Toạ đàm "Hai kịch bản từ đề xuất đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2"
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) tại cuộc toạ đàm "Hai kịch bản từ đề xuất đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2" diễn ra tại Hà Nội sáng 7-9.
Ông Phụng phân tích hiện nay các thông tin về thị trường bất động sản (BĐS) chưa được công khai minh bạch và liên thông. Giữa cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan thuế chưa có liên thông về dữ liệu nhà đất. Ví dụ về thuế hạn mức sử dụng đất phi nông nghiệp, mặc dù Việt Nam đang thực hiện Chính phủ điện tử nhưng cơ quan thuế vẫn không có được dữ liệu từ cơ quan tài nguyên môi trường, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước thì nói với nhau rất khó. Chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp mới được áp dụng 6-7 năm, nên có đủ dữ liệu tổng kết, từ đó nhận thấy có gì chưa hợp lý thì sửa đổi. Cách làm như vậy sẽ chắc chắn và hiệu quả hơn.
"Đặt vấn đề đánh thuế nhà thứ 2, nhà thứ 3 khi dữ liệu thông tin về tài sản nhà, đất chưa có thì đánh thuế không thể công bằng. Không quản lý được thì đánh thuế không đúng mục tiêu. Chỉ khi quản lý được hãy đưa ra mục tiêu đánh thuế, còn quản lý không được mà đưa ra là gây xáo trộn thị trường. Trong trung hạn, năm 2017-2018 chưa có ai đặt vấn đề đánh thuế căn nhà thứ 2 vì để ra một đạo luật phải có quy trình ban hành văn bản rất chặt chẽ, trong quá trình đó phải thu thập ý kiến người dân, nếu được sự đồng thuận cao mới đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trình Quốc hội thông qua"- ông Phụng nói.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, nêu quan điểm không thể không đánh thuế BĐS nhưng vấn đề là phải làm thế nào. Nếu đánh thuế nhà thứ 2 là giết chết thị trường nhà cho thuê. Khi đó, người thuê nhà sẽ phải gánh thêm thuế và đây là những người có thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà, phải ở nhà thuê. "Tôi tìm hiểu kinh nghiệm thế giới được biết các nước đánh thuế cho tất cả BĐS chứ không phân biệt nhà thứ nhất, nhà thứ 2 mới bảo đảm sự phát triển ổn định của thị trường BĐS. Nếu đánh thế theo nhà thứ nhất, thứ 2, chủ nhà có diện tích 1.000m2 không phải đóng thuế nhưng người có 2 nhà, mỗi nhà 50m2 lại phải đóng thuế là bất công. Hơn nữa mà đánh giá từng trường hợp là rất phức tạp"- ông Hải nói.
Là nhà đầu tư BĐS, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường, lấy ví dụ thực tiễn: nhu cầu nhà ở của Việt Nam rất khủng khiếp. Tập đoàn Nam Cường gần như thứ 7 nào cũng mở bán từ sáng đến 20 giờ, khi nhân viên bán hàng về hết rồi, văn phòng tắt đèn nhưng khách hàng vẫn đến xem nhà, đứng bên ngoài nhìn vào. Từ thực tế này, nhà hoạch định chính sách phải biết đang đối mặt với sức ép nhà ở khổng lồ. Việc đưa ra chính sách đánh thuế nhà ở thứ 2 trở đi sẽ không làm giảm nhu cầu mua nhà khổng lồ của người dân mà vô tình đi siết van nhu cầu nhà ở của dân. Lẽ ra, với cung nhà cho thuê phải có chính sách giảm thuế để quỹ nhà ở cho thuê bùng nổ.
Ông Lê Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cảnh báo thị trường BĐS vừa ổn định được khoảng 3-5 năm, nếu đưa ra sắc thuế tài sản đánh vào thuế nhà ở sẽ ngay lập tức có tác động tiêu cực vì đây là thị trường rất nhạy cảm với chính sách, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn cung nhà cho thuê. Hiện nay quỹ nhà cho thuê của Việt Nam chỉ chiếm xấp xỉ 10% trong khi tại các quốc gia khác, nhà cho thuê chiếm tỉ trọng chủ yếu và đa số là do các doanh nghiệp cung cấp, không phải nguồn cung từ Chính phủ.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng trên thế giới chỉ có khái niệm đánh thuế nhà và không đánh thuế nhà, cả trong thực tiễn và trên lý thuyết đều không có khái niệm đánh thuế nhà ở thứ 2, thứ 3 và không đánh thuế nhà, không có hệ thống thuế đánh thuế nhà thứ nhất và thứ 2. Chúng ta hơi vội vã học kinh nghiệm Singapore nhưng bản chất thị trường và nguồn cung nhà ở của Việt Nam và Singapore rất khác nhau. Singapore chỉ có một nguồn cung của nhà nước nên họ có đơn vị tính nhà thứ nhất, thứ 2, còn như Việt Nam phải tính theo diện tích.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng nhu cầu cải cách các sắc thuế để tăng thu ở Việt Nam là rất cao để cải thiện ngân sách nhưng không nên đánh thuế vào tài sản đầu tư trên đất (nhà ở) để giữ ổn định thị trường. Thay vào đó, cần cải cách sắc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, vì đất bỏ hoang khá nhiều ở các khu đô thị ma, nhà kho để hoang. Vì thuế thấp nên họ để bao lâu cũng được, chờ thị trường nóng mới bán, thể hiện sự vô trách nhiệm với sử dụng đất đai.
Bình luận (0)