Sự cố xảy ra khi bé gái 11 đang chơi đùa với con chó nhà, bất ngờ bị chó cắn vào vùng cổ. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng vết thương vùng cổ chảy dịch, nước bọt và thức ăn chảy ra ngoài do chó cắn.

Bệnh nhân bị chó cắn được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Gia đình bệnh nhi cho biết sau khi bé gái bị chó cắn, gia đình chủ quan không đưa con đi viện ngay, vì vết cắn không quá nghiêm trọng, hơn nữa con chó này đã được tiêm phòng dại, sống cùng gia đình 12 năm, như thành viên trong nhà.
Đến bữa ăn, người nhà phát hiện vết thương ở cổ chảy ra dịch nước bọt và thức ăn khi bé gái nhai nuốt, nên đã đưa con đi bệnh viện.
Bác sĩ Vũ Đức Thịnh, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, cho biết thời điểm nhập viện, vùng cổ bé gái có hai vết cắn đang rỉ dịch nước bọt. Các bác sĩ lo ngại về nguy cơ tổn thương sâu vào các cơ quan quan trọng như khí quản và thực quản.
"Bệnh nhi được chụp cắt lớp vi tính đánh giá toàn bộ tổn thương. Dù khí quản không bị ảnh hưởng, nhưng nội soi cho thấy thực quản có 2 lỗ thủng. Nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhi có thể gặp biến chứng nguy hiểm như viêm trung thất, nhiễm trùng huyết, hoặc rò thực quản kéo dài..."- bác sĩ Thịnh nói.
Bệnh nhi được phẫu thuật chữa vết thủng thực quản. Các bác sĩ cũng hội chẩn với chuyên gia dịch tễ, quyết định tiêm mũi giải độc tố huyết thanh, một mũi vắc-xin phòng dại, tiếp tục theo dõi và tiêm đủ phác đồ để đảm bảo an toàn.
Đến ngày 10-4, bé gái đã qua cơn nguy hiểm, đang tiếp tục được theo dõi và chăm sóc hồi phục.
Theo bác sĩ Thịnh, dù chó đã được tiêm phòng dại vẫn không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ nhiễm virus dại. Bệnh dại có thời gian ủ bệnh dài, khi đã phát bệnh, tỉ lệ tử vong gần như 100%.

Thực quản bé gái bị thủng, sau khi bị chó cắn vào vùng cổ
Hiện con chó ở nhà vẫn ăn uống tốt, không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn yêu cầu gia đình nhốt và theo dõi trong ít nhất 10-14 ngày, bởi nếu chó phát bệnh dại trong khoảng thời gian này, bé có nguy cơ rất cao bị lây nhiễm.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị chó cắn, cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước trong ít nhất 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn hoặc dung dịch sát trùng.
Ngay cả khi vết cắn không chảy máu nhiều, vi khuẩn hoặc virus từ nước bọt động vật vẫn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng sâu.
Đặc biệt là vết cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, tay, chân. Cần tiêm phòng dại và kiểm tra chuyên sâu nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.
Bình luận (0)