Hội thảo, vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu làm tốt công tác đưa người lao động ra nước ngoài
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề và thời hạn hợp đồng khác nhau. Trong điều kiện bình thường, mỗi năm Việt Nam đưa trên 140.000 người ra nước ngoài làm việc. Trong thời gian dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đưa hàng chục ngàn lao động ra nước ngoài làm việc. 10 tháng năm 2023, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã hoàn thành vượt mục tiêu cả năm khi đưa 132.645 lao động đến các nước, vùng lãnh thổ làm việc theo hợp đồng.
Có được thành quả trên, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) dịch vụ, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 là cú hích về hành lang pháp lý cho hoạt động XKLĐ.
Hiện lao động Việt Nam chủ yếu đến làm việc tại các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Hungary, Romania, Ba Lan, Ả Rập Saudi... Một số thị trường chất lượng cao như: Đức, Cộng hòa Czech, Úc, New Zealand, Canada, Hy Lạp, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)... cũng được Bộ LĐ-TB-XH tích cực xúc tiến để NLĐ Việt Nam sang làm việc.
Trong khi đó, Chính phủ 2 nước Hàn Quốc, Nhật Bản đang tích cực thay đổi chính sách để thu hút lao động nước ngoài, trong đó đặc biệt ưu đãi cho NLĐ Việt Nam. Cơ quan hữu trách ở các thị trường mới như: Hy Lạp, Úc, Canada, CHLB Đức... đã có những cuộc làm việc với Bộ LĐ-TB-XH để tăng cường hợp tác, tuyển dụng lao động Việt Nam.
Do đó, trong thời gian tới, cánh cửa để NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc sẽ rộng mở, có nhiều sự lựa chọn, đa dạng ngành nghề, thu nhập cao và ổn định, đời sống và quyền lợi của NLĐ cũng sẽ bảo đảm hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ. Đó là tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo ra nước ngoài làm việc chiếm phần lớn nên những công việc mà NLĐ Việt Nam làm chủ yếu là lao động phổ thông, do đó thu nhập của NLĐ nhận được chưa tương xứng với công sức bỏ ra; công tác tuyển dụng, đào tạo trước khi phái cử lao động nhiều nơi thực hiện chưa tốt khiến NLĐ thiếu định hướng, vi phạm quy định trong hợp đồng lao động và pháp luật nước sở tại.
Ngoài ra, chi phí NLĐ phải bỏ ra để tham gia XKLĐ còn khá cao so với hoàn cảnh của họ nên nhiều người phải vay mượn, cầm cố tài sản; hoạt động cho NLĐ vay vốn đi XKLĐ còn một số bất cập về thủ tục và thời điểm giải ngân bất hợp lý; NLĐ tiếp cận nguồn tin chính thống về hoạt động XKLĐ còn hạn chế, thiếu thông tin dẫn đến việc nhiều người bị lừa đảo...
Chính vì điều đó, Báo Người Lao Động sẽ tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả XKLĐ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước". Hội thảo quy tụ các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và DN trong ngành, cùng nhau tìm giải pháp phát triển bền vững hoạt động đưa NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27-12 tại trụ sở của Báo Người Lao Động, số 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
Bình luận (0)