icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BHXH tự nguyện phải sớm đột phá

NHÓM PHÓNG VIÊN

Để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện, cần cải thiện chính sách BHXH theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng đối tượng

Mục tiêu cuối cùng của BHXH tự nguyện là hướng người lao động (NLĐ) đến chế độ hưu trí nhằm có khoản thu nhập giúp bảo đảm cuộc sống khi không còn sức lao động. Song thực tế, người tham gia BHXH tự nguyện không dễ tiếp cận chế độ này.

Thay đổi để sát thực tế hơn

Trường hợp chị Huỳnh Ngọc Bích Sơn - bảo mẫu tại một nhóm trẻ ở phường 7, quận 8, TP HCM - là một ví dụ điển hình. Chị Sơn cho biết năm 2021, chị bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn. Mặc dù rất muốn duy trì tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu, song do hoàn cảnh quá khó khăn, cũng như tìm hiểu kỹ các chính sách thì chị đã quyết định tạm ngưng tham gia BHXH tự nguyện sau 2 năm đóng.

"Chính sách BHXH tự nguyện rất nhân văn vì giúp NLĐ khu vực phi chính thức tiếp cận các chính sách an sinh của nhà nước. Song, mức đóng BHXH tự nguyện khá cao (22% mức lương căn cứ đóng), thời gian đóng dài nhưng chỉ được hưởng 2 chế độ (hưu trí, tử tuất) đã tạo rào cản với người tham gia" - chị Sơn bày tỏ.

Ngoài ra, theo chị Sơn, việc theo quy định của Luật BHXH năm 2014 (đang có hiệu lực), ngoài 2 chế độ hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng BHXH một lần khi đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH, cũng là một rào cản rất lớn tiếp theo. "Những rào cản này cần sớm phải phá đi để hút NLĐ như chúng tôi" - chị Sơn kiến nghị.

Tăng sức hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện sẽ thu hút lao động phi chính thức Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tăng sức hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện sẽ thu hút lao động phi chính thức Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Để sát với thực tế, tạo sức hút cho BHXH tự nguyện, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chính sách BHXH một lần, hưu trí đối với người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự điều chỉnh. Theo đó, đối tượng được hưởng BHXH một lần sẽ bao gồm người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà không tiếp tục tham gia BHXH. Trường hợp người tham gia không hưởng BHXH một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng... Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất 2 phương án giải quyết BHXH một lần, tương tự như với BHXH bắt buộc. Phương án 1: Người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của BHXH.

Vẫn còn những băn khoăn

Tuy nhiên, 2 phương án nêu trên đang nhận được các luồng ý kiến trái chiều.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua lấy ý kiến NLĐ, chuyên gia và Công đoàn các cấp có nhiều đề nghị nghiên cứu quy định theo phương án 2. Mục đích là bảo đảm quyền lợi về lâu dài, giữ NLĐ ở lại lưới an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu có lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, việc cho phép rút ra một phần BHXH đã đóng cũng sẽ giúp ích cho NLĐ khi gặp khó khăn đột xuất.

Ở góc độ người đang tham gia BHXH tự nguyện, ông Trần Tuấn Bắc (quận 12, TP HCM) cho rằng cả 2 phương án đều chưa ưu việt và không nên áp dụng chung điều kiện hưởng BHXH một lần như BHXH bắt buộc. Bởi lẽ, BHXH tự nguyện có đặc thù riêng và vốn các quyền lợi hưởng cũng không bình đẳng với BHXH bắt buộc. Do vậy, chính sách cần thiết kế phù hợp với đối tượng tham gia, thường là NLĐ thu nhập thấp và không có khoản tích lũy. "NLĐ chọn tham gia BHXH tự nguyện như một kiểu "bỏ ống heo" để có khoản dùng khi về già hay khó khăn. Nếu điều kiện hưởng quá khắt khe có thể họ sẽ nghĩ đến cách "bỏ ống heo" khác" - ông Bắc nhận định.

Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cũng nhìn nhận khi lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện nghĩa là người tham gia đã ý thức được về quyền lợi mà họ được hưởng. Tuy nhà nước có hỗ trợ một phần chi phí đóng nhưng về bản chất, phần lớn BHXH tự nguyện vẫn do NLĐ đóng. Khi quyết định rút BHXH một lần thì hoặc họ thật sự khó khăn cần có khoản tiền để trang trải hoặc xét theo điều kiện hoàn cảnh không thể tiếp tục tham gia. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện chế độ BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện sau thời điểm luật mới có hiệu lực. Đồng thời, cho họ được phép hưởng chế độ (100% thời gian đóng) khi có nhu cầu, không phải chờ sau 12 tháng không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện như dự thảo đề xuất.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, thì băn khoăn với cách tính liên quan đến lao động nữ tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Cụ thể, dự thảo đề xuất đối với lao động đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm được hưởng lương hưu với tỉ lệ 45% mức lương bình quân đóng; lao động đủ tuổi hưu và đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH được tính tương ứng 2,25%.

Theo ông Triều, khác với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (mức đóng BHXH sàn bằng mức lương tối thiểu vùng), người tham gia BHXH tự nguyện sẽ chọn mức đóng thấp do tỉ lệ đóng cao và đa phần không có công việc, thu nhập ổn định. Thêm vào đó, nếu họ chỉ có khả năng đóng đủ thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu, khi tính theo công thức trên sẽ có mức lương thấp, không mang lại nhiều ý nghĩa. Do vậy, nên chăng có chính sách hỗ trợ hoặc quy định mức lương hưu tối thiểu. Bên cạnh đó, cần xem xét điều chỉnh mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với người đóng vượt thời gian hưởng mức tối đa từ 0,5 tháng lương cho mỗi năm đóng dư lên 2 tháng lương để tăng tính ưu việt của chính sách. 

Không quy định cứng nhắc

Theo luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), do phải đóng toàn bộ 22% mức lương căn cứ đóng nên khi rút BHXH một lần, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ "bị lỗ" do số tiền rút ra thấp hơn nhiều so với tổng số tiền đã đóng. Người tham gia BHXH tự nguyện rất khác biệt so với người tham gia BHXH bắt buộc cả về ý thức, tâm lý và mức phí tham gia. Khi tham gia BHXH, họ đã xác định được nghĩa vụ, quyền lợi của mình và tự nguyện tham gia. Vì thế, khi rút BHXH một lần, họ chắc chắn cũng đã ý thức đầy đủ về hậu quả của nó. "Do đó, theo tôi, không nên quy định bất cứ điều kiện nào khi rút BHXH một lần với đối tượng này" - luật sư Nam góp ý.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo