Ngày 28-11, tại Hội nghị khoa học huyết học - truyền máu toàn quốc năm 2024, PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu tiếp tục phát triển với việc triển khai nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau.
Việc điều trị biến chứng sau ghép đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, đem đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh.
Đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 660 ca ghép tế bào gốc tạo máu, đồng thời chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện, giúp nhiều người bệnh tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này.
Theo PGS Thanh, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật liên quan đến tế bào gốc, các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư máu và bệnh lý huyết học. Nhờ liên tục cập nhật các phác đồ điều trị, đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc mới, thuốc nhắm đích và nâng cao hiệu quả truyền máu mà chất lượng điều trị các bệnh lý huyết học ngày càng tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư.
Nhiều bệnh nhân sau khi ghép tế bào gốc đã sống trên 10 năm, chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Thời gian tới, ngành huyết học - truyền máu sẽ tập trung vào các kỹ thuật mới nhất mà giới đang phát triển như: Ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, các lĩnh vực liên quan đến điều trị tế bào như liệu pháp CAR-T, điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới.
Bên cạnh những tiến bộ trong điều trị, lĩnh vực truyền máu đã bảo đảm được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị; tỉ lệ người hiến máu tình nguyện đạt trên 97%.
Ông Đỗ Trung Hưng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đánh giá công tác truyền máu đã có những bước đột phá từ khâu vận động hiến máu, xây dựng nguồn người hiến máu, điều phối và đảm bảo an toàn truyền máu.
Hội nghị khoa học huyết học - truyền máu năm 2024 có sự tham gia của 1.600 đại biểu là chuyên gia quốc tế đến từ các nền y học tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Anh, Đức, Singapore; các nhà khoa học đầu ngành trong nước về huyết học - truyền máu, bác sĩ, dược sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên... trên toàn quốc.
Chương trình khoa học của hội nghị gồm 121 báo cáo thuộc tất cả các lĩnh vực được chia thành 17 phiên. Tại đây, các chuyên gia quốc tế cũng cập nhật kiến thức về: Ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn tăng sinh ngoài cơ thể, điều trị nhắm đích, bệnh lý huyết khối và các biến chứng chảy máu liên quan tới cấy ghép thiết bị tạo nhịp tim và can thiệp mạch máu não.
Bình luận (0)