Đề thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM:
"NHỊP TRÁI TIM KHÔNG CHỈ DÀNH CHO RIÊNG MÌNH
Câu 1. (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Những trái tim mang "nhịp đập khơi xa"...
Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức đã diễn ra vào thời điểm hết sức đặc biệt, ki niệm 49 năm Thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi", chuyển hải trình vượt sóng gió biển khơi đến với quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã làm rung lên nhịp đập của những trái tim chan chứa yêu thương.
Đó là niềm xúc động của Y Việt Sa, người con vùng đất Tây Nguyên, khi trực tiếp chứng kiến cuộc sống của những người lính đảo:
Những dòng này tôi viết ở Trường Sa Giữa những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ Mang trong mình một tình yêu đẹp đẽ Để vững vàng vượt sóng giữ bình yên
Là nỗi xốn xang khó tả của một người mẹ lần đầu đến đảo Sinh Tồn thăm con. Dù còn bao lo lắng khi biết con, một người lính trẻ, phải đối mặt với những gian nan, thử thách nhưng người mẹ ấy vẫn tự hào và tin tưởng con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Là niềm cảm phục của những người con đất liền trước câu chuyện người thầy gieo chữ trên đảo Sinh Tồn. Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, người thầy ấy đã thắp lên ngọn lửa tri thức cho các em nhỏ nơi đảo xa.
Là sự rung động trước những vườn rau mướt xanh giữa khô cằn sỏi đá và những cây bàng vuông nở hoa trong nắng gió. Mỗi đóa hoa khoe sắc, mỗi luống rau xanh tươi là thành quả của biết bao giọt mồ hôi người lính đảo.
Hành trình đến với Trường Sa – vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc – đã để lại nhiều cảm xúc cho tất cả thành viên trong đoàn. Những trải nghiệm trong chuyến đi ấy đã vun đắp khát vọng cống hiến cho những người trẻ để từ đó họ hiểu sâu hơn về trách nhiệm của chính mình đối với đất nước. (Tổng hợp thông tin từ các bài viết về Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" trên báo Thanh Niên từ 04/5/2024 đến 13/5/2024)
Thực hiện các yêu cầu:
a. Theo văn bản, hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 diễn ra trong thời điểm đặc biệt nào và có chủ đề gì? (0,5 điểm)
b. Chỉ ra một thành phần biệt lập trong đoạn cuối của văn bản. (0,5 điểm)
c. Đoạn thơ trong văn bản giúp em hiểu gì về những người lính ở quần đảo Trường Sa? (1,0 điểm)
d. Nếu được tổ chức một hoạt động để khơi lên nhịp trái tim dành cho biển đảo quê hương ở các bạn trẻ, em sẽ tổ chức hoạt động gì? Vì sao? Trả lời trong 4 - 6 dòng. (1,0 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
Thông thường người ta nghĩ bằng khối óc – suy nghĩ, nhận thức, đánh giá,... về con người, cuộc sống bằng lí trí, trí tuệ, kiến thức,... Nhưng trong quyển sách Một nghệ thuật (sống (NXB Trẻ, 2018), tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần lại khuyên: Biết nghĩ bằng con tim
Em có đồng ý với lời khuyên trên không? Hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của em.
Câu 3. (4,0 điểm)
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1
Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài gia đình để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi người.
Đề 2
Câu lạc bộ Bạn yêu thơ Góc chia sẻ
Thân gửi các bạn thành viên câu lạc bộ,
Được biết chủ đề sinh hoạt tháng 6 của câu lạc bộ là "Những nhịp tim dành riêng cho thơ", mình mạnh dạn chia sẻ như sau:
Mình là một học sinh lớp 9. Dù không vô cảm với thơ nhưng mình thấy rất khó khăn trong việc phân tích thơ. Mình mong muốn được các bạn chia sẻ một bài phân tích hay về thơ. Các bạn có thể tự chọn một khổ thơ (hoặc đoạn thơ, bài thơ) để phân tích. Ví dụ phân tích khổ cuối trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo."
Trong bài viết, mình muốn được các bạn chia sẻ thêm về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên trong các bạn.
Các bạn giúp mình nhé. Mình cảm ơn các bạn rất nhiều!
Trong vai trò là một thành viên câu lạc bộ, em hãy viết bài văn đáp ứng các yếu cầu của bạn trẻ trên".
