Ngay trong chiều và tối 6-9, dù tâm bão còn cách xa nhưng Hà Nội đã đón cơn mưa giông rất lớn, gió giật khủng khiếp khiến cây xanh trên nhiều tuyến đường gãy đổ làm chết 1 người và bị thương 1 người. Cơ quan khí tượng cảnh báo mưa giông sẽ tiếp tục lan rộng rất nguy hiểm do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi).
Thực hiện mọi biện pháp an toàn
Bão số 3 trước khi vào vịnh Bắc Bộ mạnh cấp siêu bão (cấp 16) với gió mạnh nhất lên tới 201 km/giờ. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, qua thống kê, chưa có cơn bão nào đi vào biển Đông, mạnh lên thành cấp siêu bão mà ảnh hưởng đến Việt Nam. Như vậy có thể thấy bão Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên biển Đông. Điều ông Khiêm lo ngại là gió mạnh, sóng lớn và mưa sau bão kích hoạt lũ quét, gây sạt lở đất, ngập lụt.
Để ứng phó bão số 3, tất cả tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã ra lệnh cấm biển để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và vùng ven biển. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng cấm biển từ 11 giờ ngày 6-9; Thái Bình, Nghệ An từ 5 giờ ngày 6-9; Nam Định cấm biển từ 6 giờ ngày 6-9; Ninh Bình từ 15 giờ ngày 5-9; Thanh Hóa cấm biển từ 12 giờ ngày 6-9; Nghệ An cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 5 giờ ngày 6-9.
Các tỉnh ven biển Bắc Bộ từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã sơ tán và lên kế hoạch sơ tán cho hơn 43.000 người. Sở GD-ĐT các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa sáng 6-9 đã thông báo cho tất cả trẻ mầm non và học sinh nghỉ học. Trong đó, Thái Bình, Nam Định cho nghỉ ngày 6 và 7-9, còn lại cho nghỉ ngày 7-9. Các trường học phải theo dõi chặt diễn biến của bão, cử người trực 24/24, giữ liên hệ với cơ quan chức năng và lực lượng cứu hộ để kịp thời ứng phó nếu có sự cố. Riêng tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa yêu cầu không tổ chức bất kỳ hoạt động giáo dục nào đến ngày 8-9. Những trường có học sinh nội trú cần bảo đảm an toàn cho các em, chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống.
Để chủ động ứng phó với bão theo tinh thần "tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người", tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành văn bản chỉ đạo cũng như đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chuẩn bị ứng phó bão trên địa bàn toàn tỉnh. Quảng Ninh đã dừng các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chống bão, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành và địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ gây thiệt hại về người và tài sản.
Sáng 6-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn TP trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão. Ông Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.
Ứng phó trước, trong và sau bão
Theo ông Mai Văn Khiêm, từ đêm 6-9 và gần sáng 7-9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Nơi đón gió mạnh cấp 6 đầu tiên trên đất liền nhiều khả năng là khu vực Móng Cái của Quảng Ninh. Thời điểm gió mạnh nhất là từ trưa đến tối 7-9.
Về mưa, từ nay đến ngày 9-9, Bắc Bộ, Thanh Hóa mưa phổ biến 100-350 mm, có nơi trên 500 mm. Vùng mưa lớn sẽ dịch dần từ Đông sang Tây theo quỹ đạo của bão. Trong đó, mưa phía Đông Bắc Bộ xảy ra vào ngày và đêm 7-9, Tây Bắc Bộ mưa nhỏ hơn, tập trung từ tối mai đến đêm 8-9.
"Chúng tôi đánh giá vùng ven bờ, đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng ở cấp độ rủi ro thiên tai thứ 4 với cảnh báo khả năng thiệt hại lớn về người, tài sản, công trình hạ tầng, gây đình trệ kinh tế - xã hội, môi trường bị phá hủy để lại hậu quả lâu dài khó hồi phục. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa rủi ro thiên tai cấp độ 3" - ông Mai Văn Khiêm nhận định.
Khi bão chưa vào, mọi người cần thực hiện nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương, chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh, neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn; sơ tán người dân khỏi các chòi canh, nuôi trồng thủy hải sản. Một điều cần lưu ý là trước khi bão đến sẽ vẫn có mối nguy hiểm do mưa giông trước bão, trong cơn giông có thể gây gió giật mạnh như gió trong bão.
Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình - những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão Yagi - cần tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to, gió lớn.
Các tỉnh, thành phố, vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình nhà tạm. Ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo chính quyền địa phương cần tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không bảo đảm an toàn - việc này phải thực hiện kiên quyết. "Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên người dân không nên chủ quan, cần tiếp tục đề phòng" - ông Khiêm cảnh báo.
