Thời gian qua, để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và góp ý, phê bình, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, Đảng và Nhà nước đã ban hành, triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định liên quan việc bảo vệ người tố cáo, đấu tranh và bước đầu đạt nhiều kết quả. Ngoài Luật Tố cáo được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2018, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 27-CT/TW ngày 10-1-2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Sổ tay điện tử Xây dựng Đảng được Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1, TP HCM đưa vào sử dụng để nhanh chóng phổ biến các chủ trương của Đảng tới cơ sởẢnh: PHAN ANH
Tuy nhiên, công tác này có lúc, có nơi vẫn còn một số hạn chế như: để lộ lọt thông tin người tố cáo; người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm... Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo đôi khi chưa được quan tâm.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp, thậm chí cả cán bộ, đảng viên, có tâm lý e dè, ngại va chạm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Điều này dẫn đến tình trạng không ít đơn thư tố cáo, tố giác liên quan các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nặc danh hoặc mạo danh.
Nguyên nhân là do cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu, ở một số nơi chưa quan tâm đến công tác này. Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể.
Công tác giải quyết tố cáo trong một số trường hợp còn kéo dài; có biểu hiện bao che người bị tố cáo. Việc kiểm tra, thanh tra, điều tra để phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo đôi lúc chưa được coi trọng, trong khi hành vi trả thù, trù dập người tố cáo ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Mới đây, ngày 17-1-2025, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 231-QĐ/TW về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải kịp thời chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền các thông tin đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện bảo mật thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với công tác bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Quy định 231 được ban hành cho thấy việc bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày càng được chú trọng. Để công tác này đạt hiệu quả cao, các cấp ủy Đảng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, khuyết điểm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra hành vi trả thù, trù dập người tố cáo hoặc bao che hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bên cạnh đó, kịp thời động viên, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo.
Bình luận (0)