xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo hiểm nhân thọ: Nhiều dư địa, lắm thách thức

NGUYỄN HẢI - LINH ANH

Ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nhưng đang loay hoay lấy lại niềm tin của khách hàng

Hơn nửa năm từ sau vụ diễn viên Ngọc Lan than khóc vì bị bảo hiểm tư vấn mập mờ khiến cô phải đóng tiền mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đến 90 năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ bắt đầu "gặp nạn".

Ngay sau đó là hàng loạt vụ khiếu nại khách hàng tố bị nhân viên tư vấn sai để "biến" tiền gửi tiết kiệm thành gói sản phẩm bảo hiểm khiến thị trường này rơi vào khủng hoảng.

Lần đầu tiên sụt giảm

Thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận được nhiều đơn khiếu nại của bạn đọc phản ánh những bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Như ông Vũ Hồng Thành (ngụ quận 10, TP HCM) tố nhân viên tư vấn bảo hiểm không trung thực khi nói chỉ cần đóng 100 triệu đồng/năm và đóng liên tục 7 năm, sẽ nhận được 700 triệu đồng với lãi suất lên tới 11%-15%/năm và được bảo hiểm mà không đề cập phí bảo hiểm. Nhưng thực tế lại không hề đúng như vậy.

Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là tình trạng ép mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn hoặc gửi tiền ngân hàng khiến nhiều người bức xúc Ảnh: TẤN THẠNH - LAM GIANG

Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là tình trạng ép mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn hoặc gửi tiền ngân hàng khiến nhiều người bức xúc .Ảnh: TẤN THẠNH - LAM GIANG

Hay một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) bức xúc vì nhân viên ngân hàng (liên kết với công ty bảo hiểm) tư vấn chị rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào 2 sản phẩm có tên gọi "quỹ đầu tư cố định và quỹ đầu tư linh hoạt", với những lời hứa hẹn lãi 10%-12%/năm, gửi trong 5 năm có thể hoàn lại gốc và lãi, có thể rút ra bất cứ lúc nào... Tuy nhiên, khi có nhu cầu rút ra không những chị không được hưởng lãi mà còn bị mất tiền.

Tương tự, chị Lương Thị Huế Ngân (quê ở Long An) cũng bị nhân viên ngân hàng tư vấn sai, dụ dỗ chuyển từ gửi tiền tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ với những lời có cánh như: sản phẩm mới "rất an toàn, không có rủi ro", từ năm thứ 2 trở đi có thể rút tiền linh hoạt bất cứ lúc nào mà không tốn phí, 5 năm là được rút cả gốc lẫn lãi từ 12%-15%/năm...

Tin tưởng, chị Ngân đã đóng tổng cộng 400 triệu đồng nhưng thực tế muốn rút không hề dễ còn đóng tiếp thì vợ chồng chị không đủ khả năng.

"Tôi là nội trợ, chồng lái xe đang thất nghiệp nhưng họ (nhân viên tư vấn - PV) ghi là kinh doanh bất động sản thu nhập 300 triệu đồng/tháng còn chồng thu nhập 100 triệu đồng/tháng để dễ làm hồ sơ bán bảo hiểm" - chị Ngân than.

Bà Lý Thị Thu Thủy, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, cho biết năm 2023 ngành bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ. Xuất phát từ khủng hoảng truyền thông dẫn đến khủng hoảng về niềm tin của người tiêu dùng đối với bảo hiểm nhân thọ.

Trong 10 tháng năm 2023, tổng doanh số của ngành bảo hiểm nhân thọ giảm 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 127.000 tỉ đồng.

"Đây là lần đầu tiên trong 20 năm phát triển, ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm. Để ngành bảo hiểm nhân thọ tốt lên cần phải xây dựng lại niềm tin từ khách hàng" - bà Thủy nói.

Buộc phải điều chỉnh

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh cho biết bên cạnh lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới giảm mạnh, tỉ lệ hủy bỏ hợp đồng cao, đặc biệt ở những công ty có hợp tác bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Nhiều ngân hàng trước đây rất mạnh về thị phần và nguồn thu bảo hiểm cũng bị sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Điều này cho thấy khó khăn chung của thị trường bảo hiểm cũng liên quan và tác động đến ngành ngân hàng.

Để chấn chỉnh tình trạng bát nháo trên thị trường bảo hiểm nhân thọ và hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Theo bà Lý Thị Thu Thủy, Thông tư 67 có nhiều thay đổi trong hoạt động dịch vụ, xây dựng sản phẩm, tính phí sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm liên kết đầu tư sẽ có rất nhiều thay đổi trong cơ cấu chi phí trong kênh phân phối. Như tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Bên cạnh đó, Thông tư 67 cũng bổ sung yêu cầu về tài liệu trong các hợp đồng đối với DN bảo hiểm. Theo đó, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có thời gian dài, có giá trị hoàn lại, DN có trách nhiệm cung cấp tài liệu tóm tắt cho người mua và có xác nhận bên mua giúp người mua bảo hiểm dễ đọc, dễ hiểu về quyền và nghĩa vụ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Các DN bảo hiểm nhận xét Luật Kinh doanh bảo hiểm mới và Thông tư 67 sẽ giúp thị trường tốt hơn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Điển hình như quy định về cắt giảm chiết khấu đối với đại lý, phí quản lý hoạt động bảo hiểm sẽ làm cho lực lượng này giảm đi vì họ không còn được hưởng hoa hồng cao lên đến 40%-50% như trước.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), cho rằng Luật Bảo hiểm mới và Thông tư 67 sẽ tác động lớn đến thị trường bảo hiểm, buộc các DN bảo hiểm phải điều chỉnh chính sách để phù hợp với quy định mới.

"DN phải điều chỉnh lại quy trình bán hàng, cơ chế, chính sách của mình, giảm hoa hồng năm đầu tiên xuống còn 30% và năm thứ hai tăng lên 20%.

Điều này sẽ tác động đến thị trường bảo hiểm và đội ngũ bán hàng nên DN bảo hiểm cần phải truyền thông đầy đủ những điểm tích cực của chính sách này để họ yên tâm bán hàng, tư vấn sản phẩm bảo hiểm" - ông Dũng cho hay. 

Cần tiếp tục hoàn thiện

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh nhận định việc các cơ quan quản lý ráo riết vào cuộc nhanh chóng bảo vệ quyền lợi khách hàng, thực hiện thanh kiểm tra và đang tiếp tục chấn chỉnh quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm... là cần thiết.

Điều này sẽ làm những "con sâu làm rầu nồi canh" khó tồn tại, khách hàng sẽ tiếp tục có niềm tin vào thị trường bảo hiểm.

Sau giai đoạn khó khăn, thị trường sẽ tốt hơn và phát triển lành mạnh hơn. "Dù trải qua hơn 20 năm kể từ khi DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam, thị trường này vẫn còn khá non trẻ và cũng cần có thời gian mới có thể hoàn thiện và phát triển" - chuyên gia Huỳnh Trung Minh nói.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo