Talkshow- tư vấn trực tuyến "Điều chỉnh nguyện vọng sao cho trúng?" là chương trình do Báo Người Lao Động tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các trường ĐH tại TP HCM.
Thời điểm này, hầu hết các trường ĐH đã công bố mức điểm sàn xét tuyển. Các chuyên gia cho rằng đây là cơ sở để thí sinh sắp xếp nguyện vọng, chọn ngành/trường phù hợp với điểm số.
Việc đăng ký nguyện vọng vào đại học sẽ kết thúc lúc 17 giờ ngày 30-7. Vì vậy, đây là thời điểm "chạy nước rút", những thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng phải tăng tốc thực hiện đặt nguyện vọng trên hệ thống.
Chia sẻ với chương trình, nhiều thí sinh bộc lộ nỗi lo âu khi nhận về kết quả không như ý muốn trong kỳ thi THPT 2024, thiếu tự tin khi đăng ký nguyện vọng vào ngành học yêu thích.
Theo các chuyên gia trong ban tư vấn, các nguyện vọng đầu tiên nên hướng tới những ngành phù hợp với đam mê của bản thân, không nhất thiết phải chắc chắn đậu thì mới đặt.
"Mục tiêu quan trọng nhất là sau 4 năm ĐH có thể làm được công việc ước mơ. Thí sinh không nên chạy theo số đông mà quên mất mục đích chính của việc học" - Ban tư vấn chia sẻ.
Song song với việc mạnh dạn đặt đam mê lên trước, các thí sinh cũng cần điều chỉnh các nguyện vọng của mình cho phù hợp để tránh "trắng tay" trong kỳ xét tuyển năm nay.
Các chuyên gia gợi ý thí sinh nên cô đọng các nguyện vọng, chỉ nên đặt từ 6-8 nguyện vọng, dựa trên 3 nhóm (nhóm yêu thích nhất nhưng khó trúng tuyển, nhóm yêu thích có số điểm an toàn, nhóm nguyện vọng chắc chắn đậu).
Theo ThS Hoàng Thanh Tú, Phó Trưởng Phòng - Phụ trách Phòng Thông tin Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), mức điểm sàn và điểm chuẩn thực tế có thể chênh lệch từ 1-3 điểm. Vì vậy, thí sinh nên dự phòng thêm các ngành có điểm chuẩn trúng tuyển năm 2023 bằng hoặc nhỏ hơn điểm thi hiện tại của mình để tăng khả năng trúng tuyển.
ThS Lê Trọng Tuyến, Phó Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Tài Chính – Marketing, cho biết trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển chính thức, thí sinh nên cân nhắc nhiều yếu tố của bản thân.
Thí sinh cần đăng ký ngành học đúng với niềm yêu thích, có sự đam mê, hứng thú, và phù hợp với sở thích cá nhân. Ngoài ra, thí sinh cần xem xét đến các yếu tố như chương trình đào tạo phù hợp, mức học phí vừa tầm.
"Sau khi hoàn tất nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ xét tuyển và tiến hành lọc ảo. Trong quá trình xét tuyển một thí sinh bất kỳ, nếu nguyện vọng 1 trúng tuyển thì mặc nhiên những nguyện vọng sau sẽ không được xét nữa, dù có dư điểm"- ThS Lê Trọng Tuyến chỉ rõ.
Theo các chuyên gia, mặc dù điểm chuẩn dự kiến sẽ có tăng nhẹ ở một số ngành nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội đậu ĐH nếu biết cách đặt nguyện vọng thông minh.
Bình luận (0)