Chuẩn bị vật tư sinh tồn
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy lượng khách đến mua tại các chợ dân sinh, hệ thống siêu thị ở Hà Nội và một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão như Hải Phòng, Quảng Ninh… tăng vọt từ 200% - 300% so với ngày thường, với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, rau quả, mì gói... tăng mạnh.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3. Trong đó, chỉ đạo các sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn... các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn đã tăng cường dự trữ các hàng hóa, nhu yếu phẩm như gạo, mì ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), bảo đảm phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai.
Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu. Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương).
Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời. Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối (Saigon Co.op, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart...) lượng khách đến mua hàng từ tối 5-9 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.
Bộ Công Thương đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn nhưng các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước. Hiện, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.
Tạm dừng khai thác 4 sân bay
Chiều 6-9, Đoàn công tác của Cục Hàng không Việt Nam đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại sân bay quốc tế Nội Bài (TP Hà Nội). Bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng không dân dụng tại các sân bay thuộc khu vực Bắc Bộ bao gồm sân bay quốc tế: Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi và sân bay Thọ Xuân. Theo ước tính sơ bộ, bão Yagi có thể ảnh hưởng đến khoảng 240 chuyến bay nội địa và 70 chuyến bay quốc tế.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng đã quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại các sân bay nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Yagi trong ngày 7-9. Theo đó, tại sân bay Vân Đồn, tạm ngừng từ 4-16 giờ, sân bay Cát Bi tạm ngừng từ 5-16 giờ, sân bay Nội Bài tạm ngừng từ 10-21 giờ, sân bay Thọ Xuân tạm ngừng từ 12-22 giờ ngày 7-9.
D.Ngọc
Sẵn sàng nguồn điện dự phòng
Ngày 6-9, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) về công tác ứng phó với cơn bão số 3.
Nhận định cơn bão có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống điện với mức gió mạnh và lượng mưa lớn trên diện rộng ở khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan phối hợp với NSMO để sẵn sàng nguồn dự phòng nếu sự cố xảy ra; phối hợp cùng với các đơn vị viễn thông chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt; thực hiện điều độ mức nước tại các hồ thủy điện... với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm hệ thống điện được vận hành, an toàn, lưới điện truyền tải liên tục.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch NSMO, đơn vị đã rà soát công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai như: Hệ thống ứng phó khẩn cấp, nguồn điện tự dùng, Hệ thống SCADA, thông tin liên lạc, phương án phòng chống thiên tai cho trụ sở, sẵn sàng nguồn lực trang thiết bị, phương tiện vật tư để nhanh chóng khắc phục kịp thời sự cố có thể xảy ra là ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện, thị trường điện...
Ngành điện chủ động chuẩn bị "bốn tại chỗ" gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó hiệu quả với cơn bão số 3, kể cả bão đổ bộ cũng như là hoàn lưu của bão.
L.Thúy
Bão đổ bộ vào Đông Bắc Bắc Bộ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo 7 giờ ngày 7-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,7 độ vĩ Bắc; 108,4 độ kinh Đông, trên vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 150 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ. Đến 19 giờ ngày 7-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,3 độ vĩ Bắc; 106,4 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ.
Trước đó, ngày 6-9 bão số 3 đã đổ bộ vào bờ biển tỉnh Hải Nam - Trung Quốc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão duy trì ở mức 234 km/giờ. Hơn 400.000 cư dân đã được sơ tán khỏi Hải Nam vào sáng cùng ngày. Cục Khí tượng tỉnh Hải Nam cho biết mực nước biển sẽ dâng cao từ 1,5 - 2,3 m dọc theo khu vực bờ biển phía Bắc của đảo Hải Nam đến trưa 7-9 trong khi Hải Khẩu được dự báo sẽ ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn. Hoạt động tại nhiều điểm du lịch đã tạm hoãn trong khi các biện pháp kiểm soát giao thông đã được thực hiện tại tỉnh Hải Nam.
Theo tờ Independent, bão Yagi dự kiến suy yếu khi di chuyển vào đất liền nhưng sẽ tiếp tục di chuyển đến miền Bắc Việt Nam, gây mưa lớn ở Lào và ảnh hưởng đến Thái Lan vào cuối tuần này. Trong khi đó, Cục Khí tượng Thái Lan cũng cảnh báo miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan sẽ có mưa lớn và gió mạnh trong ngày 7 và 8-9 do ảnh hưởng rìa bão Yagi. Các khu vực ven biển dọc theo biển Andaman và vịnh Thái Lan cũng sẽ có mưa. Các tàu thuyền nhỏ được khuyến cáo neo đậu dọc theo cả hai bờ biển cho đến ngày 8-9 do biển động.
V.Duẩn - X.Mai
Bình luận (0)