Quả bóng Jabulani chưa chính thức lăn tại vòng chung kết (VCK) World Cup 2010, tuy nhiên các cầu thủ từ thủ môn đến tiền đạo đều thể hiện sự đồng thuận đáng kinh ngạc: Chê bai Jabulani hết lời. Thật ra, Jabulani vô tri vô giác không có lỗi mà trách nhiệm chính thuộc về FIFA. Cơ quan quản lý, điều hành bóng đá cao nhất thế giới đã tiếp cận vấn đề quan trọng - bóng World Cup - theo phong cách quá cảm tính và thuần túy tài chính khi chiều lòng đối tác sản xuất!
Các thủ môn là những người than phiền nhiều nhất về quả bóng Jabulani. Ảnh: REUTERS
Trong quá khứ, hầu như mọi quả bóng mới tung ra tại VCK World Cup đều bị chỉ trích nhưng thông thường chỉ thủ môn chê bai còn tiền đạo hài lòng, như trường hợp quả Teamgeist ở Đức 2006. Lần này rất đặc biệt, chẳng những thủ môn nổi tiếng Casillas (Tây Ban Nha) phải lên tiếng than phiền mà cả trung phong Fabiano (Brazil, có hiệu suất ghi bàn ở đội vàng – xanh tốt hơn cả Ronaldo “béo”) cũng lắc đầu: “Sau khi sút, tôi chẳng biết bóng bay về đâu”. HLV đội Đan Mạch M. Olsen sau trận giao hữu thua Úc 0-1 đêm 1-6 cùng đổ lỗi cho bóng Jabulani với quỹ đạo khó lường của nó!
Đương nhiên, FIFA có quyền phản bác: Làm sao tìm được quả bóng hài lòng tất cả? Hơn nữa, thông tin từ Adidas cho thấy họ đã thử nghiệm bóng trong gần 20 tháng ở mọi điều kiện, sử dụng công nghệ kiểm tra mô phỏng như các nhà sản xuất xe đua F1 áp dụng!
Không hẳn vậy, vì trong quá khứ họ từng tung ra 2 loại bóng rất thành công với thương hiệu FIFA Inspected (đã kiểm tra) và FIFA Approved (khuyến khích sử dụng) nhờ cách tiếp cận khoa học và thuyết phục: Quả bóng chọn làm mẫu phải trải qua hàng loạt kiểm tra từ những cú sút sấm sét vài trăm lần va chạm tường rắn vẫn không biến dạng cho đến bị vòi nước xịt vào với vận tốc cả chục mét/giây vẫn không thấm nước. Vậy tại sao lần này FIFA lại không đưa ra bộ thử nghiệm chứng tỏ quỹ đạo quả bóng Jabulani ổn định, hài hòa hoặc ít nhất công bố những thông số khoa học cụ thể, qua đó giải đáp mọi thắc mắc từ mọi phía?
Câu trả lời đơn giản: FIFA quay mặt đi có lẽ vì mục đích thương mại. Mỗi VCK World Cup là một quả bóng mới (thậm chí mỗi mùa Champions League cũng đi kèm mẫu mã mới) từ xưa đến giờ ai tính được các nhà sản xuất đã kiếm lời cũng như FIFA (cùng UEFA) được chia phần bao nhiêu. Cải tiến liên tục chủ yếu nhằm kiếm tiền, đương nhiên khía cạnh chuyên môn phải bị hạ thấp. Nhớ lại trước VCK World Cup 1998, vụ bê bối quả bóng France 98 sản xuất tại các cơ sở bóc lột và lạm dụng lao động trẻ em còn bị FIFA làm ngơ. Vậy bây giờ, vấn đề thử nghiệm khoa học bị xem thường cũng là chuyện nhỏ!

Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Chỉ tiếc những cơ hội giúp cuộc chơi bóng đá rõ ràng hơn, công bằng hơn nhờ áp dụng đúng mức khoa học tiên tiến cứ bị trôi qua do FIFA không chấp nhận thử nghiệm. Ai bảo đảm sẽ không tái diễn cảnh “bàn tay thối” của Henry ghi bàn mà trọng tài “người phàm mắt thịt” bỏ qua hoặc trái bóng Jabulani vẽ đường cong ngẫu nhiên bất ổn ngoài ý muốn mọi cầu thủ hay bóng đã vào khung gỗ trận chung kết nhưng bàn thắng không được công nhận? Những bi kịch này có thể thay đổi cả lịch sử bóng đá một quốc gia hay thậm chí một châu lục nhưng FIFA sẽ vẫn lạnh lùng, vô cảm: Họ đang bận đếm tiền kiếm được từ World Cup!
Những điều chưa biết về quả bóng
- Jabulani, theo tiếng Zulu, ngôn ngữ phổ biến ở Nam Phi, là “ăn mừng”.
- Bóng có chu vi 69 cm, nặng 440 g, có 8 múi thay vì từ 20 đến 32 múi như trước đây.
- Có tổng cộng 11 màu trên quả bóng, đại diện cho 11 cầu thủ của mỗi đội, 11 ngôn ngữ chính thức của Nam Phi và 11 bộ tộc.
- Bóng được quảng cáo giảm thiểu khả năng thấm nước vì thế không bị ảnh hưởng khi thi đấu dưới mưa.
- 2.900 quả bóng sẽ được sử dụng tại VCK World Cup. Theo đó, mỗi đội được 25 quả, số còn lại sẽ được phân phát trên các sân tập và sân vận động trong những ngày thi đấu.
- Cú sút có tốc độ nhanh nhất thuộc về cựu tiền đạo Anh David Hirst của CLB Sheffield Wednesday, chạm xà với vận tốc khoảng 183 km/giờ ở trận gặp Arsenal trên sân Highbury năm 1996.
- Trận chung kết World Cup 1930 là trận đấu duy nhất có 2 quả bóng sử dụng trong điều kiện bình thường vì Uruguay và Argentina đều muốn dùng bóng của mình. Kết quả, trọng tài cho phép mỗi đội sử dụng bóng riêng trong mỗi hiệp.
TĐ |
Bình luận (0)