Nhóm thứ nhất là vấn đề quản lý. Việc tổ chức hoạt động và quản lý các tuyến cao tốc trên thực tế có lúc có nơi chưa chặt chẽ, kịp thời, khoa học.
Có tình trạng đường cao tốc bị hư hỏng hoặc xuống cấp theo thời gian nhưng chậm được sửa chữa; hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông không rõ ràng hoặc thiếu hụt; vấn đề xử lý thoát nước do thiết kế hoặc sự cố cũng có thể gây ra tình trạng ngập úng trên đường, làm giảm tầm nhìn và gây trơn trượt.
Ngay cả việc thu dọn các vật rơi trên đường không kịp thời cũng khiến chúng trở thành vật gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý và giám sát giao thông đôi lúc cũng có những hạn chế nhất định, như không xử lý kịp thời các sự cố, tai nạn, ùn tắc...
Việc không có mặt của CSGT hoặc nhân viên kiểm tra có thể làm giảm sự tuân thủ các quy định giao thông. Trên một số tuyến, hệ thống camera giám sát và các công nghệ giúp phát hiện và xử lý vi phạm có thể chưa được triển khai đầy đủ...
Nhóm thứ hai chính là ý thức chấp hành luật giao thông. Vấn đề vi phạm tốc độ và văn hóa giao thông trên đường cao tốc hiện nay rất đáng nói. Một số tài xế chạy không đúng tốc độ quy định, tránh vượt không hợp lý, giữ khoảng cách không an toàn, không tuân thủ biển báo, dừng đỗ trái phép...
Đặc biệt, tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp vẫn thường diễn ra nhưng ít bị xử lý. Ngoài ra, thỉnh thoảng có hiện tượng người đi bộ, xe máy đi vào đường cao tốc, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.
Nhóm thứ ba là các yếu tố khách quan. Mưa lớn, bão, sương mù đều có thể ảnh hưởng khả năng kiểm soát xe và tầm nhìn. Ngoài ra, một số rủi ro khác như sạt lở đất, ngập nước, đốt đồng gây khói mù, súc vật chạy ngang đường...
Để giảm thiểu các rủi ro này, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường tuyên truyền về an toàn giao thông, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý giao thông là rất quan trọng.
Đặt biển báo rõ ràng, dễ đọc và ở vị trí hợp lý; cập nhật và duy trì các tín hiệu giao thông một cách hợp lý; bảo đảm đủ ánh sáng vào ban đêm; lắp đặt hệ thống camera giám sát; lắp đặt các hệ thống cảnh báo tự động...
Bên cạnh đó, cần bố trí lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời bảo đảm tình hình giao thông ổn định.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc tuyên truyền về luật giao thông, kỹ năng lái xe an toàn, cung cấp thông tin và hỗ trợ cho tài xế không quen thuộc với đường cao tốc hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm. Triển khai các kế hoạch ứng phó để xử lý các tình huống khẩn cấp khác.
Bình luận (0)