Mộ cự thạch Hàng Gòn toạ lạc tại xã Hàng Gòn cách TP Long Khánh (Đồng Nai) 8 km về phía Nam, trên trục Quốc lộ 56 hướng đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Nơi đây đã trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách bởi những bí ẩn xung quanh ngôi mộ cổ.
Mộ cổ này còn có tên gọi dân gian lưu truyền là "Mả Ông Đá". Hiện nay, mộ cổ thạch Hàng Gòn vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà giới khảo cổ vẫn chưa lý giải được, đó là ai đã xây dựng kiến trúc này và xây bằng cách nào?
Làm sao người xưa có thể vận chuyển những tấm đá, trụ đá hoa cương nặng hàng chục tấn từ nơi khác đến, vì theo nghiên cứu của các nhà địa chất, loại đá hoa cương trên không có ở Đồng Nai, chỉ xuất hiện ở Đà Lạt và Ninh Thuận.
Theo tài liệu của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai, mộ cổ cự thạch Hàng Gòn với lối kiến trúc độc đáo được làm bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng. Lúc này, ngôi mộ được đánh giá là có kích thước lớn nhất và xây dựng quy chuẩn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Ngôi mộ hình hộp, dài 4,2m, ngang 2,7 mét, cao 1,6 mét được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương bào khá nhẵn ở mặt ngoài; bên trong đục đẽo sơ sài. Bốn tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp. Liên kết giữa các tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5 mét, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,10m x 0,3m phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa.
Ngôi mộ cổ được phát hiện vào năm 1927, trong lúc đang chỉ huy thi công làm tuyến đường Xuân Lộc đi Bà Rịa, viên kỹ sư người Pháp Jean Bouchot đã thấy một ngôi mộ bằng đá với những trụ nằm ngổn ngang trong địa phận đồn điền cao su W.Bazé thuộc công ty Cao su Xuân Lộc (nay thuộc nông trường Hàng Gòn, xã Hàng Gòn, TP Long Khánh).
Trong những ghi chép của mình về mộ cổ cự thạch Hàng Gòn, vị kiến trúc sư đã đưa ra những câu hỏi: "Sắc dân nào ở Xuân Lộc từ nguyên thuỷ có thể thực hiện những công trình khai thác, vận chuyển, chế tạo, thiết kế đồ án, lắp đặt công trình, với nỗ lực phi thường đến siêu phàm như vậy".
Di tích mộ cự Thạch Hàng Gòn luôn đặt ra những bí ẩn mới sau mỗi đợt khảo cổ, vì vậy đã thu hút nhiều nhà khoa học lúc bấy giờ đến thăm quan, nghiên cứu và đưa ra nhiều kiến giải khoa học khác nhau. Qua những nét độc đáo kiến trúc ngôi mộ cổ, lúc bấy giờ Toàn quyền Pháp đã nhanh chóng xếp ngôi mộ cổ vào các di tích lịch sử của Đông Dương và đứng thứ 38 trong bản danh sách di tích Nam kỳ (1930).
Sau năm 1975, các cán bộ thuộc Ban Khảo cổ-Viện Khoa học xã hội đã phối hợp với Nhà Bảo tàng tỉnh Đồng Nai mở cuộc điều tra, khảo sát di tích mộ cự thạch Hàng Gòn.
Tại hội nghị thông báo khảo cổ học năm 1982, Th.S Lưu Ánh Tuyết đã đưa ra nhận định: "Mộ cự thạch Hàng Gòn là một ngôi mộ táng chôn dưới hình thức hoả thiêu được xây dựng vào thời kỳ Kim khí thuộc giai đoạn Đồng phát triển, có khả năng chuyển sang sơ kỳ đồ đá".
Năm 2006, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Đồng Nai phối hợp trung tâm nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Đồng Nam bộ tiến hành đào thám sát xung quanh khu vực mộ cổ Hàng Gòn và phát hiện ra những mảnh gốm cổ, theo đeo bằng đá, 2 chiếc tù và bằng đồng. Các nhà nghiên cứu xác định những mẫu vật trên có niên đại sớm nhất là 150 năm trước công nguyên (Thế kỷ thứ II TCN) và mẫu cho niên đại muộn nhất là 240 năm sau công nguyên (Thế kỷ thứ II SCN).
Đến năm 2007, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện ra những viên đá có hình giống mu rùa, các con lăn dùng để di dời những phiến đá nặng, bàn mài hình đá cát có vết mài hình lòng máng và một vết rãnh tròn. Ngoài ra còn phát hiện ra đồ gốm được làm từ đất sét pha cát và vỏ nhuyễn thể được nghiền nát, xương và áo gốm…
Qua nghiên cứu và đánh giá, các nhà nghiên cứu đều cho rằng chủ nhân của ngôi mộ cổ này là thủ lĩnh, người có quyền lực cao nhất của cộng đồng vì vậy mới có thể chỉ huy cộng đồng của mình tập hợp lại tao ra sức mạnh phi thưởng di chuyển những phiến đá lớn như vậy. Những dấu vết gốm vỡ, đất cháy trong khu vực xung quanh mộ được các nhà nghiên cứu đưa giả thuyết phải chăng là hình ảnh các nghi lễ, phương thức mai táng của người xưa. Tuy nhiên, đó vẫn là giả thuyết và những bí ẩn về ngôi mộ cổ vẫn đang chờ những khám phá mới của khảo cổ để có câu trả lời chính xác nhất.
Năm 2021-2022, được sự chấp thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch, Cục Di sản Văn hoá, UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai một dự án trùng tu, tôn tạo mộ cự thạch Hàng Gòn với quy mô lớn. Toàn bộ công trình, kiến trúc đã được chia làm hai nhóm gồm nhóm bảo tồn di tích gốc và nhóm tôn tạo giá trị di tích.
Tổng thể dự án trùng tu gồm các hạng mục: cổng vào, bãi để xe, miếu điều hành, miếu thờ "Ông Đá", nhà trưng bày, khu chế tác; nhà bao che mộ cổ là công trình lớn nhất , hình dạng và cách trang trí bên ngoài gợi nhớ cấu tạo nhà mồ xưa. Phía ngoài trang trí phù điêu mô phỏng sinh hoạt thời tiền sử. Hành lang xuống ngôi mộ cổ là con đường dốc xuống dần. Bên cạnh đó là hệ thống công viên văn hoá kết hợp với nghỉ dưỡng và giải trí tạo nên diện mạo như di tích ngày nay.
Đại diện Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao TP Long Khánh cho biết thêm: "Hằng năm, đơn vị đã tiếp đón trên hàng ngàn lượt khách và học sinh đến tham quan và du lịch tìm hiểu, học tập tại di tích khảo cổ học này. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử trên địa bàn đến với công chúng".
Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đi tìm sự bí ẩn của ngôi mộ cổ và muốn giải mã về sự hiện diện của ngôi mộ trong đời sống của con người xưa cách đây hơn 2.000 năm. Thế nhưng, càng tìm hiểu hậu bối chúng ta lại đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, không dễ dàng có thể tìm ra câu trả lời thoả đáng và thôi thúc các nhà khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu.
Nhưng chúng ta có quyền tự hào rằng, ngôi mộ cổ đã đánh dấu một mốc quan trọng trong trình độ phát triển của tư duy cư dân cổ ở Đồng Nai.
Bình luận (0)