Nhiều vấn đề còn e ngại
Dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn xuất phát từ ý tưởng của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Công ty Âu Lạc) thuộc Tập đoàn Tuần Châu, đề xuất vào đầu năm 2017. Theo ý tưởng, dự án nối huyện Củ Chi về đến quận 1, tận dụng quỹ đất ven sông, với chiều dài khoảng 59 km, tốc độ xe dự kiến 100 km/h, tạo điều kiện kết nối với Quốc lộ 22 và các tuyến đường của tỉnh Bình Dương.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, trong bối cảnh không gian hai bên bờ sông Sài Gòn đang trở nên bức bách bởi những dự án cao tầng, thì đại lộ ven sông là một giải pháp tốt để mở ra không gian đại chúng.
Ý tưởng này mới đây đã được đề xuất triển khai theo hình thức hợp đồng BT, có tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), trong đó Công ty Âu Lạc là đơn vị được đề xuất chỉ định thầu. Triển khai dự án này, nhà đầu tư đề xuất TP.HCM đối ứng cho doanh nghiệp quỹ đất khoảng 12.389 ha.
Mới đây, trong văn bản trả lời về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ lo ngại trong việc thu xếp đủ quỹ đất 12.389 ha để thực hiện công trình BT và đất thanh toán cho nhà đầu tư. Quỹ đất thanh toán cho dự án dự kiến lấy từ các khu vực ven sông thuộc quận Bình Thạnh, quận 12, huyện Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quỹ đất thu xếp cho dự án tương đương 5% tổng diện tích đất toàn TP HCM, hiện khoảng 209.600 ha. Do vậy, cần được xem xét tính khả thi việc bố trí quỹ đất trong bối cảnh nguồn lực đất đai rất hạn chế.
Ngoài việc muốn đổi quỹ đất lớn, đề xuất dự án gửi đến các cơ quan chức năng liên quan, Tuần Châu còn kiến nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện dự án. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, xây lắp và chi phí dự phòng dự án.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, khi khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư.
Hơn nữa, dự án đó phải do bộ, ngành, địa phương đề xuất. Do vậy, theo Bộ, việc đề xuất sử dụng ngân sách hỗ trợ thực hiện dự án BT xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn là không đúng quy định. Mặt khác, việc sử dụng ngân sách đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, dự án phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công.
Đấu thầu công khai, tại sao không?
Một vấn đề quan trọng trong đề xuất thực hiện dự án này là nhà đầu tư đề xuất được chỉ định thực hiện Dự án theo quy định tại điểm b Khoản 4, Điều 22, Luật Đấu thầu (chỉ định thầu do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ...). Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dự án không thuộc các trường hợp nêu trên và đề nghị tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng việc dựa vào điểm b Khoản 4, Điều 22, Luật Đấu thầu để đề xuất chỉ định thầu với dự án này là chưa có cơ sở. Theo ông Hiển, câu chuyện mở rộng phát triển các dự án dọc theo các dòng sông hay bờ biển đã được Nhà nước, các nhà đầu tư thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố từ hàng chục năm qua. Do vậy, ý tưởng phát triển dự án ven sông nói trên không phải là mới, là độc quyền.
“Hạ tầng giao thông, cầu đường luôn có những kế hoạch xây dựng rõ ràng và đòi hỏi đơn vị thi công phải có năng lực thực sự, có kinh nghiệm, chứ không phải ai cũng làm được”, ông Hiển nói và cho rằng, đây là một dự án có quy mô lớn, nhất thiết phải lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực thực sự. Muốn có được các nhà đầu tư có năng lực thực sự, việc lựa chọn hình thức đấu thầu dự án, có thể chia dự án ra nhiều thành phần, nhiều giai đoạn để chọn nhà đầu tư là khả thi nhất.
Tương tự, theo ông Châu, dự án này quy mô quá lớn, mức độ giải phóng mặt bằng khổng lồ, nên cần nhiều nguồn lực hơn là một nhà đầu tư triển khai.
Bình luận (0)