Ông Đặng Dương Minh Hoàng - chủ trang trại 50 ha trồng cao su, hồ tiêu và bơ ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước - cho biết rất muốn mua bảo hiểm cho trang trại, mức phí khoảng dưới 5% doanh thu hằng năm để phòng ngừa rủi ro trong sản xuất nhưng không công ty nào bán. "Dù chúng tôi ứng dụng công nghệ cao nhưng chỉ hạn chế phần nào ảnh hưởng do thời tiết như cây đổ ngã vì gió lốc. Hạn hán hiện nay cũng khiến năng suất cây trồng giảm rất nhiều" - ông lo ngại.
Cung - cầu chưa gặp nhau
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận (chuyên trồng keo ở tỉnh Quảng Nam), cho hay địa phương thường xuyên xảy ra bão lớn. Năm 2020, một cơn bão đã gây ngã đổ rừng keo, chủ rừng phải cho người dân khai thác để lấy đất trồng lại.
"HTX đã lập quỹ hỗ trợ rủi ro. Theo đó, mỗi chủ rừng sẽ đóng góp từ 200.000 - 400.000 đồng/ha; trường hợp gặp thiên tai, ngã đổ hư hại từ 30% sẽ được quỹ chi trả gấp 10 lần số tiền đã đóng để tái sản xuất" - ông Dương cho biết.
Mới đây, lần đầu tiên HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận ký hợp đồng mua bảo hiểm nông nghiệp là sản phẩm "chỉ số bão" của Bảo hiểm Bảo Minh cho 150 ha rừng keo, mức phí 2,5 triệu đồng/ha/năm (gói vàng, hỗ trợ tối đa 75%). Theo ông Dương, mức phí này không lớn trong chi phí sản xuất. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) là đơn vị tài trợ thực hiện gói bảo hiểm năm đầu tiên, kèm theo việc hỗ trợ kỹ thuật cho HTX.
Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nêu thực tế việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp gần đây đã thuận lợi hơn do nhiều nông dân, nhất là người sản xuất lớn, nhận thấy sự cần thiết của việc tham gia bảo hiểm. Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp.
Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho rằng bảo hiểm nông nghiệp còn thiếu sự liên kết giữa các tổ chức tín dụng, người dân và DN bảo hiểm. Người dân chưa có các khoản tài chính dành cho chi phí dự phòng và quản lý rủi ro, sản xuất còn manh mún. Trong khi đó, rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cao nên có ít DN bảo hiểm tham gia vào mảng này. Các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp trên thị trường mới dừng ở thí điểm theo đối tượng và khu vực.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo Minh, nêu thực tế việc chào bán sản phẩm khó khăn do nông dân chưa có thói quen mua bảo hiểm. "Tâm lý chung của nông dân khi mua bảo hiểm là nếu có thiệt hại xảy ra phải được bồi thường. Tuy nhiên, nguyên tắc của ngành bảo hiểm là không bao trùm hết các rủi ro nên không phải trường hợp nào cũng được bồi thường. Ngoài ra, việc xác định giá trị bồi thường dựa theo đánh giá thiệt hại phải mất nhiều thời gian cũng khiến bên mua ngán ngại" - ông giải thích.
Ông Vũ Tử Quân, Phó Giám đốc phụ trách Ban Bảo hiểm Tài sản - Kỹ thuật Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, nêu thêm lý do là mỗi khi gặp sự cố thiên tai hay dịch bệnh, nông dân thường trông chờ các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác hơn là bảo hiểm. Hiện có ít DN tham gia bảo hiểm nông nghiệp vì tính chất rủi ro cao, nguy cơ thua lỗ lớn trong khi chi phí nhiều (chi phí quản lý, truyền thông, triển khai nghiệp vụ mới)…
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Theo ông Vũ Tử Quân, để khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, ngoài nỗ lực của DN bảo hiểm, cần có sự tham gia, đồng lòng của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Do thu nhập của nhiều hộ nông dân rất thấp nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh tăng khung hỗ trợ phí bảo hiểm và các đối tượng được hưởng chính sách này. Đồng thời, cần có thêm chính sách hỗ trợ các DN bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ.
Trong thời gian tới, Bảo Việt tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu và tối đa hóa lợi ích của người tham gia.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết Bảo Minh đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vật nuôi, cây trồng, thủy sản và bảo hiểm cây lúa do thiên tai. Thế nhưng, việc triển khai chưa đạt như mong muốn, tỉ lệ đóng góp của mảng này chỉ chiếm khoảng 1%.
"Bảo Minh hợp tác cùng nhiều đối tác, cải tiến công nghệ để đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025, mảng bảo hiểm nông nghiệp sẽ đóng góp 5% doanh thu công ty" - ông Ngọc Anh kỳ vọng.
Bảo hiểm Agribank cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về kế hoạch triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank, công ty đang nghiên cứu và phát triển các sản phẩm quản lý rủi ro, phục vụ đề án phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn và đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.
Bảo hiểm Agribank cũng đã triển khai thí điểm bảo hiểm trâu, bò thịt và trâu, bò giống tại Đắk Lắk, Bến Tre. Người mua bảo hiểm này được hỗ trợ một phần phí bảo hiểm từ ngân sách của Chính phủ; được bồi thường trong trường hợp vật nuôi chết trực tiếp do các nguyên nhân như thảm họa tự nhiên (sét đánh, bão lũ, thời tiết lạnh, sương giá), dịch bệnh (lở mồm, long móng, tụ huyết trùng)...
Cần đi vào thực chất
"Vua chuối" Võ Quan Huy (Long An) - đang sở hữu khoảng 1.000 ha đất làm nông nghiệp tại nhiều địa phương - chỉ ra những rủi ro lớn trong sản xuất nông nghiệp là thiên tai, dịch bệnh và giá cả.
Lâu nay, giá cả nông sản biến động rất lớn nhưng không có sản phẩm bảo hiểm nào dành cho vấn đề này. Còn về thiên tai, dịch bệnh thì thời gian qua, các DN bảo hiểm đã thí điểm vài gói sản phẩm nhưng một số đã thất bại vì thiết kế chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát chưa tốt khiến hãng bảo hiểm bị thua lỗ.
Bình luận (0)