Nước Pháp đang đối mặt tình trạng quốc hội treo và các cuộc đàm phán khó khăn để thành lập chính phủ mới theo sau kết quả bất ngờ của vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội hôm 7-7.
Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ, liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới (NFP) dẫn đầu cuộc bầu cử khi giành được 182/577 ghế quốc hội. Trong khi đó, liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron giành được 168 ghế và đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu được 143 ghế.
Các cuộc thăm dò trước thềm cuộc bỏ phiếu cho thấy RN có thể thắng nhiều ghế nhất, làm tăng nỗi lo Pháp sẽ có chính phủ cực hữu đầu tiên của Pháp kể từ sau Thế chiến II, đe dọa làm đảo lộn chính sách kinh tế và đối ngoại tại nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng euro.
Giờ đây, kết quả bầu cử khiến quốc hội Pháp chia thành ba nhóm lớn với các cương lĩnh khác nhau và không có truyền thống làm việc cùng nhau. Một quốc hội bị chia rẽ khiến bất kỳ phe nào cũng khó thúc đẩy chương trình nghị sự của mình trong nước, cũng như đe dọa làm suy yếu vai trò của Pháp trong Liên minh châu Âu (EU).
Kết quả này cũng giáng đòn mạnh vào Tổng thống Macron, đồng thời báo hiệu một giai đoạn bất ổn chính trị. Sau khi Thủ tướng Gabriel Attal đệ đơn từ chức hôm 8-7, theo đài CNN, Tổng thống Macron đã yêu cầu ông Attal tiếp tục giữ chức vụ thời điểm này để "bảo đảm sự ổn định của đất nước".
Các nhà lãnh đạo NFP đã nhóm họp để thảo luận về hướng đi sắp tới nhưng chưa công bố nhiều thông tin khi trả lời truyền thông.
Bà Marine Tondelier, lãnh đạo đảng Xanh, hôm 8-7 cho rằng Tổng thống Macron nên chính thức mời NFP đề cử thủ tướng mới. Theo bà Tondelier, nhân vật này có thể là người thuộc đảng Xanh, đảng Nước Pháp không khuất phục hoặc Đảng Xã hội - ba đảng lớn nhất trong NFP.
Trong khi đó, ông Olivier Faure, lãnh đạo Đảng Xã hội, cho biết ông mong đợi các bên nhất trí về một kế hoạch trong tuần này nhưng né tránh câu hỏi về việc liệu NFP có sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận với phe trung dung hay không.
Ở chiều ngược lại, một số nhân vật trung dung nổi bật cho biết họ sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận để bảo đảm có một chính phủ ổn định nhưng khẳng định không sẵn sàng làm việc với Đảng cực tả Nước Pháp không khuất phục.
Nhiều người theo đường lối trung dung xem đảng này cũng cực đoan như RN. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng văn hóa chính trị của Pháp sẽ phải thay đổi, trở nên ít đối kháng hơn và hợp tác hơn giữa các đảng phái.
Bên ngoài nước Pháp, nhiều đồng minh thở phào nhẹ nhõm vì kịch bản xấu nhất không xảy ra. Ngoài ra, thất bại của RN ít nhất báo hiệu một sự phản kháng tạm thời trước làn sóng cực hữu ở châu Âu. Dù vậy, giới phân tích lưu ý tình trạng quốc hội "treo" ở Pháp cũng có thể gây đau đầu cho EU.
Công ty Nghiên cứu Capital Economics (Anh) cho rằng Pháp có thể đã tránh được "kết quả tồi tệ nhất có thể" đối với các nhà đầu tư, đó là phe cực hữu hoặc cánh tả nắm thế đa số tuyệt đối trong quốc hội. Tuy nhiên, một quốc hội chia rẽ đồng nghĩa chính phủ sắp tới rất khó thông qua các khoản cắt giảm ngân sách cần thiết để Pháp tuân thủ các quy định ngân sách của EU.
Phe cánh tả muốn đặt giá trần cho các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu và thực phẩm, tăng lương tối thiểu và đảo ngược cải cách lương hưu của Tổng thống Macron vào thời điểm thâm hụt ngân sách của Pháp ở mức 5,5% GDP, cao hơn mức cho phép của quy định EU. Tuy nhiên, theo Reuters, có rất ít khả năng các đề xuất chính của phe cánh tả qua được ải quốc hội nếu không có thỏa hiệp với các nghị sĩ bên ngoài khối này.
Bình luận (0)