Thầy Võ Kim Bảo – Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), nhận xét: Đề thi gần gũi với thí sinh, không đánh đố, làm khó nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định. Thí sinh đã làm quen với cách ra đề, cấu trúc đề từ đề năm học trước cũng như đề mà GV cho ôn tập trên lớp nên các em có phản hồi tích cực khi làm bài.
Với chủ đề "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình", thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện kiến thức, suy nghĩ, tình cảm của mình vì đây là một chủ đề gần gũi, thiết thực với các em. Sau khi làm bài xong, nhiều em HS phản hồi tốt, an tâm và có tâm thế vững vàng tiếp tục cho các bài thi tiếp theo.
Thầy Võ Kim Bảo nhận xét đề như sau:
1. Đọc hiểu
Ngữ liệu của phần đọc hiểu hay, kết hợp cả văn xuôi và thơ nên có nhiều "đất" để khai thác. Câu hỏi của đề cũng vừa hỏi về phần văn xuôi, vừa hỏi đề phần thơ, đây là điểm hay đang chú ý của đề.
Các câu hỏi của phần này cũng khá đơn giản, học sinh với học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt phần này. Điều này giúp các em tự tin hơn trong quá trình làm bài thi.
2. Nghị luận xã hội
Theo tôi, đây là câu có tính phân hóa cao. Với đề "Biết nghĩ bằng con tim", học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề, ngược lại các em chắc chắn có rất nhiều ý tưởng để viết cho đề bài này.
Tuy nhiên, để đạt được điểm cao (2.5/3.0 trở lên) thì không dễ. Trước tiên các em phải đưa ra được lí giải của mình: "nghĩ bằng con tim" là như thế nào? Có được lí giải hợp lí các em mới có thể tìm ra những luận điểm phù hợp. Người viết phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải rất sâu sắc mới được đánh giá cao.
3. Nghị luận văn học
Đề bài này không gây bất ngờ với phần lớn GV và HS, vì nó rất gần gũi và các em cũng đã được ôn tập rất kĩ lưỡng. Tuy nhiên, có một số em học tủ, học vẹt, đoán đề nên có suy nghĩ loại bỏ đề này vì thi tuyển sinh lớp 10 năm ngoái (câu 3, đề 2) đã cho ra chủ đề "tình cảm gia đình". Và trong đề cũng có gợi ý tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vì thế mà nhiều em bỏ qua, không ôn tập kĩ. Đây là một sai lầm rất đáng tiếc.
Đề 1:
Đề thi yêu cầu "Phân tích tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha" là một đề rất vừa sức thí sinh. Chưa kể các yêu cầu phụ cũng rất tường minh, rõ ràng. Tôi dự đoán sẽ có nhiều bài viết tốt, có chất lượng về đề bài này. Với một đề bài không quá khó, những bài điểm cao chắc chắn sẽ là những bài thể hiện rõ nét kĩ năng của người viết như: kĩ năng tạo luận điểm, kĩ năng lập luận, phân tích…
Tuy nhiên, chắc chắn nhiều em yếu kĩ năng sẽ khó phân tích vì đây là dạng đề cho phân tích tâm lí, tình cảm của nhân vật. Người viết sẽ phải lí giải từng hành động, cử chỉ, lời nói thông qua việc phân tích tâm lí để làm rõ tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha. Có em vì không ôn tập kĩ, không thường xuyên rèn luyện sẽ sa đà vào việc kể chuyện thay vì phân tích tâm lí nhân vật.
Đề 2:
Đề 2 là một đề mở và nhiều sáng tạo. Học sinh có thể chọn một tác phẩm thơ (hoặc 1 đoạn thơ bất kì) để phân tích. Trong trường hợp không thuộc thơ, HS có thể phân tích đoạn thơ được gợi ý trong đề. Như vậy, đề chú trọng kĩ năng, thực lực làm bài của thí sinh nhiều hơn là bắt thí sinh phải học thuộc lòng. Đây là một điểm sáng đáng ghi nhận của đề thi môn Ngữ văn ở TP HCM nhiều năm nay.
Đề thi là một tình huống cụ thể, bài viết của các em không chỉ phải phân tích được 1 đoạn thơ/bài thơ mà còn phải hướng vào việc giải quyết tình huống đó. Đối với những em chỉ chọn 1 đoạn thơ/bài thơ bất kì để phân tích mà không giải quyết được tình huống sẽ dừng lại ở mức điểm khá.
Các vấn đề cần được giải quyết trong đề như: Cách để cảm nhận một bài thơ, chia sẻ về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca đã gợi nên (thơ ca nói chung chứ không phải là một tác phẩm cụ thể)…
Bình luận (0)