Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó", lừa khách hàng đi các tỉnh giáp ranh TP HCM để bán đất dự án, đất tự phân lô, thu tiền trái phép gần đây tái diễn. Những người nhẹ dạ hoặc lần đầu đi mua nhà đất đã bị sập bẫy các đối tượng, ôm đất tiền tỉ ở nơi "khỉ ho cò gáy", không biết khi nào mới bán được.
Quảng cáo không trung thực
Do có nhu cầu mua đất nền ở TP HCM, anh Thanh (quận Bình Tân, TP HCM) lướt tìm trên mạng và thấy thông tin quảng cáo dự án đất nền ngay khu dân cư An Lạc thuộc phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân với thông tin rất hấp dẫn như diện tích 52-200 m2 mỗi nền giá 2-3 tỉ đồng, sổ riêng, thanh toán 50% còn lại trả góp 12 tháng không lãi suất, hỗ trợ vay ngân hàng 70%, mua 1 nền chiết khấu 1 cây vàng, mua 2 nền tặng xe SH…
"Để chắc ăn, tôi đề nghị được đến dự án để tìm hiểu thì họ hướng dẫn lòng vòng, sau hẹn tôi sáng chủ nhật đến gần khu Aeon Mall (Bình Tân) để họ đưa đi xem cho tiện. Trước khi đi, nhân viên này còn dặn tôi mang theo 50 triệu đồng đặt cọc để được chiết khấu, nhận quà. Khi tới điểm hẹn, nhân viên mới nói đất dự án trên tới 5-6 tỉ đồng/nền, chứ không có 2-3 tỉ đồng như quảng cáo. Thay vào đó, những nhân viên khác thay nhau giới thiệu với khách một dự án khác ở Cần Đước, Long An giá chỉ hơn 2 tỉ đồng và đề nghị tôi lên xe để họ chở đi xem đất. Do chỉ có nhu cầu mua đất ở TP HCM và thấy họ nói không đúng sự thật nên vợ chồng tôi không đi. Tôi còn hỏi tại sao lại lừa dối khách hàng thì họ trắng trợn bảo: Phải rao vậy để câu khách" - anh Thanh kể lại.
Đất nông nghiệp ở các tỉnh thường bị các doanh nghiệp phân lô rồi rao bán ở TP HCM
Cũng lướt trên mạng xã hội để tìm mua đất, anh Minh (nhà quận 8, TP HCM) thấy thông tin rao bán đất nền dự án ở mặt tiền đường góc Trần Phú - Nguyễn Tri Phương (quận 5) nhưng giá chỉ 21-25 triệu đồng/m2 nên anh Minh liên lạc tìm hiểu. "Người đăng tin giới thiệu đây là dự án của Tập đoàn Đại Phúc (Đại Phúc Land) đang triển khai và sắp mở bán, hẹn tôi cuối tuần đi xem đất. Vì thấy nghi ngờ nên tôi tìm hiểu thêm biết được không có dự án phân lô, bán nền nào ở vị trí nói trên mà là dự án cao ốc một tập đoàn lớn đang triển khai" - anh Minh chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, khẳng định hiện tại ngoài dự án Vạn Phúc City mà đơn vị này đang triển khai ở TP Thủ Đức thì tập đoàn hoàn toàn không còn dự án nào khác. Nếu có doanh nghiệp nào lấy tên Đại Phúc Land là mạo danh.
"Việc nhái thương hiệu hay mạo danh các thương hiệu uy tín nếu tiếp tục kéo dài sẽ làm cho khách hàng hoang mang, thật giả lẫn lộn, thị trường phát triển không lành mạnh, gây thiệt hại cho các bên, đặc biệt cho những doanh nghiệp lớn, uy tín và mất niềm tin của khách hàng. Đây được xem là hành vi cố tình lừa đảo khách hàng, cần có biện pháp can thiệp mạnh của các cơ quan chức năng" - bà Hương bức xúc.
Tung chim mồi lừa đảo
Không tỉnh táo như những trường hợp nói trên, chị T. (ngụ quận 7, TP HCM) đã liên hệ với Báo Người Lao Động để kể lại sự việc chị bị chở lên tận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai để mua đất nền giá tới 1,7 tỉ đồng trong khi ý định ban đầu của chị là tìm mua nhà ở TP HCM.
Vài tuần trước, chị T. lên mạng thấy có thông tin rao bán nhà nhỏ chỉ tầm 900 triệu đồng ở quận 7 nên liên lạc để tìm hiểu. Người đăng thông tin tên Vy cho biết nhà đang bị cầm cố ở ngân hàng bên TP Thủ Đức nên phải qua đó làm thủ tục đấu giá. Đến nơi, chị T. không gặp Vy mà hết người này đến người kia tìm mọi cách thuyết phục chị lên xe đang chờ sẵn ngay đường Song Hành (TP Thủ Đức) để đi xem đất tận Đồng Nai cùng với nhiều khách hàng khác.
