"Một chính phủ lâm thời sẽ điều hành Bangladesh trong thời gian tới" – Tướng Waker-Uz-Zaman, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, tuyên bố và nhấn mạnh – "Quân đội sẽ mang lại hoà bình cho đất nước".
Tướng Waker-Uz-Zaman kêu gọi người dân Bangladesh tin tưởng vào quân đội, kiên nhẫn và chấm dứt mọi hành vi bạo lực và phá hoại.
"Chúng tôi cũng sẽ đảm bảo công lý được thực thi" – ông cam kết, thêm rằng – "Chúng tôi đã mời đại diện từ tất cả các đảng phái chính trị lớn trong nước, họ đã chấp nhận lời mời của chúng tôi và cam kết hợp tác với chúng tôi".
Động thái diễn ra khi nữ Thủ tướng Hasina từ chức và lên một chiếc trực thăng của Không quân Bangladesh để tới Ấn Độ hôm 5-8. Máy bay chở bà Hasina đã hạ cánh tại Căn cứ Không quân Hindon gần New Delhi - India Today cho hay.
Một phụ tá nói với Al Jazeera ngày 5-8 rằng nhà lãnh đạo lâu năm của Bangladesh phải tháo chạy sau khi đám đông biểu tình phớt lờ lệnh giới nghiêm toàn quốc để xông vào dinh thủ tướng ở thủ đô Dhaka.
Tình trạng hỗn loạn xảy ra trong bối cảnh khoảng 300 người đã thiệt mạng trong nhiều tuần biểu tình mà chính quyền tìm cách trấn áp.
Sau khi tin tức nữ Thủ tướng 76 tuổi từ chức được lan truyền, đông đảo người dân Bangladesh đã đổ ra đường với tâm trạng hân hoan.
Đám đông vui vẻ vẫy cờ, một số người nhảy múa trên nóc xe tăng trên đường phố, trước khi hàng ngàn người xông qua cổng dinh thự chính thức của bà Hasina.
Channel 24 của Bangladesh phát sóng hình ảnh đám đông chạy vào dinh thự, vẫy tay ăn mừng trước máy quay. Thậm chí xảy ra cả cảnh cướp bóc đồ đạc và sách, trong khi một số người khác nằm trên giường trong dinh thự của bà Hasina.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Irene Khan cho biết quân đội Bangladesh đang phải đối mặt với "một nhiệm vụ rất khó khăn".
"Tất cả chúng tôi đều hy vọng rằng quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra trong hòa bình và sẽ có trách nhiệm làm rõ mọi hành vi vi phạm nhân quyền đã diễn ra" – bà Irene Khan nói với Al Jazeera.
Theo hãng tin Reuters, bất ổn khắp Bangladesh nổ ra sau khi sinh viên tức giận phản đối hạn ngạch việc làm trong chính quyền, trong đó có 30% dành cho gia đình của những người đấu tranh giành độc lập khỏi Pakistan.
Bình luận (0)