Tại Điều 72 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng BHXH, thì mỗi năm đóng sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Nhiều ý kiến cho rằng sự chênh lệch này gây thiệt thòi cho những người lao động tham gia BHXH từ sớm. Phó chủ tịch Công đoàn tại một doanh nghiệp giày da có hàng chục ngàn lao động tại tỉnh Đồng Nai cho biết người lao động tại công ty ông đều đi làm từ khi mới 18-20 tuổi, quá trình lao động và đóng BHXH của họ rất dài. Nếu họ làm việc đến lúc nghỉ hưu, đặc biệt là sau khi nâng tuổi nghỉ hưu thì hầu hết lao động sẽ đạt tỉ lệ lương hưu tối đa và có thời gian đóng BHXH vượt khung trước tuổi hưu.
"Tuy nhiên dự thảo luật quy định thời gian đóng vượt khung trước tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng bằng 0,5 tháng lương/năm đóng vượt còn thời gian đóng vượt khung sau độ tuổi nghỉ hưu lại được tính cao hơn nhiều lần (bằng 2 tháng lương cho mỗi năm đóng vượt). Điều này khiến người lao động tham gia BHXH sớm băn khoăn và họ sẽ tính cách có lợi hơn đó là tìm cách rút BHXH cho thời gian đầu sau đó trở lại hệ thống BHXH một lần nữa"- vị này phân tích
Từ vấn đề trên, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng không nên có sự phân biệt giữa cách tính trợ cấp một lần khi nghỉ hưu mà chỉ nên áp dụng một mức tính đối với thời gian đóng vượt. Mặt khác, đa số ý kiến đề xuất tăng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu nên được tính bằng mức hưởng BHXH một lần nhằm khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH suốt quá trình lao động.
Bình luận (0)