Trung Quốc ngày 15-9 chuẩn bị đối phó bão Bebinca đang tiến vào khu vực bờ biển đông dân cư ở phía Đông nước này. Theo Tân Hoa Xã, Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ ngập lụt tại TP Thượng Hải và các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, An Huy.
Chính quyền TP Thượng Hải đã kêu gọi người dân tăng cường đề phòng tác động của bão đối với công việc trên cao, giao thông, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Theo Reuters, nhà chức trách thành phố này đã hủy các sự kiện ngoài trời và yêu cầu các tàu ở lại cảng. Ngoài ra, hơn 600 chuyến bay ra - vào TP Thượng Hải đã bị hủy.
Cảnh báo về bão Bebinca được đưa ra khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ Tết Trung thu kéo dài 3 ngày (từ 15 đến 17-9). Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc đề nghị các quan chức phải "chú ý chặt chẽ đến diễn biến của cơn bão" giữa lúc hàng triệu người dự kiến đi nghỉ lễ.
Cùng ngày, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo nguy cơ sạt lở đất gia tăng do mưa lớn trên đảo Amami sau khi bão Bebinca đi qua nơi này đêm 14-9 (giờ địa phương) với sức gió lên đến 180 km/giờ.
Tại Philippines, bão Bebinca đã khiến 6 người thiệt mạng và ít nhất 2 người mất tích tại khu tự trị Bangsamoro và bán đảo Zamboanga. Theo Tân Hoa Xã, Hội đồng Quản lý và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia Philippines cho biết bão này buộc gần 14.000 người đi sơ tán, ảnh hưởng đến hơn 200.000 người tại gần 300 ngôi làng. Cơn bão cũng đã gây hư hại cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, cầu cống và nhà cửa.
Trong khi đó, truyền thông Myanmar ngày 15-9 đưa tin số người thiệt mạng vì lũ lụt ở nước này đã tăng lên 74, trong lúc 89 người mất tích. Ngoài ra, 235.000 người phải rời bỏ nhà cửa sau khi mưa lớn do bão Yagi ảnh hưởng đến thủ đô Naypyidaw và các vùng Mandalay, Magway, Bago, cùng với các bang Shan, Mon, Kayah và Kayin.
Theo Reuters, chính quyền Myanmar ngày 14-9 đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ nước này ứng phó tình hình lũ lụt nghiêm trọng.
Sau khi gây thiệt hại cho nhiều nước Đông Nam Á, Yagi được dự báo có thể ảnh hưởng đến Ấn Độ. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) ngày 14-9 ban hành cảnh báo màu cam tại khu vực Delhi và các vùng xung quanh trong 4-5 ngày tới. Lý do là tàn dư bão Yagi có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và chuyển hướng về phía Delhi, gây mưa từ ngày 17 đến 20-9.
Tại châu Âu, nhiều nước cũng đang chịu thiệt hại do tác động của bão Boris. Theo tờ The Washington Post ngày 14-9, ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng trăm người được sơ tán khi bão Boris mang theo mưa to quét qua Romania. Tổng thống Romania Klaus Iohannis nhận định tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt tại châu Âu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Tại Cộng hòa Czech, mực nước sông đã đạt đến mức nguy hiểm ở hàng chục khu vực ngày 14-9, gây ngập lụt một số thị trấn và ngôi làng. Mưa gió to cũng khiến hơn 63.000 hộ gia đình mất điện trong lúc cảnh sát cho biết 4 người mất tích tại thị trấn Lipova-Lazne.
Cùng ngày, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết phần lớn đất nước này đang bị ảnh hưởng bởi mưa lớn hoặc tuyết rơi dày. Nhà lãnh đạo này nhận định tình hình "rất nghiêm trọng"; cảnh báo người dân và các dịch vụ khẩn cấp sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong những ngày tới.
Trong khi đó, tại Ba Lan, ít nhất 1 người thiệt mạng, hàng ngàn người sơ tán và thị trấn Klodzko bị ngập một phần vào ngày 15-9. Còn tại Đức, theo đài CNN, các bang phía Nam và phía Đông đang chuẩn bị cho tình trạng lũ lụt.
Nam Mỹ "khó thở" vì cháy rừng
Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Inpe (Brazil) cho biết toàn bộ 13 quốc gia Nam Mỹ từ đầu năm đến nay ghi nhận tổng cộng 346.112 điểm nóng cháy rừng, vượt qua con số kỷ lục 345.322 điểm của cả năm 2007. Theo dữ liệu của Inpe, chỉ tính riêng từ đầu tháng đến nay, Brazil và Bolivia hứng chịu nhiều vụ cháy rừng nhất, tiếp đến là Peru, Argentina và Paraguay.
Giới khoa học khẳng định phần lớn đám cháy do con người gây ra, song nắng nóng gia tăng do biến đổi khí hậu đang khiến lửa lây lan nhanh hơn. Kể từ năm ngoái, Nam Mỹ đã hứng chịu hàng loạt đợt nắng nóng. "Chúng tôi không cảm nhận được mùa đông" - chuyên gia Karla Longo của Inpe nói về thời tiết ở TP Sao Paulo - Brazil trong những tháng qua.
Mặc dù đang là mùa đông ở Nam bán cầu, nhiệt độ tại Sao Paulo vẫn duy trì trên 32 độ C kể từ ngày 7-9, theo Reuters. Trong khi đó, Trung tâm Giám sát và Cảnh báo thiên tai Brazil cho biết đợt hạn hán bắt đầu từ năm ngoái đã trở thành đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận.
Theo bà Longo, lửa từ các đám cháy ở rừng Amazon tạo ra lượng khói đặc biệt lớn, nhất là ở những khu vực có mật độ cây dày đặc. Chuyên gia này cho biết khoảng 9 triệu km2 của Nam Mỹ, tức hơn 50% diện tích châu lục này, có những thời điểm bị khói bao trùm. Sao Paulo vào đầu tuần rồi ghi nhận chỉ số chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới - theo trang theo dõi chất lượng không khí IQAir.com.
Tương tự, thủ đô La Paz - Bolivia cũng bị khói bao trùm. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Research: Health cho biết việc tiếp xúc khói cháy rừng góp phần gây ra trung bình 12.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở Nam Mỹ.
Cao Lực
Bình luận (0)