Ngày 18-5, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM đã phối hợp cùng Thành Đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ và Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP HCM tổ chức "Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1".
Chung kết cuộc thi, giải nhất đã thuộc về nhóm dự án “AFE - Thiết kế chip Analog Front-end nhiễu thấp tái cấu hình ứng dụng thu nhận tín hiệu từ cảm biến trên công nghệ CMOS 180nm” của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP HCM.
Giải nhì thuộc về nhóm dự án “ Sigsegv - Thiết kế phần cứng khử sương mù trong hình ảnh của camera thông minh” của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM…
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cho hay từ những ý tưởng và sản phẩm của cuộc thi thiết kế vi mạch lần này, thành phố và Khu Công nghệ cao sẽ có kinh nghiệm, cơ sở để hoàn thiện hơn việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đáng chú ý, tại chương trình, các gian hàng công nghệ của học sinh, sinh viên được nhiều người tham dự khá quan tâm.
Trong đó, điển hình là gian hàng của Tấn Tài và Phương Thùy - học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Văn Giàu (TP HCM) - trưng bày thiết bị giám sát nồng độ khí gas và cảnh báo rò rỉ bằng điện thoại thông minh.
Phương Thùy cho biết em là người viết code để xây dựng ứng dụng, áp dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống IoT. Việc lựa chọn vi mạch để vận hành thiết bị là do giáo viên hướng dẫn. Thời gian chế tạo ra sản phẩm mất khoảng 3 tháng.
"Điểm mới của sản phẩm này so với các sản phẩm khác trên thị trường là có thể phát hiện ngay khi khí gas bị rò rỉ hoặc nồng độ gas trong không gian quá cao. Điều này cho phép người dùng đưa ra biện pháp khẩn cấp và liên hệ các đơn vị chức năng để xử lý, tình huống một cách nhanh chóng"- Thùy giải thích.
Kế bên đó, một thiết bị phân loại rác được các sinh viên năm 4 đang nghiên cứu, sử dụng thiết kế của rô bốt, mô hình huấn luyện YOLOv5, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, vi mạch mới...
TS. Trần Đức Thiện, Giảng viên khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - đại diện của dự án trên, cho hay những dây chuyền phân loại rác của nhà máy rác hiện nay thường do con người thực hiện. Do đó, nếu rô bốt này được hoàn thiện và đưa vào vận hành, công đoạn phân loại rác như giấy, nhựa, kim loại... sẽ được xử lý nhanh và hiệu quả hơn.
"Sau khi xác định vị trí của rác trên băng chuyền và khu xử lý, các thông tin đó sẽ gửi tới hệ thống điều khiển trên hệ thống, rô bốt sẽ di chuyển tới và dùng khí nén để hút loại rác đó lên. Tôi và các bạn sinh viên đang nâng cấp sản phẩm này tốt hơn nữa, như lập trình từ xa để các kỹ sư có thể xử lý nhanh chóng trên hệ thống, không cần phải đến trực tiếp... giúp tiết kiệm thời gian bảo trì"- TS Trần Đức Thiện chia sẻ.
Ông Hoài Mỹ - ngụ tại Bình Thạnh, người tham dự - nhận xét mặc dù sản phẩm của sinh viên chưa đưa vào thương mại hay độ hoàn thiện đạt 100% nhưng đây sẽ là điều kiện cần để các mô hình, sản phẩm công nghệ mới được ứng dụng sát với thực tiễn hơn.
Bình luận (0)