Trên xe cứ mở nhạc xập xình như hội chợ, tất cả rèm cửa đều đóng kín. Mỗi khách có một hoặc hai nhân viên tư vấn đi theo nói huyên thuyên về tiềm năng tăng giá của dự án phân lô. Sau khi tư vấn, những nhân viên này liên tục hối thúc xuống cọc để được chiết khấu, khuyến mãi tặng vàng, tặng xe. Có nhân viên còn hứa chắc như bắp: "Tới nơi nếu anh/chị không ưng, em trả lại phí giữ chỗ".
Thấy khách hàng liên tục "xuống cọc" kèm những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn của nhân viên tư vấn, chị T. đồng ý đặt cọc 50 triệu đồng cho mảnh đất trị giá 1,7 tỉ đồng nằm cách xa TP HCM cả trăm cây số.
Về nhà suy nghĩ lại, chị T. quyết định không mua miếng đất và chấp nhận bỏ cọc nhưng nhân viên của công ty nói trên liên hệ nói có người ở Hà Nội muốn mua lại miếng đất của chị với giá chênh lệch 120 triệu đồng với điều kiện chị phải thanh toán 70% để công ty ra hợp đồng mua bán rồi hai bên mới tiến hành giao dịch. Người khách đồng ý chuyển tiền cọc 100 triệu đồng để công ty giữ, sau khi mua bán xong sẽ trừ lại. "Thấy có lời nên tôi đồng ý thanh toán 70% giá trị miếng đất, tương đương 1,1 tỉ đồng. Thế nhưng sau khi đóng xong thì người khách ở Hà Nội viện cớ hết tiền, rằng tài khoản của chồng đang bị phong tỏa, nên không có tiền mua đất nữa và chịu mất cọc" - chị T. thuật lại.
Bức xúc vì biết mình bị lừa, chị đến công ty đòi lại số tiền đã đóng nhưng không được. May mắn là chị tìm được chứng cứ cho thấy vị khách ở Hà Nội kia cùng những vị khách đi trên xe xem dự án đều là "chim mồi" do công ty cài vào để dẫn dụ chị và một vài người khách xuống tiền mua đất. Thu thập đầy đủ chứng cứ, đem tới công ty với quyết tâm đòi lại số tiền đã đóng nếu không sẽ tố cáo ra công an thì công ty mới "xuống nước" trả lại tiền cho chị.
"Sau khi tôi làm dữ, đưa ra các bằng chứng chứng minh họ gài bẫy, lừa đảo thì họ mới đồng ý trả lại tiền nhưng yêu cầu tôi không được cung cấp thông tin cho báo chí, công an. Nhưng tôi không thể làm ngơ vì còn rất nhiều người đang bị hại, vì không am hiểu và không có chứng cứ nên chưa lấy được tiền" - chị T. chia sẻ.
Đại diện một doanh nghiệp môi giới lý giải tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó", lừa đảo khách mua đất vùng ven tái diễn sau một thời gian lắng dịu, là do ăn theo các cơn sốt đất xuất hiện từ đầu năm. Các chủ đầu tư dự án ở vùng sâu, vùng xa thường hợp tác những đơn vị môi giới kém uy tín, bày trò dẫn dụ khách hàng, ăn tiền môi giới rồi "mất tích", phủi trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường bất động sản.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP HCM - cho biết tất cả hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị môi giới đều có chế tài xử lý, như xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đưa vào kinh doanh các sản phẩm bất động sản khi chưa đủ điều kiện; không công khai hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin dự án và sản phẩm bất động sản...
Bên cạnh đó, còn có các biện pháp xử phạt bổ sung như đình chỉ kinh doanh bất động sản trong một thời hạn nhất định, thậm chí trường hợp các cá nhân cố tình lừa dối khách hàng, thông tin sai sự thật để khách hàng mua sản phẩm không đúng cam kết, kèm theo dấu hiệu chiếm đoạt số tiền của khách hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm có thể bị phạt tù đến chung thân theo điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong trường hợp có đủ cơ sở có thể bị truy tố về tội quảng cáo gian dối thì bị phạt tiền nếu gian dối về hàng hóa, dịch vụ, bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này cao nhất đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 5 năm…
Người mua cần tỉnh táo
Theo luật sư Trần Minh Cường, để tránh tình trạng lừa đảo trên thị trường bất động sản, nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa về luật, cụ thể là chế tài đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm theo hướng tăng nặng hình phạt. Đồng thời quy trách nhiệm và xử lý đối với UBND cấp xã, huyện và cơ quan quản lý chuyên ngành. Cùng với đó là khuyến cáo nhà đầu tư, khách hàng nên tỉnh táo, tìm hiểu rõ khi đầu tư vào dự án quá rẻ. Phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản chính hoặc bản sao có chứng thực để kiểm tra đối chiếu các hồ sơ dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt và nên hỏi những người có chuyên môn, luật sư về dự án mình sắp mua. Trong trường hợp nghi ngờ nên hỏi những người có chuyên môn, liên hệ ngay cơ quan quản lý như xã, huyện hay phòng, ban chuyên ngành để có thông tin cụ thể.
Bình luận (0)