Không thể phủ nhận các mạng xã hội như TikTok, Facebook… đang là "mỏ vàng" cho các doanh nghiệp (DN) khai thác quảng bá dịch vụ, sản phẩm. Nhưng gần đây, nhiều tài khoản cá nhân liên tục đăng video quảng bá các chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) cung cấp thông tin chưa chính xác, có dấu hiệu lừa đảo.
Đủ chiêu trò
Thất nghiệp về quê được 3 tháng nay, chị Hà Thị Tuyết (33 tuổi, tỉnh Quảng Trị) tìm hiểu chương trình đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, do Quảng Trị chưa ký kết hợp tác với địa phương Hàn Quốc nên chị không thuộc diện được đi lao động thời vụ.
Lướt TikTok, chị Tuyết thấy có một tài khoản giới thiệu sang Hàn Quốc làm thời vụ, không phân biệt tuổi tác, địa phương và chi phí cũng rất rẻ. Gọi theo số điện thoại có trong video, chị Tuyết được hướng dẫn vào TP HCM để làm thủ tục. "Khi tôi hỏi mức phí thì họ báo trọn gói 65 triệu đồng trong khi tôi tìm hiểu thì chỉ tốn hơn 20 triệu đồng. Đã vậy, họ còn bảo đặt cọc 10 triệu trước để lên danh sách sớm nên tôi thấy không ổn" - chị Tuyết kể.
Anh Thạch Huy (25 tuổi, Trà Vinh) cũng suýt bị lừa khi tin lời chào mời của một tài khoản ảo trên TikTok. Huy cho biết bạn bè nhiều người rủ nhau đi XKLĐ nhưng bản thân gia đình khó khăn nên hơn năm nay anh ở nhà phụ gia đình để dành tiền dự kiến sang năm sẽ đi. Đầu tháng 11, Huy lên TikTok giải trí thì được gợi ý xem một video tư vấn đi châu Âu làm việc lương cao với chi phí thấp. Thấy mình phù hợp nên Huy nhắn tin để tham khảo. "Họ nói chỉ cần sức khỏe, không cần học tiếng, chi phí trọn gói là 35 triệu đồng. Tôi hỏi địa chỉ công ty để nộp hồ sơ thì họ nói trụ sở ở Hà Nội, nên chỉ cần làm việc qua điện thoại là được. Tôi tham khảo ý kiến vài người bạn thì được khuyên không nên chuyển tiền vì khả năng lừa đảo rất cao" - anh Huy chia sẻ.
Không may mắn như anh Huy và chị Tuyết, vợ chồng chị T.T.L. - anh H.V.C. (quê Lâm Đồng) bị lừa hơn 70 triệu đồng chỉ vì không tìm hiểu kỹ. Mới lập gia đình và có nhu cầu đi XKLĐ nên cặp vợ chồng trẻ này thường xuyên lên mạng xã hội tìm hiểu cơ hội sang Canada làm việc. Sau đó họ được một đối tượng thông tin tỉnh bang Quebec (Canada) đang có doanh nghiệp muốn bảo lãnh cho hai vợ chồng sang làm trang trại. Tin tưởng, vợ chồng anh C. nhanh chóng nộp hồ sơ và đóng cọc 3.000 USD để được ưu tiên xét duyệt - theo lời tư vấn. Ngay sau khi nhận tiền, đối tượng đã biến mất không dấu vết, vợ chồng anh C. mất trắng số tiền tiết kiệm.
Người lao động nên trực tiếp đến các doanh nghiệp uy tín khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động
Nhận diện lừa đảo
Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó trưởng Phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết hiện tượng lừa đảo XKLĐ qua không gian mạng có dấu hiệu gia tăng. Nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã sử dụng các ứng dụng mạng xã hội, xây dựng cả những website nhìn khá chuyên nghiệp để thu hút NLĐ có nhu cầu.
Các đối tượng này thường xuyên đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường, như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Ba Lan, Úc, New Zealand, Đức, Hy Lạp… để lừa đảo. Sau khi tư vấn cho NLĐ, các đối tượng này yêu cầu NLĐ đóng tiền để hưởng chính sách khuyến mãi hoặc để được đi sớm hơn. Các tài khoản nhận chuyển khoản thường là tài khoản cá nhân. Sau khi nhận tiền, NLĐ sẽ bị chặn liên lạc, kẻ lừa đảo sẽ biến mất không dấu vết.
Để tránh bị lừa đảo, ông Tuấn khuyến cáo NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tìm hiểu. Tuyệt đối không tin tưởng vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm trên các website, Facebook, Zalo, TikTok không chính thống. Tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan đến công việc và chưa gặp trực tiếp tại trụ sở công ty dịch vụ.
Luật sư Nguyễn Thị Phương, Công ty Luật TNHH Minh Khuê, cho rằng độ tuổi của NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ là từ 18 đến 30 tuổi. Đây là nhóm tuổi sử dụng mạng xã hội nhiều và thường xuyên nên các đối tượng lừa đảo tận dụng tối đa các nền tảng này để thu hút NLĐ. Thông thường, các đối tượng này sẽ giả danh các công ty XKLĐ uy tín trên thương trường rồi "tung chiêu" chi phí rẻ, tiêu chuẩn thấp, bao đậu, bao đi...
Theo luật sư Phương, để nhận diện và phân biệt đâu là thông báo tuyển dụng chính thức, đâu là lừa đảo, NLĐ cần kiểm tra theo các bước. Đầu tiên phải tìm hiểu thật kỹ công ty mà NLĐ muốn sử dụng dịch vụ để đi XKLĐ. Phải xem công ty đó có đầy đủ chức năng hay không, có giấy phép hay không, có đủ cơ sở vật chất để đào tạo, bồi dưỡng NLĐ trước khi phái cử hay không. Tiếp theo, NLĐ nên yêu cầu người tư vấn cung cấp giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của công ty và của cả nhân viên tư vấn. Sau đó NLĐ cần tham khảo các thông tin chính thống của các tờ báo uy tín để biết thêm về thị trường lao động mà mình muốn đến làm việc. Trong đó xem kỹ về chương trình XKLĐ, điều kiện tuyển dụng, công việc, mức lương và chi phí.
Bình luận (0)