Trong đợt không khí lạnh ở miền Bắc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ. Một trong những nguyên nhân là do thói quen tắm khuya.
Không nên tắm đêm
Bệnh nhân Đ.V.Đ (45 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sau khi tắm khuya dù không có tiền sử bệnh gì trước đó. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông Đ. bị xuất huyết não với khối máu lớn, buộc phải mở hộp sọ để giải ép áp lực não. Hiện bệnh nhân đang điều trị tích cực, tiên lượng rất nặng.
Một trường hợp khác 42 tuổi, ở Hải Dương cũng bị đột quỵ sau tắm đêm. Dù được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện giờ thứ 3, được hồi sức cấp cứu tích cực nhưng do tổn thương chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu, hết khả năng cứu chữa.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu, làm tăng huyết áp mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, tắm khuya - một thói quen phổ biến ở Việt Nam đang trở thành nguyên nhân gây nhiều trường hợp đột quỵ đáng tiếc.
Theo các bác sĩ, việc tiếp xúc với lạnh là yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự gia tăng đột quỵ não, bao gồm cả đột quỵ chảy máu não và đột quỵ nhồi máu não. Tình trạng co thắt mạch máu, có mạch ngoại vi và tăng huyết áp đột ngột thoáng qua sau khi tiếp xúc với lạnh có thể gây vỡ mạch máu não, gây đột quỵ xuất huyết não. Điều này lý giải cho hiện tượng đột quỵ xuất huyết não thường cao nhất vào ngày đầu tiếp xúc với lạnh. Khi nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến hình thành cục máu đông.
Trong khi đó, thời tiết lạnh mà hanh khô mùa đông - xuân cũng là yếu tố thuận lợi khiến nhiều loại virus gây bệnh đường hô hấp bùng phát cao, lây lan, trong đó có bệnh cúm. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B. Ngoài ra, cảm lạnh cũng là bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột hoặc lạnh kéo dài. Cảm lạnh thông thường phần lớn là do virus, chủ yếu là nhóm Rhinovirus và Enterovirus gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp khi hít phải những giọt bắn có chứa virus do người bệnh ho, hắt hơi… Biểu hiện của bệnh cảm lạnh bao gồm các triệu chứng như: Ngứa họng, đau rát họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, ho, hắt hơi, đau đầu, đau mỏi người, ớn lạnh, có thể có sốt nhẹ. Dù dấu hiệu ban đầu khá giống cúm nhưng cảm cúm là bệnh do các virus cúm gây ra với các biểu hiện dồn dập và diễn tiến nhanh hơn cảm lạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, với người bị bệnh cúm phần lớn bệnh đỡ dần và hồi phục. "Tuy nhiên, cũng có trường hợp diễn biến nguy kịch, thậm chí dẫn đến tử vong. Với những người có các bệnh nền như suy giảm miễn dịch, ghép tạng hoặc bị bệnh phổi, bệnh tim mạn tính nên đến bệnh viện khi nhiễm cúm" - BS Cấp cảnh báo.
Đề phòng ngộ độc, bỏng
Trước tình trạng thời tiết cực đoan với nền nhiệt giảm sâu ở nhiều tỉnh, thành phố, mới đây, Bộ Y tế có công văn đề nghị các địa phương hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Theo Bộ Y tế, vào mùa lạnh, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như: cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu... Nguyên nhân chủ yếu do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh, cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, Bộ Y tế khuyên không nên tắm sau 22 giờ; không tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng; sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể. Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ hằng ngày; súc miệng bằng nước ấm có pha chút muối loãng giúp sát trùng cổ họng và hạn chế viêm họng.
Những người phải làm việc ngoài trời lạnh cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm. Đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp. Khi ra ngoài trời lạnh, nhất thiết phải mặc ấm, đặc biệt cần giữ ấm cổ và ngực. Trong lúc lao động, nếu thấy người nóng lên thì nên cởi bớt áo dần. Để dự phòng nhiễm độc khí CO trong nhà, tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.
Không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi…) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi, nguy cơ bỏng và cháy cao. Khi sử dụng chăn điện phải kiểm tra kỹ trước khi sử dụng đề phòng hư hỏng, bảo đảm cách điện và cách nhiệt của dây.
Giữ ấm cơ thể
Bộ Y tế khuyến nghị người dân hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau. Khi ra ngoài, nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn gió lùa. Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh. Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu, bia, đặc biệt là người dân ở vùng miền núi cần chú ý vì uống rượu làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong.
Bình luận (0)