4 giờ sáng, vì tin rằng lúc này khó bị phát hiện và xử phạt.
Tại một số địa phương, có hiện tượng lén lút tụ tập, "bay lắc" trong các quán karaoke dù đã có chủ trương tạm dừng các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu để phòng dịch. Không thiếu các video ghi lại những phản ứng thái quá, lời qua tiếng lại tại các chốt kiểm soát dịch. Đáng lên án, trong lúc bộ đội biên phòng ngày đêm căng mình bảo vệ biên cương, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép thì có những cá nhân vì lợi ích trước mắt đã sẵn sàng "đưa đường dẫn lối" cho từng nhóm người vượt biên trái phép vào nước ta. Một bộ phận người dùng mạng xã hội sẵn sàng đưa tin giả, gây sốc, "câu" view, thậm chí có những phát ngôn gây chia rẽ, không cần biết hậu quả ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội thế nào khiến cuộc chiến chống dịch càng trở nên gian nan, khó khăn.
Trong bối cảnh virus còn nhiều khả năng "biến hóa" thì việc tiêm chủng không phải là giải pháp bảo vệ an toàn nếu chủ quan trong phòng chống dịch. Khi nguy cơ lây nhiễm càng lúc càng tăng cao, bất kỳ sự lơ là, sai sót nào trong trận chiến này cũng có thể dẫn đến cái giá rất đắt, được trả bằng sinh mạng và sức khỏe con người, chưa kể thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội.
Hãy đặt mình vào địa vị người khác
Theo thạc sĩ Nguyễn Uyên, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, giải pháp để nâng cao ý thức của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh hiện nay là tuyên truyền để tạo sự thẩm thấu theo quá trình và áp dụng hình thức xử phạt nghiêm, nặng để răn đe.
"Ngày nay, mạng xã hội có tốc độ phát triển rất mạnh. Cho nên về mặt truyền thông, để tuyên truyền và giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh, cần đưa những câu chuyện làm gương trong các hoạt động này để tăng độ thẩm thấu về ý thức tích cực, học theo của cộng đồng. Đồng thời, cũng đưa ra những vụ việc bị xử phạt khi người dân không chấp hành quy định để tăng tính răn đe. Khi được cung cấp nhiều thông tin chính xác, rõ ràng thì người dân sẽ có sự cân nhắc, phân tích thiệt hơn. Một khi thấy "thiệt" nhiều hơn thì họ sẽ có ý thức chấp hành. Các hình phạt nghiêm khắc, thích đáng sẽ tác động đến tâm lý và não bộ khiến con người điều chỉnh ý muốn và hành vi" - thạc sĩ Nguyễn Uyên phân tích.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP HCM) nhấn mạnh: "Chưa bao giờ việc đặt mình vào địa vị người khác lại quan trọng đến như vậy. "Vắc-xin ý thức" cần được nuôi dưỡng từ tất cả mọi người, trong sự đồng lòng quyết tâm chống dịch. Chẳng hạn, người cán bộ thực thi nhiệm vụ đặt mình vào vị trí người dân để hiểu rõ trường hợp nào cần nghiêm khắc, trường hợp nào thật sự có lý do chính đáng cần cảm thông; không nên hành xử máy móc, rập khuôn, chỉ theo mệnh lệnh hành chính. Đối với người dân, không nên vì một vài hành xử chưa chuẩn mực của một vài cá nhân thực thi công vụ mà mất lòng tin, không hợp tác, cản trở người thi hành công vụ, gây hại cho mình và cộng đồng, ví dụ cự cãi qua lại là tạo thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Những việc làm không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch dù ở phía nào cũng cần được chấn chỉnh kịp thời".
Theo thạc sĩ Trần Hương Giang - cán bộ dự án nghiên cứu Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, trong tình huống cấp bách như hiện nay, bên cạnh các chính sách, cần có quy định cụ thể để lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch có cách ứng xử phù hợp với từng tình huống; cung cấp thông tin chính xác để người dân nhận diện đúng và đủ những khó khăn, thách thức mà mọi người đang phải đối mặt để họ tự giác gác lại một số quyền lợi, nhu cầu riêng, hướng đến mục tiêu chung là ưu tiên đối phó với đại dịch.
Bình luận (0)