Sáng 8-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc bố trí vốn của năm 2025. Bởi theo ông, khi Quốc hội thông qua chương trình đã là tháng 11-2024. Tháng 12-2024 thì bố trí vốn, khi xong thủ tục thì hết năm 2025.
"Tôi thấy không thể tiêu được đồng nào. Nếu mà bố trí được đã rất khó khăn, làm sao tiêu được 400 tỉ đồng này trong 2025, cả vốn trung ương và vốn địa phương"- ông Định nói.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem xét lại việc đề xuất trong năm 2025 tập trung khung chính sách để chuẩn bị đầu tư. Ông cho rằng khó có thể làm được, bởi khung chính sách như 3 chương trình mục tiêu quốc gia làm 2 năm mới xong.
"Tôi đồng ý bố trí vốn 2025, nhưng bố trí được không và có tiêu được không? Nó phải khả thi, chứ giờ nói cho vui, nói cho hay thì dễ lắm" - Phó Chủ tịch QH nói.
Ông Nguyễn Khắc Định cho rằng 5 năm tới phải là giai đoạn phát triển văn hóa, trong đó tập trung vào ngành không cần dùng nhiều ngân sách. Bởi có rất nhiều thứ không cần dùng nhiều ngân sách nhà nước mà chúng ta vẫn phát triển được. Đồng thời tập trung vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, lấy văn hóa nuôi văn hóa.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nên giảm bớt vấn đề xây dựng bởi tiền bỏ ra xây không biết bao nhiêu cho đủ. "Xây xong không phát huy hiệu quả thì không nên xây. Bảo tàng, di tích cần tôn tạo, nhưng xây thêm, xây hoành tráng ra rồi bỏ không đấy"- ông Định lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng tình với quan điểm cần tập trung vào ngành không cần dùng nhiều ngân sách và dẫn chứng phố cổ Hội An (Quảng Nam) không đầu tư nhiều tiền ngân sách nhưng vẫn thu hút đông khách đến ăn uống du lịch, nghỉ ngơi, tạo thương hiệu trong và ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng Việt Nam có nhiều nơi như phố cổ Hội An cần phải nghiên cứu để nhân rộng cách làm. Do đó, ông đề nghị Chương trình cần chú ý đến văn hóa cơ sở và nhận định văn hóa cơ sở là việc "không tiền mà có thể làm được" như mô hình ngày hội đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc thời gian qua rất hay.
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng. Trong đó gồm vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp ít nhất là 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).
Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025-2035 và chia làm 3 giai đoạn với 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể.
Bình luận (0)