Thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 819.560 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số tiền đầu tư đạt khoảng 721.284 tỉ đồng, tăng 10% nhưng tổng doanh thu phí thị trường nhân thọ là 70.256 tỉ đồng, giảm 9,8%.
Doanh thu, lợi nhuận đều giảm
Công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 là Dai-ichi Life Việt Nam với doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 9.200 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 và lãi sau thuế giảm hơn 170 tỉ đồng, còn 1.100 tỉ đồng.
Trong khi đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cho biết cơ quan này vẫn tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng. Trong quý I/2024, cơ quan đã tiếp 8 lượt người tại trụ sở, nội dung công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan việc một số công ty bảo hiểm bán bảo hiểm qua kênh đối tác ngân hàng không đúng quy định của pháp luật.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho hay doanh thu bảo hiểm năm 2024 có thể giảm nhưng dài hạn doanh nghiệp (DN) bảo hiểm sẽ có được lượng khách hàng ổn định khi số lượng nhân viên tư vấn được đào tạo về trình độ và đạo đức nghề nghiệp ngày càng nhiều. "Trước đây có khoảng 700.000 đại lý bảo hiểm nhưng sắp tới, con số này sẽ giảm khoảng 50%, chỉ còn vài ba trăm ngàn đại lý bảo hiểm nhưng đều là những người có chuyên môn cao thay vì "làm màu" như vài năm trước. Các công ty bảo hiểm cũng đang tập trung cải tiến theo quy định mới của Luật Bảo hiểm áp dụng từ năm 2024. Quy định mới của luật rất chặt chẽ, hướng đến nâng cao việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Điều đó giúp người dân tin tưởng hơn vào bảo hiểm nhân thọ" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, ngành bảo hiểm nhân thọ đang dần khởi sắc trở lại nhờ DN bảo hiểm tích cực thay đổi quy trình nghiệp vụ, cải thiện bộ hợp đồng dễ hiểu, minh bạch, công cụ tra cứu, nâng cấp sản phẩm… Dự báo từ năm 2025 trở đi, DN bảo hiểm nhân thọ sẽ phát triển mạnh và bền vững.
Theo TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), để có thể phát triển bền vững, tránh những "sụt giảm" bất ngờ và tác động mạnh như năm 2022, ngành bảo hiểm nhân thọ cần nhìn nhận đúng vấn đề và thay đổi. Cụ thể, tình trạng nhân viên tư vấn bảo hiểm chưa đạt chất lượng vẫn tồn tại, dẫn đến người mua không hiểu cặn kẽ, mơ hồ về quyền và nghĩa vụ, nên bị thua thiệt khi tranh chấp. Vì thế, DN phải thiết lập các tiêu chuẩn tuyển dụng, đào tạo và quy trình kiểm soát chất lượng tư vấn mang tính thực chất, để xây dựng niềm tin dài hạn từ khách hàng.
Theo một chuyên gia lĩnh vực bảo hiểm, cơ quan chức năng cần phân cấp rõ ràng từng khung năng lực, áp dụng tiêu chuẩn và chứng chỉ hành nghề đối với từng nhân viên, đại lý bảo hiểm. "Việc này sẽ giúp thị trường bảo hiểm hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, người mua được tư vấn và mua đúng giá trị sản phẩm, hiểu biết của mình" - chuyên gia này nói.
"O bế" người tiêu dùng
Bà Lê Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty TNHH Smart Life Việt Nam - chuyên về tư vấn tài chính cho DN và cá nhân, cho rằng nhân viên tư vấn bảo hiểm cần giới thiệu sản phẩm phù hợp nhu cầu của từng đối tượng trong từng thời điểm thay vì bất chấp chạy theo chỉ tiêu. Theo bà, các DN bảo hiểm bên cạnh đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên tư vấn, cần liên tục phổ cập những thay đổi trong chính sách pháp luật nhằm tăng tính minh bạch của thị trường này.
Ở góc độ DN trong ngành, bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam, cho biết công ty liên tục đào tạo nhân viên, đồng thời xây dựng ứng dụng (app) cho tư vấn viên để đơn giản hóa quy trình, lắng nghe ý kiến từ các đại lý nhằm giải quyết công việc tốt hơn. Trong quý IV/2024, DN sẽ có thêm hệ thống lắng nghe tất cả ý kiến từ khách hàng nhằm tạo thành văn hóa lấy khách hàng làm trọng tâm.
Tương tự, Dai-ichi Life Việt Nam cũng liên tục cải tiến, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ, chú trọng đầu tư công nghệ số để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Cụ thể, Dai-ichi Life Việt Nam đã ra mắt dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tiếp; đồng thời liên kết trực tiếp với hơn 260 bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế trong và ngoài nước để mở rộng hệ thống cung cấp dịch vụ bảo lãnh viện phí nội trú và ngoại trú cho khách hàng.
Vay vốn vẫn phải mua bảo hiểm?
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (sửa đổi) nghiêm cấm "tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức".
Dù vậy, theo phản ánh của một số khách hàng vay vốn tín dụng, vay mua nhà, nhân viên ngân hàng vẫn "khuyến khích" hoặc "mời ủng hộ" mua bảo hiểm để có lãi suất ưu đãi hoặc giải ngân nhanh chóng hơn. Chị Ngọc Thy (ngụ quận 12, TP HCM) kể mới đây chị có hỏi một ngân hàng thương mại vay vốn để trả nợ khoản vay mua nhà tại ngân hàng khác. "Nhân viên ngân hàng nói bên cạnh các hồ sơ thủ tục thông thường, có mời thêm tôi mua một gói bảo hiểm nhân thọ gần 20 triệu đồng năm đầu tiên. Họ cũng giải thích là không bắt buộc mà "mời mua ủng hộ" nhưng gần như không thể từ chối" - chị Thy nói.
Ghi nhận của phóng viên, hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) tại nhiều ngân hàng thời gian gần đây đã trầm lắng hẳn sau giai đoạn 2 năm thị trường này gặp khủng hoảng.
L.Giang
Bình luận (0)